Omicron phơi bày lỗ hổng trong chiến lược dùng kit test nhanh ở Anh

Các kit test nhanh Covid-19 là một phần quan trọng trong chiến lược chống dịch tại Anh, song hiệu quả của chúng đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Chỉ trong vài tuần gần đây, nhiều người Anh ngỡ ngàng khi biết biến chủng Omicron xuất hiện tại nhiều bữa tiệc mà các xét nghiệm nhanh lại không phát hiện được. Điều đó khiến họ quan ngại rằng liệu công cụ này có đem lại sự an toàn khi sống chung với Covid-19 hay không.

Còn bỏ sót ca nhiễm

Các cuộc nghiên cứu ban đầu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho thấy các kit test nhanh vẫn phát hiện được biến chủng Omicron lẫn Delta. Các chuyên gia tin rằng các xét nghiệm ở Anh vẫn có tác dụng vì chúng xác định được một loại protein khác từ gai đột biến và tải lượng virus cao.

kit test nhanh 1
Phát hiện Covid-19 bằng kit test nhanh gây nhiều tranh cãi tại Anh. Ảnh: Financial Times

Theo phân tích tổng hợp từ nghiên cứu của cơ sở dữ liệu y tế Cochrane Library, các kit test nhanh không cho nhiều kết quả chính xác, chỉ phát hiện trung bình 72% trường hợp có triệu chứng và 58% trường hợp không có triệu chứng.

Tim Peto, giáo sư y khoa tại Oxford, người nghiên cứu về độ chính xác của các kit test nhanh, giới khoa học đã có "phương pháp rất kém" để xác định người nhiễm bệnh. “Sử dụng kit test nhanh là phương pháp tệ nhất trong số đó” ông nói.

Chính phủ Anh đang đặt niềm tin vào chương trình xét nghiệm nhanh tiên phong để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh xuất hiện biến chủng mới. Người dân Anh sử dụng kết quả xét nghiệm âm tính thay thế cho giấy chứng nhận tiêm chủng để tham gia các sự kiện lớn, hộp đêm. Đồng thời, họ yêu cầu những người đã tiêm vaccine xét nghiệm 7 ngày liên tục sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19, thay vì cách ly.

Việc sử dụng các kit test nhanh đã gây nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ chỉ ra rằng chúng có hiệu quả trong việc xác định những người có khả năng lây nhiễm cao, còn những ý kiến đối lập bày tỏ sự lo lắng về cảm giác an toàn giả.

Với UKHSA thì “kit test nhanh là một công cụ quan trọng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh vì nhanh chóng phát hiện được các trường hợp nhiễm virus ở những người không có triệu chứng”.

Các kit test nhanh trả lại kết quả nhanh và rẻ hơn xét nghiệm PCR, nhưng lại kém chính xác. Xét nghiệm nhanh chứa một dải kháng thể sẽ chuyển sang màu đỏ nếu có phản ứng với lượng protein lớn trên vỏ của virus. Xét nghiệm PCR phát hiện virus sớm hơn với số lượng nhỏ, vì chúng làm khuếch đại mẫu phân tử và chọn lọc mồi. Ở Anh, mọi người được khuyên nên làm xét nghiệm PCR để xác thực kết quả dương tính.

Số trường hợp mắc Covid-19 ở Anh đã tăng 44% lên 534.415 trong vòng 7 ngày qua. Điều cũng là nghĩa là họ sẽ sử dụng nhiều kit test nhanh hơn, nhưng cũng có nghĩa là bỏ sót nhiều nguồn lây nhiễm.

Giả sử cứ 100 người thì có một người bị nhiễm, thì trung bình sẽ có 4 người có khả năng làm lây lan virus tại một sự kiện 400 người. Dựa vào tính toán, các kit test nhanh sẽ xác định được 2 người.

Kết quả thay đổi trong ngày

Các xét nghiệm chỉ hữu ích nếu được thực hiện ngay trước khi tham dự một sự kiện hoặc thăm một người có sức khỏe yếu. Theo Catherine Moore, một nhà khoa học tư vấn lâm sàng tại Public Health Wales, nhiều người đã lên mạng xã hội nói rằng họ bị sốc khi xét nghiệm làm buổi sáng cho kết quả âm tính còn buổi chiều có kết quả dương tính.

"Điều đó cho bạn thấy rằng tải lượng virus tăng lên hàng ngày” bà nói.

kit test nhanh 1
Độ nhạy kém của kit test nhanh không cho hiệu quả phát hiện virus cao bằng xét nghiệm PCR. Ảnh: Financial Times

Theo bà, lượng virus tăng lên theo từng đợt, thường muộn hơn khoảng 48 đến 72 giờ so với lần lây nhiễm ban đầu.

“Nhược điểm lớn nhất của các kit test nhanh là độ nhạy kém trong thời gian mới lây nhiễm, khi bạn chưa có nhiều virus trong cơ thể. Có thể là khoảng từ 6 đến 8 giờ sau đó, một làn sóng tăng lượng virus mạnh sẽ khiến kết quả xét nghiệm trở thành dương tính", bà nhận định.

Việc xét nghiệm nhiều lần sẽ cho kết quả chắc chắn hơn, nên các chuyên gia tán thành chủ trương của chính phủ là cho những người đã tiêm vaccine mà nhiễm virus được xét nghiệm trong 7 ngày liên tục.

Trên bình diện dân số, một nghiên cứu mới từ Đại học Liverpool cho thấy rằng việc sử dụng các xét nghiệm để nhắc nhở ý thức giãn cách của người dân sẽ giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Khi Thành phố Liverpool triển khai cuộc xét nghiệm trên những người không triệu chứng, họ đã giảm 32% số người nhập viện so với các khu vực khác.

Iain Buchan, Chủ tịch Viện Y tế Công cộng của trường, cho biết kit test nhanh không nên dùng để gây chia rẽ, khi đã có bằng chứng rõ ràng nó là "công cụ hỗ trợ sức khỏe cộng đồng quan trọng" để cân bằng rủi ro trong khi giãn cách xã hội.

Ông nói: “Chúng tôi biết những thiệt hại đã gây ra cho nền kinh tế địa phương và an sinh xã hội".

Gánh nặng tài chính

Toàn bộ chương trình Xét nghiệm và Truy vết của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã phải chịu một khoản chi phí lớn từ ngân sách mà Hạ Nghị viện cho là quá cao: 37 tỷ bảng Anh trong vòng 2 năm. Một báo cáo do Hạ Nghị viện công bố vào tháng 10 cho biết chỉ có 14% các xét nghiệm nhanh được ghi nhận, nên rất khó để biết có ai phải cách ly sau khi dương tính hay không.

Allyson Pollock, giáo sư lâm sàng về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Newcastle, cho biết chi phí sẽ được tiết kiệm hơn nhiều nếu thực hiện truy vết tiếp xúc theo kiểu truyền thóng để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

Bà nói: “Chúng tôi đã chi hàng tỷ bảng Anh mà không thu về lợi ích, hiệu quả của các kit test nhanh. Nếu mục đích là để tạo sự an tâm giả, thì đó là một cách rất tốn kém”.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn ở những người đã tiêm chủng hoặc từng bị nhiễm bệnh trước đó. Còn theo nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Đại học Hoàng gia London, thì điều này không chắc do các đột biến của virus gây ra, khiến nó có vẻ ít nghiêm trọng hơn.

Theo Zing