• Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh vừa công bố dự báo cho biết độ tuổi nghỉ hưu của người dân nước này có thể tăng lên 71 tuổi kể từ năm 2050 do tình trạng già hóa dân số.

    anh tang tuoi nghi huu
    Hiện tại, người lao động ở Anh hưởng lương hưu từ năm 66 tuổi, nhưng sẽ tăng lên 67 tuổi từ năm 2026 và 68 tuổi từ năm 2044 (Ảnh: Getty)

    Hiện, người lao động ở Anh hưởng lương hưu từ năm 66 tuổi nhưng sẽ tăng lên 67 tuổi từ năm 2026 và 68 tuổi từ năm 2044. Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh dự báo độ tuổi nghỉ hưu có thể tăng lên 71 tuổi kể từ năm 2050.

    Trung tâm Tuổi thọ quốc tế của Anh nêu rõ: "Tại Anh, độ tuổi hưởng lương hưu của nhà nước cần tăng lên 70 hoặc 71 tuổi so với 66 tuổi hiện nay để duy trì nguyên trạng số lượng lao động tính theo mỗi người hưởng lương hưu của nhà nước".

    Trung tâm trên lưu ý rằng người dân Anh đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe kém sớm hơn, có nghĩa là người lao động sẽ nghỉ hưu rất lâu trước khi đến tuổi hưởng lương hưu của nhà nước. Như vậy, Chính phủ Anh sẽ thu được ít tiền thuế hơn để tài trợ cho việc trả lương hưu, gây khó khăn cho nhà nước trong việc chi trả khoản tiền này trong tương lai.

    Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già hơn sẽ cần nhiều hơn nhu cầu về y tế.

    Liên hợp quốc dự báo với tỷ lệ sinh như hiện nay, từ năm 2050, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người qua đời. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số.

    Trong 50 năm qua, tuổi thọ trung bình đã tăng thêm 10 năm và thế hệ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số đã đến tuổi nghỉ hưu. Xu hướng này đang đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, dẫn đến chi phí lương hưu và chăm sóc y tế tăng lên, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe trở nên tồi tệ hơn khi tuổi thọ của người về hưu kéo dài.

    Sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ lại giảm tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cú sốc mạnh mẽ hơn. Ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển và mới nổi, tỷ lệ sinh đang giảm rõ rệt. Đỉnh điểm là ở châu Á, tại Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới 0,8, trong khi mỗi phụ nữ phải sinh ít nhất 2,1 con để duy trì dân số ổn định.

    Theo VTV

  • Kể từ năm 2013, mỗi trẻ sơ sinh ở Lestijärvi, một trong những thị trấn nhỏ nhất ở Phần Lan, đã được 'định giá' 10.000 euro.

    Đó là khi các nhà quản lý Lestijärvi quyết định đẩy lùi tỷ lệ sinh giảm và dân số ngày càng ít trong làng với chỉ có một đứa trẻ được sinh ra vào năm trước đó.

    Thị trấn đã đưa ra chính sách ưu đãi gọi là 'tiền thưởng sinh em bé': bất kỳ cư dân nào sinh con sẽ được thưởng 10.000 euro, được chi trả trong vòng 10 năm.

    Tỷ lệ sinh thấp

    Nó đã có tác dụng: kể từ đó đã có gần 60 trẻ em đã được sinh ra ở thị trấn.

    So với giai đoạn bảy năm trước đó vốn chỉ có 38 em bé được sinh ra, những em bé này là một cú hích lớn cho ngôi làng có chưa đến 800 dân này.

    Những người hưởng trợ cấp nuôi con như Jukka-Pekka Tuikka, 50 tuổi, và vợ là Janika, 48 tuổi, là doanh nhân trong ngành nông nghiệp. Con gái thứ hai của họ, Janette, ra đời vào năm 2013, vừa đúng lúc để được đặt biệt danh hài hước: 'bé gái mười nghìn euro'.

    "Chúng tôi đã lên kế hoạch sinh con thứ hai đã lâu và ngày càng trở nên lớn tuổi," ông Tuikka giải thích, "vì vậy tôi không thể nói rằng tiền bạc thật sự ảnh hưởng đến quyết định sinh con của chúng tôi".

    Tuy nhiên, Tuikka coi hình thức khuyến khích này là một biện pháp quan trọng, cho thấy các lãnh đạo địa phương quan tâm đến việc hỗ trợ cho các gia đình.

