5 bê bối có thể khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson bị hạ bệ

Những bê bối liên tiếp xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi Thủ tướng Anh Boris Johnson còn có thể tại vị bao lâu trước khi bị chính đảng Bảo thủ hạ bệ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trải qua quãng thời gian sóng gió chưa từng có. Từ đầu tháng 12, mỗi ngày trôi qua Thủ tướng Johnson lại đối mặt một bê bối mới, và danh sách những người chỉ trích chính quyền của ông cứ dài thêm ra.

Sau khi để Công đảng vượt qua trong thăm dò cử tri, Thủ tướng Johnson giờ đối mặt lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập lẫn làn sóng giận dữ trong nội bộ đảng Bảo thủ. Các bê bối đang làm lung lay dữ dội ghế thủ tướng của ông, theo CNN.

Tiệc Giáng sinh tai tiếng

Tháng 12 nghiệt ngã của ông Johnson bắt đầu với câu chuyện về bữa tiệc Giáng sinh tổ chức tại số 10 phố Downing năm 2020 do Daily Mirror đăng tải.

Thời điểm đó, mọi hoạt động tụ tập trong nhà bị cấm trên toàn nước Anh. Ngay trong ngày sau khi bữa tiệc được tổ chức tại văn phòng thủ tướng, ông Johnson thậm chí siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế phòng dịch thi hành trong dịp lễ Giáng sinh, khiến hàng triệu người Anh không thể trở về nhà.

"Với trái tim nặng trĩu, tôi phải nói với người dân rằng chúng ta không thể tổ chức lễ Giáng sinh như dự định", Thủ tướng Johnson phát biểu trước dịp Giáng sinh 2020.

thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Trong 1 tuần, văn phòng thủ tướng Anh lặp đi lặp lại yêu cầu không tổ chức tiệc Giáng sinh trên cả nước và người dân phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch.

Thế nhưng, trong thời gian nước Anh bị phong tỏa, văn phòng thủ tướng tổ chức buổi tiệc vào ngày 27/11/2020, đích thân ông Johnson đã có bài phát biểu ngẫu hứng trong bữa tiệc.

Đến ngày 18/12/2020, thêm một bữa tiệc khác được tổ chức ngay trước Giáng sinh. Các nguồn tin xác nhận những người tham gia bữa tiệc đã trao đổi quà Giáng sinh tại sự kiện này.

Trong một video mới được công bố, Allegra Stratton - cố vấn của chính quyền Thủ tướng Johnson - cười đùa nói về bữa tiệc tổ chức ngay trước Giáng sinh năm 2020 tại văn phòng thủ tướng. Video đã khiến bà Stratton phải từ chức hôm 8/12.

Thủ tướng Johnson sau đó công khai xin lỗi, ông nói sẽ có hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm quy định, đồng thời cho biết đã mở cuộc điều tra.

Nhưng lời xin lỗi muộn màng không giúp hạn chế thiệt hại. Thăm dò cử tri hôm 8/12 cho thấy 54% người Anh muốn ông Johnson từ chức.

Trong vòng 48 giờ sau đó, thêm những thông tin về bữa tiệc Giáng sinh tai tiếng bị rò rỉ. Theo đó Jack Doyle - người hiện là giám đốc báo chí văn phòng thủ tướng Anh - đã có bài phát biểu trước khoảng 50 người tham dự bữa tiệc tháng 12/2020.

Kế hoạch B

Những tin tức về bữa tiệc Giáng sinh tai tiếng không phải bê bối duy nhất đang bủa vây số 10 phố Downing.

Việc Thủ tướng Johnson mới đây tái áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế phòng dịch, hay còn gọi là Kế hoạch B, đã khiến bộ phận lớn đảng Bảo thủ quay lưng với ông.

Kế hoạch B được công bố hôm 8/12 giữa đỉnh điểm bê bối tiệc Giáng sinh. Một thành viên của đảng Bảo thủ, Nghị sĩ William Wragg, cáo buộc bước đi này là "chiến thuật nghi binh" nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đối với vai trò của Thủ tướng Johnson ở bữa tiệc.

Thủ tướng Anh bác bỏ cáo buộc này. Ông Johnson tuyên bố chính phủ phải "hành động bảo vệ sức khỏe cộng đồng" khi có bằng chứng rõ ràng về làn sóng dịch bệnh mới.

Việc xuất hiện tiếng nói đối lập trong nội bộ là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của Thủ tướng Johnson trong đảng Bảo thủ đang nhanh chóng sụp đổ.

Hiện còn quá sớm để đánh giá Kế hoạch B có giúp London ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Omicron hay không.

