CPTPP: Bến đỗ mới của nước Anh hậu Brexit

Ngày 16-7, Chính phủ Anh ký nghị định thư trở thành nền kinh tế thứ mười hai tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh dấu chặng đường mới của London sau 2 năm xin gia nhập và cũng là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà nước này tham gia hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU). Sự kiện cũng cho thấy bước chuyển quan trọng của CPTPP từ khối thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sang khuôn khổ kinh tế toàn cầu.

CPTPP
Lễ ký kết đưa Anh trở thành thành viên thứ 12 của CPTPP tại New Zealand sáng 16-7. Ảnh: Reuters

Thúc đẩy chiến lược “nước Anh toàn cầu” ở châu Á

Theo Reuters, ngày 16-7, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch ký văn kiện trên tại New Zealand, đưa Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi khối thành lập năm 2018. Giới chức Anh ca ngợi thỏa thuận là cú hích lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nước này, mở ra cơ hội giao thương chưa từng có với thị trường hơn 500 triệu dân và khả năng tiếp cận các khu vực rộng lớn hơn.

“Chúng tôi đang sử dụng vị thế là quốc gia thương mại độc lập để tham gia vào khối thương mại năng động, phát triển và hướng tới tương lai. Khối này sẽ giúp đẩy mạnh kinh tế Anh và tạo hàng trăm nghìn cơ hội việc làm”, Bộ trưởng Badenoch nói. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhận định, gia nhập CPTPP sẽ đưa Anh vào vị trí trung tâm của nhóm các nền kinh tế năng động và đang phát triển mạnh tại Thái Bình Dương. Sữa, ô-tô, socola, máy móc và rượu whisky sẽ nằm trong số hơn 99% hàng hóa xuất khẩu hiện tại của Anh sang các nước CPTPP đủ điều kiện được miễn thuế sau khi chính thức gia nhập khối. Bên cạnh đó, GDP hằng năm của Anh sẽ tăng thêm khoảng 2,36 tỷ USD trong 15 năm và còn tăng tiếp nếu có thêm nhiều nước gia nhập khối.

Chính phủ Anh sẽ bắt đầu quá trình phê chuẩn tại Nghị viện, dự kiến có hiệu lực từ năm 2024. Các thành viên khác của CPTPP cũng sẽ hoàn thiện quy trình nội luật hóa của riêng mình trong thời gian này. Anh nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ năm 2018 để kích thích xuất khẩu hậu Brexit và nộp đơn xin gia nhập CPTPP năm 2021.

Việc tham gia CPTPP thể hiện Anh cam kết tăng cường quan hệ ở Thái Bình Dương. Theo Sky News, cái bắt tay với CPTPP càng cho thấy Anh đang “hướng ra thế giới”, đặc biệt có xu hướng ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chiến lược “nước Anh toàn cầu” kể từ khi rời “mái nhà chung” EU, khối thương mại và nền kinh tế tập thể lớn nhất thế giới, sau hơn 50 năm. CPTPP là thỏa thuận bổ sung bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Anh đang có với hầu hết các nước thành viên. Sau Brexit năm 2020, Anh đạt thỏa thuận thương mại mới với Úc, New Zealand và Nhật Bản, và đang xem xét ký kết với Malaysia.

Bước chuyển quan trọng của CPTPP

Giới quan sát nhận định, ngày 16-7 cũng được xem là “ngày lịch sử” trên chặng đường phát triển của CPTPP. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, với sự góp mặt của Anh sẽ giúp nâng tổng dân số của khối từ 510 triệu lên 580 triệu với tổng GDP ước tính hơn 15.700 tỷ USD và nâng mức đóng góp từ 12% lên 15% GDP toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng cho thấy sức hút ngày càng gia tăng trên trường quốc tế của CPTPP khi khối thương mại này không chỉ gồm các nước vành đai Thái Bình Dương mà còn hứa hẹn chào đón thêm nhiều nền kinh tế ngoài khu vực. Ông Osamu Tanaka, chuyên gia kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life Research Institute Inc., cho biết: “Với sự gia nhập của Anh, CPTPP có tiềm năng trở thành khuôn khổ toàn cầu”. Đồng quan điểm này, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins nói: Việc có một nền kinh tế lớn như Anh bên trong CPTPP đã đưa Đại Tây Dương xích đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo cách củng cố hệ thống thương mại dựa trên quy tắc trong khu vực và mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, giúp cải thiện chuỗi cung ứng khu vực”.

Theo Japan News, dù các bên tham gia rất đa dạng và trải rộng trên nhiều khu vực địa lý phát triển nhanh nhất thế giới, các thành viên CPTPP chia sẻ cam kết chung về hệ thống thương mại dựa trên quy tắc, vượt ra ngoài thương mại hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế kỹ thuật số và thương mại dịch vụ. CPTPP yêu cầu các nước loại bỏ hoặc cắt giảm đáng kể thuế quan, cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, đồng thời có các quy định về cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các công ty nước ngoài.

Trung Quốc và nhiều nước thúc đẩy gia nhập CPTPP
Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ecuador Costa Rica, Uruguay, và Ukraine đã lần lượt nộp đơn xin tham gia CPTPP. “Các thành viên CPTPP đang thu thập thông tin về việc liệu các nền kinh tế này có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không, có tính đến các cam kết thương mại”, tuyên bố chung của CPTPP ngày 16-7 nêu. Trung Quốc đang chủ động điều chỉnh các tiêu chuẩn thương mại của mình theo các ngưỡng cao của khối này và sẽ cung cấp động lực thương mại tự do mới cho khu vực. Trong khi đa số các nước ủng hộ Trung Quốc thì Úc và Nhật Bản tỏ ra thận trọng. Tư cách thành viên CPTPP cần có sự chấp thuận của tất cả nước thành viên, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản và Anh.

Theo Baodanang