    Tuikka đã tiết kiệm được hầu hết trong số tiền 6.000 euro mà gia đình ông đã nhận được cho đến nay và dự định sẽ tiêu số tiền này theo cách có lợi cho cả gia đình trong tương lai.

    Giờ đây, một số thành phố khác của Phần Lan cũng đã đưa ra tiền thưởng cho việc sinh con, từ vài trăm cho đến 10.000 euro.

    Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp khuyến khích của địa phương, tỷ lệ sinh quốc gia của Phần Lan đang lao đao.

    Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, nó đã giảm đáng kể trong thập niên qua: năm 2018, nó xuống mức thấp kỷ lục là 1,4 con/phụ nữ, trong khi 'tỷ lệ thay thế' là 2,1 con.

    Mười năm trước đó, con số này đứng ở mức 1,85.

    Phần Lan có nhiều chương trình phúc lợi gia đình rất mạnh - trong đó có thùng quà vật dụng nuôi con nổi tiếng thế giới dành cho những cặp vợ chồng sắp có em bé, trợ cấp có con nhỏ hàng tháng khoảng 100 euro cho mỗi đứa con và thời gian nghỉ phép nuôi con chung cho cả cha và mẹ kéo dài tới chín tháng được hưởng 70% tiền lương.

    Nhưng mặc dù nước này chi nhiều ngân sách cho phúc lợi gia đình hơn so với mức trung bình của EU, bà Ritva Nätkin, giảng viên khoa học xã hội tại Đại học Tampere, tin rằng các chính sách phúc lợi gia đình ở đây vẫn tụt hậu so với các quốc gia Bắc Âu khác, chẳng hạn Thụy Điển với chính sách nghỉ phép hào phóng cho những người vừa có em bé.

    Bà chỉ ra các trợ cấp tài chính như phúc lợi trẻ em và trợ cấp chăm sóc trẻ tại nhà vốn hoặc là đã mất giá trị vì chúng không hề được tăng hoặc đã bị cắt giảm, cũng như sự bất định kinh tế và khí hậu, là những lý do dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.

    'Bùng nổ sinh con thứ ba'

    Vậy chính sách trả tiền cho những người mới có con của Lestijärvi có phải là cách hiệu quả để khiến tỷ lệ sinh bùng nổ?

    Nätkin nói rằng tăng cường khuyến khích tài chính cho các gia đình có thể sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh ở một mức độ nào đó.

    Tuy nhiên, khó có khả năng chỉ riêng việc thúc đẩy bằng tiền bạc sẽ dẫn đến bùng nổ em bé, bà nói, nhất là khi thái độ của mọi người đối với việc có con đã thay đổi theo thời gian.

    Ở Lestijärvi, Tuikka tin rằng khoản trợ cấp này đã có tác động tích cực đến quyết định sinh con của một số cư dân - nhưng ông cũng nghi ngờ chỉ biện pháp này không liệu có khiến người ta sinh sản hay không. "Quan trọng hơn, nó đã thu hút các gia đình ở lại làng thay vì chuyển đi," ông nói.

    Bức tranh có phần khác biệt trên Vịnh Phần Lan, nơi quốc gia Baltic như Estonia đã cố gắng tăng tỷ lệ sinh trong thập kỷ rưỡi qua.

    Sự gia tăng này ở mức độ nào đó ít nhất có thể được cho là nhờ vào quyết định của chính phủ đầu tư vào các chính sách gia đình, chủ yếu dưới hình thức tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình đông người.

    Ngoài chính sách nghỉ phép gia đình hào phóng được đưa ra vào năm 2004 - vốn cho phép nghỉ một năm rưỡi được hưởng nguyên các phúc lợi - vào năm 2017 quốc gia này còn tung ra trợ cấp con cái hàng tháng: 60 euro cho em bé đầu tiên, 60 euro cho đứa thứ hai và 100 euro cho đứa con thứ ba.

    Nước này cũng thưởng cho các gia đình có từ ba con trở lên: họ nhận được tiền thưởng hàng tháng là 300 euro. Tổng cộng một gia đình Estonia có ba con nhận được 520 euro mỗi tháng tiền trợ cấp gia đình.

    Xét trên mức chi phí sinh hoạt tương đối phải chăng ở Estonia và mức thu nhập trung bình thấp, những khoản phúc lợi này chắc chắn là sự trợ giúp tài chính hào phóng.