So sánh với các nước láng giềng ở Tây Âu, Thủ tướng Johnson là một trong số ít kiên quyết không áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc, thái độ này chỉ thay đổi hôm 30/11 sau khi biến chủng Omicron xuất hiện.

Hôm 10/12, London cho biết sẽ nhóm họp khẩn cấp với 4 quốc gia để thảo luận về sự lây lan của biến chủng Omicron.

thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
Thủ tướng Johnson bị đảng Bảo thủ quay lưng vì tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: Reuters

Tân trang nhà ở sai quy định

Một bê bối khác đã âm ỉ suốt nhiều tháng là việc đảng Bảo thủ chi tiền tân trang căn hộ của Thủ tướng Johnson ở phố Downing. Vụ việc này một lần nữa nổi lên hôm 9/12 khi đảng Bảo thủ bị xử phạt vì "không báo cáo chính xác các khoản quyên góp và không ghi chép sổ sách kế toán đúng quy định".

Cuộc điều tra khởi động từ 28/4, sau khi truyền thông Anh đăng tải thông tin ông Johnson chi 280.000 USD để sửa sang căn hộ.

Công đảng đối lập tuyên bố bằng chứng mà cuộc điều tra thu được cho thấy Thủ tướng Johnson có thể đã lừa dối về nguồn gốc số tiền chi cho việc cải tạo căn hộ.

Angela Rayner, lãnh đạo số 2 của Công đảng, tuyên bố Thủ tướng Johnson "phải giải trình vì sao ông lừa dối công chúng Anh" khi nói rằng không biết ai đã trả tiền sửa sang nhà ở.

Trả lời báo giới, người phát ngôn của ông Johnson nói thủ tướng không nói dối, đồng thời khẳng định nhà lãnh đạo nước Anh luôn chấp hành mọi quy định pháp luật.

Di tản động vật khỏi Kabul

Raphael Marshall, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh, tiết lộ đích thân Thủ tướng Johnson đã can thiệp để di tản nhân viên và một số động vật của tổ chức phi chính phủ Nowzad khỏi Kabul sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 7/12, ông Marshall nói việc di tản động vật của Nowzad đồng nghĩa có những người Afghanistan từng cộng tác với binh lính Anh mất đi cơ hội được giải cứu khỏi Kabul.

Lời khai của ông Marshall làm xấu đi thêm hình ảnh của chính quyền Thủ tướng Johnson trong cuộc di tản. Ông Marshall nói cựu Ngoại trưởng Dominic Raab mất đến hàng giờ để giải quyết những đề nghị khẩn cấp. Nhiều thư điện tử đề nghị di tản chưa bao giờ được giới chức Anh đọc.

"Rõ ràng một số người mắc kẹt tại Afghanistan đã bị Taliban sát hại", ông Marshall nói.

thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
Binh sĩ Anh được di tản khỏi Kabul. Ảnh: Reuters

Cáo buộc tham nhũng

Đầu tháng 11, Hạ nghị sĩ Owen Paterson bị Quốc hội Anh đình chỉ chức vụ trong 30 ngày vì vi phạm "nghiêm trọng" quy định về vận động hành lang.

Trước đó, Paterson đã thay mặt hai công ty gửi nhiều thư điện tử tới các quan chức chính phủ. Hai doanh nghiệp này trả 136.000 USD tiền phí cố vấn cho Paterson.

Kathryn Stone, ủy viên Ủy ban Tiêu chuẩn Hạ viện, cho rằng hành vi của Paterson đã vượt quá giới hạn và quyết định đình chỉ chức vụ của nghị sĩ này.

Paterson sau đó thuyết phục chính quyền Thủ tướng Johnson sửa đổi quy định, đảo ngược quyết định đình chỉ chức vụ nói trên, đồng thời chuyển vụ việc sang một ủy ban khác do Hạ nghị sĩ Bảo thủ John Whittingdale phụ trách.

Ông Johnson quyết định ủng hộ Hạ nghị sĩ Paterson. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, số 10 phố Downing đã phải đảo ngược quyết định khi vấp phải phán ứng dữ dội từ cử tri.

Trong những tuần sau đó, công luận Anh liên tiếp đặt câu hỏi về sự liêm chính của các nghị sĩ quốc hội.

Keir Starmer, một lãnh đạo đảng Bảo thủ, thậm chí cáo buộc chính quyền Thủ tướng Johnson là "suy thoái, thân hữu và tham nhũng".

Những bê bối liên tiếp xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi đảng Bảo thủ có hạ bệ Thủ tướng Johnson để bảo vệ uy tính trước thềm tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. Đảng Bảo thủ trước đó không ít lần thẳng tay loại bỏ các lãnh đạo đã mất đi sự ủng hộ của cử tri.

Theo Zing