Nhiều thị trấn và thành phố ở Anh bên bờ vực phá sản

Theo hãng CNN, không chỉ riêng Birmingham, số phận chung ở nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh hiện cũng đang rơi vào nguy cơ phá sản.

Vào năm 1890, một nhà báo người Mỹ tên là Julian Ralph đã đi từ New York đến thành phố Birmingham (Anh) và nhận thấy đây là "thành phố được quản lý tốt nhất trên thế giới".

Thời điểm đó, ông Ralph từng ca ngợi Hội đồng thành phố Birmingham đã mang đến đời sống văn hóa đa dạng cho người dân thông qua hệ thống các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện miễn phí hay hồ bơi và phòng tắm. Đường phố luôn giữ gìn "sạch sẽ một cách lạ thường và việc sử dụng đèn khí đốt - được phát minh ở thành phố này vài thập kỷ trước - để giữ cho đường phố luôn sáng.

Tuy nhiên, vào năm 2024, du khách đến Birmingham sẽ nhìn thấy một không gian công cộng đã khác. Hội đồng thành phố đang xem xét khả năng bán các phòng trưng bày nghệ thuật. Họ cũng có kế hoạch đóng cửa 25 thư viện. Bể bơi miễn phí không còn nữa. Việc thu gom rác thải diễn ra hai tuần một lần. Giống như khí đốt, nước sinh hoạt lần đầu tiên được quốc hữu hóa, sau đó được tư nhân hóa. Và, trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cắt giảm chi phí, thành phố đã giảm độ sáng đèn đường.

thi tran anh pha san
Người dân đi bộ đi qua Tòa nhà Hội đồng Thành phố Birmingham.

Birmingham - thành phố lớn thứ hai ở Vương quốc Anh và là chính quyền địa phương lớn nhất ở châu Âu - đã tuyên bố phá sản vào tháng 9 năm ngoái. Không thể cân bằng ngân sách hàng năm, họ đã đưa ra thông báo "mục 114": phiên bản phá sản. Để lấp đầy khó khăn tài chính, hội đồng cắt giảm dịch vụ, cắt giảm tài sản và tăng thuế, khiến người dân phải trả nhiều tiền nhiều hơn với dịch vụ.

Những vẫn đề phát sinh được cho là do không trả lương bình đẳng cho nữ giới và nam giới khi họ phải làm những công việc giống nhau, và giờ phải bồi thường. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin không thành công, thành phố đã phải gánh khoản nợ khoảng 1 tỷ bảng Anh (1,25 tỷ USD).

Trong khi đó, nguồn tài trợ của Birmingham từ chính phủ trung ương cũng bị cắt thêm 1 tỷ bảng Anh như một phần của chương trình "thắt lưng buộc bụng" trong thập kỷ kể từ năm 2010, trong khi nhu cầu về các dịch vụ và chi phí đang tăng vọt. Hội đồng thành phố nhận thấy dường như họ đang bị mắc vào "bẫy diệt vong" - khi áp lực ngân sách tăng lên, các khoản trợ cấp từ chính phủ giảm xuống.

Theo hãng CNN, Birmingham là một trong những thành phố đầu tiên của Anh thất thủ nhưng số phận chung vẫn có thể gặp với nhiều thị trấn và thành phố khác của nước Anh. Từ năm 1988 đến năm 2018, chỉ có hai hội đồng bị phá sản.

Thành phố Birmingham dự kiến bị thâm hụt 87 triệu bảng Anh trong năm tài chính 2023 - 2024.

Đáng chú ý, Học viện Birmingham và Midland từng được ca ngợi là "nguồn giáo dục tuyệt vời". Được thành lập vào giữa thời kỳ Victoria, Học viện cung cấp các lớp học ngôn ngữ, văn học và khoa học.

Vào tháng 4/2024, rất nhiều người dân đã tập trung tại Học viện, không phải để đến lớp mà để phản đối việc cắt giảm sâu các dịch vụ công của Hội đồng thành phố Birmingham.

"Những đợt cắt giảm này không chỉ khó khăn mà còn tàn phá thành phố", bà Kate Taylor - một người dân ở thành phố nói.

Bà Taylor, có con trai mắc chứng tự kỷ, đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm. Những người trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt từ lâu đã nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng, chẳng hạn như phương tiện đưa đón từ nhà đến trường bằng xe buýt nhỏ chuyên dụng. Nhưng điều này hiện đã bị cắt; thay vào đó những người trẻ tuổi đã được cấp thẻ đi xe buýt.

Bà Taylor nói: "Đối với một thanh niên mắc chứng tự kỷ cần sự nhất quán, điều đó thực sự rất khó khăn.

'Vượt quá giới hạn'

Theo tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền địa phương ở Anh đang rất yếu. Ở Anh, chưa đến 5% thuế được thu tại địa phương. Các quốc gia khác trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền hơn để tăng doanh thu, cụ thể Pháp, 14% thuế được thu tại địa phương; ở Đức là 25%; ở Thụy Điển là 35%.

Không thể tự huy động được nhiều doanh thu, các hội đồng thành phố ở Anh thường phải nhận các khoản tài trợ từ chính quyền trung ương. Nhưng những khoản trợ cấp đó đã giảm 40% theo giá trị thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010 đến năm 2019-2020, mức thấp nhất. Chính phủ trung ương đã bơm thêm vốn trong đại dịch Covid-19, có nghĩa là mức giảm thu nhập từ trợ cấp theo giá trị thực tế vào năm 2021-2022 là 21%. Nhưng các hội đồng vẫn đang nỗ lực đuổi kịp sau hơn một thập kỷ thiếu vốn.

Trong khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, nhu cầu về dịch vụ vẫn tăng lên. Nhiều người cao tuổi, thường xuyên ốm đau hơn, tiêu tốn ngày càng nhiều vào ngân sách của hội đồng. Một thập kỷ trước, khoảng 52% được chi cho chăm sóc xã hội. Năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng lên 61%. Việc cắt giảm phải được thực hiện ở nơi khác. Với phần lớn ngân sách rơi vào tay một phần nhỏ dân số, hầu hết người Anh đều băn khoăn không biết họ đang trả tiền cho cái gì: hóa đơn của họ ngày càng tăng khi đường phố ngày càng bẩn hơn và dịch vụ suy giảm.

Và khi nhu cầu tăng lên, chi phí cũng tăng theo - thường ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát quốc gia. Trong năm 2017-2018, hội đồng Birmingham nói rằng họ đã chi 20 triệu bảng Anh cho việc đưa đón từ nhà đến trường cho trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Đến năm 2021-2022, hóa đơn là 40 triệu bảng.

Ông John Cotton, lãnh đạo Hội đồng thành phố Birmingham cho biết chi phí cung cấp dịch vụ của chúng tôi đã tăng lên. Việc cấp vốn thấp cộng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ đang thực sự đẩy các hội đồng đến bờ vực.

"Thắt lưng buộc bụng", từng chỉ là dự định của một giai đoạn ngắn ngủi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng hiện đã trở thành một cơn ác mộng mà nước Anh đang phải vật lộn.

Theo kế hoạch tài trợ mới nhất của chính phủ, "căn bệnh" này hiện được kỳ vọng sẽ trở thành phương thuốc chữa trị: chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách trong những năm tới.

Theo Toquoc