    Và các chương trình này dường như đã phát huy tác dụng - tỷ lệ sinh đã tăng từ 1,32 vào đầu những năm 2000 lên 1,67 vào năm 2018 - mặc dù có chút sụt giảm nhỏ vào đầu những năm 2010.

    Allan Puur, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Tallinn, xác nhận rằng các ưu đãi tài chính dường như đã có tác động tích cực. Ông đặc biệt nhấn mạnh ưu đãi vào năm 2017, vốn dẫn đến điều được gọi là 'đợt bùng nổ em bé thứ ba' ở quy mô nhỏ.

    Nhưng, một lần nữa, vấn đề này còn nhiều điều phải bàn hơn nữa. Puur cũng chỉ ra việc người dân có sự tiếp cận tốt hơn các cơ sở giữ trẻ công vào ban ngày giá cả phải chăng và tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định của Estonia là yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ sinh.

    "Khả năng sinh đẻ thường có tính chu kỳ, có nghĩa là tỷ lệ sinh có xu hướng tăng lên khi cơ hội kinh tế tốt và ngược lại," ông giải thích.

    Thái độ đối với việc có con

    Nói cách khác, các khuyến khích tài chính tạo ra nền tảng để giữ tỷ lệ sinh tăng - nhưng các yếu tố kinh tế chung hơn cũng đóng một vai trò quan trọng.

    Laurent Toulemon, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp, cho rằng thái độ đối với gia đình cũng rất quan trọng.

    Ở Pháp, người dân biết rằng nhà nước thích gia đình và tin rằng chính phủ sẽ giúp họ về tài chính, ông nói. Mặc dù tỷ lệ sinh ở Pháp đã giảm nhẹ trong bốn năm qua, Pháp vẫn là nước có tỷ lệ sinh cao nhất EU, tăng lên 1,84 vào năm 2018.

    Pháp được biết đến với sự ổn định trong chính sách thúc đẩy sinh đẻ và chi ngân sách cho gia đình nhiều hơn bất kỳ quốc gia OECD nào khác.

    Nước này cung cấp nhiều loại phúc lợi và trợ cấp bao gồm 'tiền hỗ trợ sinh' khoảng 950 euro, tiếp theo là trợ cấp nuôi con hàng tháng và nhiều khoản trợ cấp gia đình đa dạng.

    Nhiều khoản trợ cấp này tăng theo số lượng con cái. Các gia đình Pháp cũng được giảm thuế thu nhập và được trợ cấp tiền giữ trẻ vào ban ngày.

    Tuy nhiên, Toulemon miễn cưỡng cho rằng các ưu đãi tài chính là lý do đằng sau tỷ lệ sinh cao ở Pháp.

    Còn có những yếu tố khác cũng có thể đóng vai trò lớn, chẳng hạn như tình cảm mạnh mẽ, tích cực của người Pháp đối với việc xây dựng gia đình và chống lại tình trạng không có con và gia đình chỉ có một con, ông nói.

    Đúng, tiền dường như có ích - nhưng thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh thực chất là vấn đề kết hợp phức tạp giữa thái độ xã hội, các chính sách hỗ trợ gia đình và hỗ trợ tài chính.

    Một trường hợp thú vị ở Ý cho thấy 'cơn bão hoàn hảo' các yếu tố như thế này có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.

    Ở Ý, tỷ lệ sinh đã ở mức thấp trong nhiều thập kỷ và đã giảm trong nhiều năm. Năm 2018, nó xuống mức thấp kỷ lục mới ở khoảng 1,3.

    Nhưng có một tỉnh của Ý đi ngược xu hướng này: Bolzano, nằm ở biên giới với Thụy Sĩ và Áo, có tỷ lệ sinh là 1,67 - cao hơn mức bình quân EU là 1,60.

    Giải pháp toàn diện

    Tỉnh này, South Tyrol, được trao quy chế tự trị và nhiều quyền tự do hơn để ra chính sách cho riêng mình.

    Chính sách gia đình ở đây hào phóng hơn nhiều những nơi khác ở Ý và các gia đình nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn.

    Khoản trợ cấp em bé hàng tháng là khoảng 200 euro - hơn gấp đôi mức quốc gia. Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp đặc biệt cho có gia đình có thu nhập thấp.

