Vương quốc Anh bùng nổ kinh doanh sắt vụn

Trong nỗ lực giảm khí thải nhà kính, các công ty thép lớn nhất của Anh đang chuyển sang sử dụng lò hồ quang điện, có thể sử dụng 100% sắt thép phế liệu để sản xuất thép tái chế. Sự thay đổi theo hướng xanh hơn này trong ngành công nghiệp thép đã kích hoạt cơn bùng nổ kinh doanh sắt vụn.

kinh doanh sat vun
Bãi thép phế liệu Alexandra Dock ở thành phố Liverpool. Ảnh: Financial Times

Alexandra Dock ở thành phố Liverpool là một trong những bãi phế liệu bận rộn nhất ở Anh. Cơ sở rộng lớn nằm bên sông Mersey có thể xử lý tới 500.000 ô tô phế thải mỗi năm và cung cấp khoảng một triệu tấn thép tái chế hàng năm cho khách hàng trên toàn thế giới. Cơ sở này thuộc hữu của European Metal Recycling (EMR), công ty tái chế kim loại tư nhân lớn nhất nước Anh

Với một cỗ máy nghiền vật liệu khổng lồ có thể xử lý 400 tấn vật liệu mỗi giờ, Alexandra Dock sẵn sàng cho nhiều hoạt động kinh doanh hơn trong tiến trình chuyển đổi sang thép “xanh”, tức thép sản xuất dựa vào năng lượng tái tạo hoặc thép phế liệu.

Nick Pickens, giám đốc nghiên cứu khai khoáng toàn cầu của hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho rằng giới đầu tư cần “sẵn sàng cho cuộc cách mạng sắt vụn”. “Sự kết hợp giữa nhu cầu kim loại tăng trưởng vượt bậc, nhu cầu giảm khí thải công nghiệp và mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng sẽ thúc đẩy đầu tư vào kim loại tái chế trong dài hạn”, ông nhận định.

Theo Wood Mackenzie, nhu cầu thép phế liệu toàn cầu ước tính khoảng 620-630 triệu tấn vào năm 2022 và dự kiến tăng gần 1,6 lần lên 1.000-1.020 triệu tấn vào năm 2050 khi các nỗ lực khử carbon trong trong ngành công nghiệp thép tăng tốc.

Nhu cầu tăng chủ yếu là do sản xuất thép xanh liên quan đến việc chuyển sang sử dụng lò hồ quang điện sạch hơn để nấu chảy 100% thép phế liệu. Trong khi đó, lò cao truyền thống chỉ có thể sử dụng tối đa 30% thép phế liệu.

Hai nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh, British Steel và Tata Steel UK, đều đã công bố kế hoạch sử dụng nhiều thép phế liệu khi họ đóng cửa các lò cao và thay thế bằng lò hồ quang điện.

“Cơ hội lớn nhất dành cho ngành tái chế kim loại là thép xanh”, Chris Sheppard, CEO của EMR cho biết và nói thêm rằng ông thích thuật ngữ “thép tái chế” hơn là thép phế liệu.

Trong một báo cáo gần đây, Gareth Stace, người đứng đầu UK Steel, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất thép ở Anh, xem thép phế liệu đóng vai trrò cốt lõi cho quá trình chuyển đổi nhanh chóng của Anh sang phát thải carbon ròng ở mức zero.

Thách thức đối với ngành thép là đảm bảo có đủ thép phế liệu làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều lò hồ quang điện hơn. Anh sản xuất 10-11 triệu tấn thép phế liệu mỗi năm, trong đó chưa đến 3 triệu tấn được tái chế. Phần còn lại dành cho xuất khẩu do không có đủ nhu cầu từ các nhà sản xuất thép trong nước. UK Steel dự báo, mức tiêu thụ phế liệu từ ngành thép của Anh có thể tăng gần gấp ba vào năm 2050, lên tới 7 triệu tấn mỗi năm khi hai nhà sản xuất thép lớn nhất nước chuyển sang sử dụng lò hồ quang điện.

Hai nhà sản xuất thép lớn khác của Anh, Celsa UK và Liberty Steel cũng đã vận hành lò hồ quang điện. Celsa có mảng kinh doanh tái chế riêng để cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất thép. Bên cạnh đó, công ty cũng mua thêm thép phế liệu từ các nhà cung cấp bên ngoài.

UK Steel muốn chính phủ đảm bảo ngành có đủ nguồn cung cấp thép phế liệu để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vọt ở Anh và trên toàn thế giới. Cơ quan này bày tỏ lo ngại rằng việc xuất khẩu phế liệu sang các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn có thể làm tăng lượng khí thải carbon.

“Điều đáng kinh ngạc là Anh sản xuất hơn 10 triệu tấn phế liệu mỗi năm nhưng lại xuất khẩu 80% trong số đó. Với việc rất nhiều nước trên thế giới hành động nhanh chóng để đảm bảo nguồn cung thép phế liệu và hạn chế xuất khẩu, chúng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn”, Gareth Stace, người đứng đầu UK Steel, nói.

UK Steel thừa nhận, ngành thép của Anh sẽ không thể sử dụng tất cả phế liệu được tạo ra trong nước ngay cả khi các lò hồ quang điện đi vào hoạt động, nhưng cho biết cần phải xây dựng “sự cân bằng hợp lý”.

UK Steel đang kêu gọi hành động chính sách trên ba khía cạnh: chỉ cho phép xuất khẩu thép phế liệu sang các nước có thể chứng minh khả năng xử lý phế liệu bền vững, khuyến khích lưu giữ phế liệu ở Anh và cải thiện chất lượng của thép phế liệu. UK Steel cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ hạn chế xuất khẩu thép phế liệu sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) từ năm 2027 trừ khi họ có thể chứng minh các hoạt động tái chế bền vững. Điều này sẽ khiến nhiều nước chuyển sang mua thép phế liệu của Anh.

Tuy nhiên, các lãnh đạo trong ngành kinh doanh thép phế liệu cảnh báo, động thái hạn chế xuất khẩu có thể làm giảm giá của thép phế liệu. Theo James Kelly, CEO của Hiệp hội Tái chế kim loại Anh, kết quả tất yếu của việc hạn xuất khẩu có thể dẫn đến tình trạng dư cung nghiêm trọng.

“Nguồn cung dư thừa sẽ làm giảm giá thép phế liệu và sẽ gây tác động tàn phá tiềm tàng đối với ngành công nghiệp thép phế liệu”, ông nói.

Sheppard của EMR cho biết, có nhiều vấn đề lớn hơn mà các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết, gồm cả việc đưa ra biện pháp khuyến khích để thúc đẩy nhu cầu thép có hàm lượng carbon thấp.

Các chuyên gia trong ngành tin rằng nhu cầu thép phế liệu ngày càng tăng là cơ hội để ngành cải thiện chất lượng, đặc biệt là thông qua các phương pháp xử lý và tái chế tốt hơn. Julian Allwood, giáo sư kỹ thuật và môi trường ở Đại học Cambridge, cho biết thép phế liệu thường bị ô nhiễm bởi các nguyên tố như đồng khiến việc tái chế trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, những chiếc ô tô cũ được tái chế khi hết tuổi thọ, chúng sẽ bị cắt nhỏ, dẫn đến đồng trong động cơ của chúng bị lẫn vào thép phế liệu.

Thesaigontimes (theo Financial Times)