Boris Johnson và 4 lần trở lại khó tin

Ý định tái tranh cử của ông Boris Johnson khiến chính trường Anh bị khuấy động những ngày qua đã chấm dứt và giới quan sát cho rằng đây là quyết định đúng đắn để tránh bẽ mặt.

Trong phiên chất vấn cuối cùng trước Quốc hội vào ngày 20/7, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã sử dụng câu thoại nổi tiếng: “Hasta la vista baby” (tức hẹn gặp lại) - một gợi ý rõ ràng rằng ông sẽ trở lại. Và cơ hội để ông Johnson thực hiện lời hứa này dường như đến sớm hơn dự kiến.

Ngay sau khi người thay thế ông - bà Liz Truss - tuyên bố từ chức trước áp lực về kế hoạch ngân sách ngắn hạn với những tác động tiêu cực đến thị trường Anh, ông Johnson đã gấp rút lên máy bay trở lại London.

Theo Times, ông dự định tham gia cuộc đua giành ghế thủ tướng một lần nữa và tin rằng đó là "vì lợi ích quốc gia".

BBC nhận định nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của ông Johnson sẽ là một bước ngoặt phi thường, ngay cả khi ông từng có những lần trở lại "thần kỳ" trước đây. Trong 140 năm qua, Vương quốc Anh không có nhân vật nào trở lại làm thủ tướng sau khi từ chức.

Tuy nhiên, sẽ không có bước ngoặt phi thường nào như vậy, cựu Thủ tướng Boris Johnson hôm 23/10 đã thông báo rút khỏi cuộc tranh cử cho vị trí nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh và đảng Bảo thủ.

4 lần trở lại của ông Johnson

Cựu Thủ tướng Boris Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử “long trời lở đất” vào năm 2019, nhưng bị chính các nghị sĩ đảng Bảo thủ buộc từ chức sau 3 năm tại vị, với một loạt vụ bê bối.

Những tháng cuối cùng của ông Johnson tại văn phòng thủ tướng chìm trong các cáo buộc vi phạm quy tắc khi tổ chức tiệc ở Phố Downing trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19.

Cựu thủ tướng Anh vẫn đang bị điều tra vì cáo buộc nói dối Quốc hội về những lần vi phạm lệnh phong tỏa. Về lý thuyết, điều này có thể khiến ông bị đình chỉ khỏi nghị viện, hoặc thậm chí bị tước bỏ tư cách nghị sĩ. Những người ủng hộ ông Johnson đã bác bỏ cuộc điều tra này là một "cuộc săn phù thủy".

Trên thực tế, trước đây, ông Johnson từng có 4 lần trở lại đầy bất ngờ trong cả sự nghiệp báo chí và sự nghiệp chính trị.

Vào năm 1987, ông Boris Johnson bị tờ Times sa thải vì giả mạo trích dẫn, nhưng trở lại làm phóng viên của Daily Telegraph một năm sau đó. Năm 2004, ông bị sa thải với tư cách bộ trưởng trong nội các bóng tối của đảng Bảo thủ (nhóm phản biện với chính phủ đương nhiệm) vì cáo buộc nói dối, nhưng đã trở lại băng ghế đầu sau một năm.

Đến năm 2016, ông Johnson rút khỏi cuộc đua trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng Anh đầu tiên, sau khi đồng minh thân cận của ông - Michael Gove - tuyên bố tranh cử. Nhưng ông Johnson đã trở lại bất ngờ với tư cách ngoại trưởng sau chiến thắng chung cuộc của cựu Thủ tướng Theresa May.

Năm 2018, ông rời nội các của bà May để phản đối thỏa thuận Brexit, sau đó chiến thắng cuộc tổng tuyển cử và trở lại làm lãnh đạo đảng vào năm sau.

Song lần này, ý định trở lại của ông Johnson vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức. Lãnh đạo đảng Lao động Sir Keir Starmer nói rằng cựu thủ tướng "không thích hợp đảm nhiệm chức vụ". Bộ trưởng thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon cũng gọi sự trở lại của ông Johnson là một "gợi ý lố bịch".

Trong khi đó, tác giả Phillip Inman của Guardian nhận định “việc khắc phục tình trạng lộn xộn kinh tế do bà Liz Truss để lại nằm ngoài khả năng của ông Boris Johnson”.