    Nhưng Bolzano cũng vượt lên nhiều thành phố khác ở Ý về các dịch vụ thân thiện với gia đình như chăm sóc trẻ em, Mirco Tonin, giáo sư chính sách kinh tế tại Đại học Free University Bolzano, giải thích.

    Ở những nơi khác ở Ý, ông bà thường có trách nhiệm trông cháu nhỏ, nhưng ở Bolzano sẽ dễ dàng tìm thấy các cơ sở chăm sóc trẻ tại chỗ.

    Hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho các gia đình là có tác dụng, Tonin nói, nhưng ông nghĩ rằng chìa khóa giúp cho tỷ lệ sinh ở Bolzano cao hơn là sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động.

    Ở Bolzano, 73% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 64 có đi làm, so với mức 53% của cả nước Ý với tư tưởng bảo thủ về vai trò hai giới vẫn tồn tại ở miền Nam.

    Các nhà tuyển dụng ở Bolzano (bao gồm khu vực công rộng lớn) cho phép giờ làm việc linh hoạt cũng như công việc bán thời gian và làm từ nhà, ông nói thêm, giúp phụ nữ dễ dàng kết hợp thiên chức làm mẹ với đi làm.

    Bolzano là một trường hợp thú vị vốn cho thấy rằng để tăng tỷ lệ sinh không hề chỉ là việc đưa ra giải pháp dễ dàng, mà thay vào đó là cần có giải pháp toàn diện.

    Do dân số châu Âu tiếp tục giảm, các ngôi làng nhỏ cũng như các thành phố lớn cũng sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện các chương trình để tăng tỷ lệ sinh của họ.

    Nhưng suy cho cùng vấn đề không phải chỉ là tiền bạc.

    Dữ liệu từ các chuyên gia và người dân cũng cho thấy rằng việc khuyến khích mọi người sinh đẻ là một vấn đề phức tạp vốn không thể đơn giản giải quyết chỉ bằng một tấm séc.

    Theo BBC Vietnamese

  • Tình trạng dân số già hóa nhanh chóng khiến số nhà bị bỏ hoang ở Nhật tăng kỷ lục, cùng với đó là tài sản của chủ cũ bỏ lại. 

    Kết quả cuộc khảo sát nhà ở kéo dài hai thập niên được Nhật Bản công bố vào ngày 26/4 cho thấy số căn hộ không có người ở năm 2018 đạt mức kỷ lục 8,46 triệu, tăng 260.000 căn kể từ lần khảo sát gần nhất năm 2013. Khi phá dỡ những ngôi nhà không có người ở này, cơ quan chức năng tìm thấy những cọc tiền mặt được cất giấu cẩn thận, dấu hiệu cho thấy cuộc sống cô đơn của người cao tuổi ở Nhật. 

    Một người dân dọn vườn của một ngôi nhà bỏ hoang gần thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters.

    Cọc tiền 200.000 USD từng được tìm thấy tại một ngôi nhà bị phá dỡ ở Tokyo năm 2018. "Có lẽ một phần là do nhiều người già sống một mình. Số tiền có khả năng là khoản tiết kiệm bí mật mà các thành viên khác trong gia đình thậm chí không biết đến", Hideto Kone, phó giám đốc cơ quan cấp phép cho các chuyên gia dọn dẹp đồ đạc của người quá cố, giải thích.

    Nếu không thể tìm được chủ sở hữu của những khoản tiền được cất giấu bí mật này và những người tìm thấy không đòi nhận nó, cọc tiền sẽ được gửi đến chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố Tokyo năm 2018 nhận được khoảng 560 triệu yên theo cách này.

    Sau khi Nhật Bản thông qua luật năm 2015 để ngăn chặn sự gia tăng của những ngôi nhà bỏ hoang, chính quyền các đô thị trên cả nước đã kêu gọi chủ sở hữu sửa chữa hoặc phá hủy 708 bất động sản vào tháng 10 năm ngoái.

    Tuy nhiên, việc phá dỡ không đơn giản vì vừa tốn kém chi phí vừa gây nguy hiểm, nên một số doanh nghiệp tìm cách tận dụng cơ hội kinh doanh từ chúng. Trong khi nhiều công ty khởi nghiệp tìm cách biến các căn nhà không người ở thành văn phòng, các tổ chức phi lợi nhuận đã biến chúng thành quán cà phê hoặc nhà nghỉ.

    Viethome (theo VnExpress)