Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh vừa công bố dự báo cho biết độ tuổi nghỉ hưu của người dân nước này có thể tăng lên 71 tuổi kể từ năm 2050 do tình trạng già hóa dân số.
Hiện tại, người lao động ở Anh hưởng lương hưu từ năm 66 tuổi, nhưng sẽ tăng lên 67 tuổi từ năm 2026 và 68 tuổi từ năm 2044 (Ảnh: Getty)
Hiện, người lao động ở Anh hưởng lương hưu từ năm 66 tuổi nhưng sẽ tăng lên 67 tuổi từ năm 2026 và 68 tuổi từ năm 2044. Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh dự báo độ tuổi nghỉ hưu có thể tăng lên 71 tuổi kể từ năm 2050.
Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh nêu rõ: "Tại Anh, độ tuổi hưởng lương hưu của nhà nước cần tăng lên 70 hoặc 71 tuổi so với 66 tuổi hiện nay để duy trì nguyên trạng số lượng lao động tính theo mỗi người hưởng lương hưu của nhà nước".
Trung tâm trên lưu ý rằng người dân Anh đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe kém sớm hơn, có nghĩa là người lao động sẽ nghỉ hưu rất lâu trước khi đến tuổi hưởng lương hưu của nhà nước. Như vậy, Chính phủ Anh sẽ thu được ít tiền thuế hơn để tài trợ cho việc trả lương hưu, gây khó khăn cho nhà nước trong việc chi trả khoản tiền này trong tương lai.
Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già hơn sẽ cần nhiều hơn nhu cầu về y tế.
Liên hợp quốc dự báo với tỷ lệ sinh như hiện nay, từ năm 2050, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người qua đời. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số.
Trong 50 năm qua, tuổi thọ trung bình đã tăng thêm 10 năm và thế hệ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số đã đến tuổi nghỉ hưu. Xu hướng này đang đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, dẫn đến chi phí lương hưu và chăm sóc y tế tăng lên, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe trở nên tồi tệ hơn khi tuổi thọ của người về hưu kéo dài.
Sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ lại giảm tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cú sốc mạnh mẽ hơn. Ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển và mới nổi, tỷ lệ sinh đang giảm rõ rệt. Đỉnh điểm là ở châu Á, tại Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới 0,8, trong khi mỗi phụ nữ phải sinh ít nhất 2,1 con để duy trì dân số ổn định.
Theo VTV