Vào tháng 1/2020, cựu lãnh đạo Anh đã tận dụng được nhu cầu bị dồn nén và kìm hãm, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp, sau 4 năm không chắc chắn về mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Nước Anh khi đó cũng có nguồn vốn dồi dào để cải thiện dịch vụ công.

Những yếu tố này giúp ông Johnson đạt đến thời kỳ đỉnh cao trong 3 năm giữ chức vụ thủ tướng, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Tuy nhiên, bất cứ ai lên nắm quyền ở Phố Downing vào tuần tới sẽ phải đối mặt với một triển vọng kinh tế rất khác.

Kế hoạch ngân sách ngắn hạn của bà Truss đã gây ra một tình huống khó khăn, và càng nhiều thách thức hơn khi nước Anh vừa thoát khỏi đại dịch Covid-19, vừa đối phó với hậu quả từ Brexit và chiến sự ở Ukraine.

Cả châu Âu đều phải đối mặt với những thách thức tương tự, nhưng không một nền kinh tế lớn nào - không phải Pháp, Italy, Đức hay Tây Ban Nha - chọn “đổ thêm dầu vào lửa” theo cách mà bà Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đã làm, theo ông Inman.

Đó là lý do thị trường tỏ ra lo ngại. Vào tối 21/10, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã đặt Vương quốc Anh vào tình trạng tiêu cực và cảnh báo các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa nước Anh sẽ phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản vay đến khi tình hình kinh tế và chính trị được cải thiện.

Ngay cả khi ông Johnson chôn vùi tham vọng khởi động lại các kế hoạch chi tiêu từ năm 2019 và đầu năm 2020, tác giả Inman nhận định ông Johnson rõ ràng vẫn thiếu kỹ năng thực hiện chính sách.

Ông Inman dự đoán chi phí đi vay, chi phí thế chấp và lạm phát cao trong năm 2023 sẽ tạo nên một tình huống vượt quá khả năng của ông Johnson.

"Vòng xoáy tử thần"

Trong khi đó, viễn cảnh ông Johnson trở lại Phố Downing đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số đảng viên Bảo thủ. Cựu lãnh đạo Lord Hague cảnh báo nó có thể khiến đảng này rơi vào "vòng xoáy tử thần".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Jesse Norman cũng nói rằng ông Johnson trở lại làm thủ tướng sẽ là một "quyết định hoàn toàn thảm khốc", trong khi nghị sĩ đảng Bảo thủ Sir Roger Gale cho biết ông sẽ rời khỏi đảng nếu ông Johnson tái đắc cử, theo BBC.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Johnson, bao gồm các thành viên nội các Jacob Rees-Mogg, Anne-Marie Trevelyan, và cựu Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel, nói rằng ông là ứng cử viên duy nhất nhận được sự ủng hộ của công chúng sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Và họ tin rằng đảng này cũng có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, bất chấp các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy đảng Lao động đang dẫn đầu.

Vào tối 22/10, đội ngũ của ông Johnson tuyên bố ông có đủ sự ủng hộ từ 100 nghị sĩ để tham gia cuộc đua, mặc dù chỉ có 55 người ủng hộ công khai.

Ông Johnson cũng đã công bố một bức ảnh cho thấy ông đang vận động một nghị sĩ.

Trong khi đó, các nguồn tin cho rằng một nhóm nghị sĩ cứng rắn phản đối sự trở lại của ông Johnson sẽ từ chức nếu ông tái đắc cử. Các nghị sĩ khác cho biết ông Johnson sẽ phải chật vật để thông qua bất kỳ luật nào tại Quốc hội với sự phản đối hiện nay.

“Đó sẽ là dấu chấm hết cho tôi. Tôi biết những người khác cũng cảm thấy như vậy. Đảng đã bỏ chúng tôi lại phía sau. Nếu ông Johnson quay trở lại, tôi sẽ không thể tiếp tục được nữa”, một cựu bộ trưởng nói.

Trong tuyên bố rút khỏi cuộc đua đưa ra hôm 23/10, ông Johnson cho biết ông tin mình có khả năng chiến thắng trong cuộc tranh cử thay thế bà Truss, nhưng nói rằng: "Tôi rất buồn khi đi đến kết luận rằng điều này đơn giản không phải là điều đúng đắn cần làm", New York Times đưa tin.

Ông Johnson thừa nhận bản thân không tin mình có thể điều hành hiệu quả mà không có sự thống nhất của đảng trong quốc hội.

Theo Zing