Giáo sư Neil Ferguson: UK có thể phải phong tỏa vào tháng 1

Số ca mắc Covid-19 mới ở UK đang tăng gấp đôi cứ sau hai đến ba ngày, với London và Scotland là tâm dịch.

Giáo sư Neil Ferguson cho biết không thể loại trừ việc phong tỏa vào tháng 1 nếu số người nhập viện tăng nhanh trong dịp Giáng sinh và năm mới.

Hiện Chính phủ đang cân nhắc các biện pháp mới để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút, bao gồm hộ chiếu vắc-xin và khuyên người dân làm việc tại nhà.

Giáo sư Ferguson cho biết ông muốn thấy các bộ trưởng đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong khi chiến dịch tiêm tăng cường đang được đẩy mạnh.

Ông Ferguson nói: “Số ca mắc đang tăng gấp đôi ít nhất ba ngày một lần, thậm chí hai ngày một lần vào thời điểm hiện tại. Vì vậy, vi-rút đang lây lan rất nhanh. Tốc độ lây nhiễm là giống nhau nếu không muốn nói là nhanh hơn so với những gì chúng ta đã thấy vào tháng 3 năm ngoái...”

Giáo sư Ferguson cho biết Omicron có thể né tránh các kháng thể vắc-xin tốt hơn mọi chủng vi-rút khác, trong khi đó khả năng bảo vệ chống lại triệu chứng nhẹ của hai mũi vắc-xin đã giảm đi một nửa.

Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu từ Nam Phi - nơi biến thể lần đầu tiên được phát hiện, cho thấy người được tiêm chủng, đặc biệt là đã tiêm nhắc lại, được bảo vệ khỏi bệnh nặng và các triệu chứng nhẹ.

9covidSố ca mắc tại Anh đang tiếp tục tăng mạnh

Omicron có khả năng sẽ vượt qua biến thể Delta và trở thành biến thể phổ biến nhất ở Anh. Hơn 437 ca mắc đã được xác định ở Anh cho đến nay - với hơn 100 trường hợp ở London.

Ông Ferguson nói: "Về mặt dịch tễ học, chúng ta cần cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm để có thêm thời gian tiêm tăng cường và đạt được mức độ bảo vệ tốt nhất, cũng như thêm thời gian để xác định đặc tính của biến thể. Kế hoạch B cộng với làm việc tại nhà có thể làm chậm vi-rút, nó sẽ không bị ngăn lại nhưng tốc độ lây lan sẽ giảm, thay vì tăng gấp đôi cứ hai hoặc ba ngày. Nghe có vẻ không nhiều nhưng việc này có khả năng rất lớn và cho phép chúng ta ngăn chặn vi-rút tốt hơn và tăng cường khả năng miễn dịch”.

Giáo sư Ferguson - thành viên của Nhóm Cố vấn Khoa học trong các Trường hợp Khẩn cấp (SAGE), năm ngoái được gọi là Giáo sư Phong tỏa vì công trình của ông là chìa khóa cho đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3 năm 2020.

Khi được hỏi liệu Vương quốc Anh có thể phải áp dụng những hạn chế tương tự như hồi tháng Giêng hay không, ông nói "rất khó để loại trừ bất cứ điều gì" và "việc này có thể xảy ra vào thời điểm hiện tại".

Giáo sư nói thêm Omicron đã được "phát hiện ở hầu hết mọi khu vực" nhưng số ca mắc cao hơn ở London vì thủ đô có lượng lớn du khách từ nước ngoài, và Scotland - nơi biến thể có thể đã được “gieo mầm” trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 tháng trước.

Chính phủ đã lên kế hoạch để người dân làm việc tại nhà trong khoảng thời gian Giáng sinh và cấp giấy thông hành vắc xin để làm chậm sự lây lan. Tuy nhiên, Nội các được cho là có nhiều ý kiến khác nhau về các đề xuất.

Một nhà dịch tễ học cho biết đợt bùng phát biến thể Omicron tại một bữa tiệc Giáng sinh ở Oslo (Na Uy) - nơi có tới 120 người tham gia bị nhiễm, cho đến nay mới chỉ gây ra bệnh nhẹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết các vắc-xin vẫn sẽ bảo vệ người mắc Omicron khỏi bệnh nặng, mặc dù thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi cho thấy chủng virus này có thể tránh được một phần tác động của vắc-xin Pfizer.

Tiến sĩ Mike Ryan - giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết: "Chúng ta có những loại vaccine đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chống lại tất cả các biến thể, và không có lý do gì để nghi ngờ vắc-xin sẽ không hoạt động tương tự đối với Omicron”.

Bài liên quan: 5 điểm nhấn trong Kế hoạch B của Anh nhằm ngăn chặn Omicron

Viethome (Theo Evening Standard)