Anh Quốc thiếu phi công khi mở cửa sau dịch Covid

Một trang báo Anh, tờ Telegraph vừa cho biết giới chức nước này lo ngại việc thiếu phi công khi Anh bắt đầu mở lại ngành du lịch, lữ hành và giao thông quốc tế sau đại dịch Covid.

Trong hơn một năm qua, "vài trăm phi công đã nghỉ hưu sớm" hoặc đổi nghề tại Anh, theo tờ báo (09/10/2021).

Viễn cảnh thiếu phi công nhắc lại câu chuyện đang xảy ra là Anh thiếu hàng vạn tài xế xe tải, một phần vì nhân công EU bỏ về nước, một phần vì tài xế ở Anh nghỉ hưu sớm.

Riêng ngành hàng không Anh đã ghi nhận số phi công "về hưu năm qua tăng gấp đôi bình thường", tờ báo cho biết, tuy không nêu rõ con số. Telegraph cũng nói "hàng trăm phi công đã chuyển nghề" trong đại dịch khi các tuyến hàng không tạm dừng bay.

nuoc anh thieu phi cong
Chi phi huấn luyện phi công thường lên đến hàng trăm nghìn USD và khi họ bị sa thải thì lĩnh vực hàng không trên thị trường lao động khó phục hồi

Hiện tượng toàn cầu?

Không chỉ ở Anh mà Hoa Kỳ và nhiều nước khác cũng đang thiếu phi công và đây là điều đã được dự báo từ năm ngoái. Hồi tháng 11/2020, câu chuyện thiếu phi công cho ngành hàng không quốc tế đã được nói đến trong bối cảnh đại dịch Covid khiến họ bị mất việc.

Nay thì tình trạng hỗn loạn, mất cân bằng trên thị trường lao động sau đại dịch là lý do trực tiếp khiến phi công không quay trở lại vị trí.

Trang Flight Global trong một bài của Jon Hemmerdinger (9/11/2020) trích nguồn chuyên ngành đào tạo phi công của Canada nói thế giới cần 27 nghìn phi công mới chỉ trong năm 2021. Nếu tính đến hết thập niên này, con số phi công cần tuyển dụng cho hàng không dân dụng quốc tế là 264 nghìn.

Cũng trong tháng 11/2020, ông David Rimmer, chủ tịch Talon Air Jets viết trên một trang chuyên ngành, cảnh báo về tình trạng sa thải nhân công, gồm rất nhiều phi công, của hàng chục hãng trên thế giới.

"Từ tháng 3/2020, Air Italy, Cathay Dragon, Compass, ExpressJet, Trans States, Flybe, Miami Air International, TAME, Trans States và rất nhiều hãng hàng không khác đóng cửa, sa thải hàng nghìn nhân viên...Nhiều hãng tuyên bố phá sản hoặc phải tái cấu trúc để sống nổi: Avianca, El Al, Interject, LATAM Airlines Group, South African Airways, Thai Airways, Virgin Atlantic và Virgin Australia.

Ngoài ra là việc thay đổi đội bay, thải phi cơ cũ, và bỏ luôn cả các phi cơ mà giá vận hành quá cao. Chuyện xảy ra như thế với các phi cơ E-190, Boeing 757, 767 ở hãng American Airlines, hay Boeing 747-400 của British Airways, Boeing 737-700 và 777 của Delta Airlines, MD88; MD90 của KLM..."

Tất cả các động thái đó tác động trực tiếp đến nghề phi công, khiến việc thiếu phi công chắc chắn sẽ kéo dài sang năm 2021, ông Rimmer dự báo hồi cuối 2021. Nay thì viễn cảnh đó đã thành sự thật.

Theo một đánh giá của trang Geopolitical Futures tại Hoa Kỳ thì việc thiếu nhân công (labour shortages) là hiện tượng mới và phổ biến sau gần hai năm thế giới chống chọi với đại dịch Covid.

Các lý do kinh tế, tài chính, y tế đều không giải thích được hoàn toàn tại sao lao động tay nghề thấp và tay nghề cao đều bỗng nhiên thiếu vắng.

Phân tích của Geopolitical Futures cho rằng tình trạng nay "giống như khủng hoảng đang làm gẫy đứt nhiều nền kinh tế", và sự dịch chuyển không theo quy luật của hàng triệu người trên toàn cầu có thể là lý do mà các nhà kinh tế và các chính phủ chưa tính đến.

Việc đổ tiền vào tái đầu tư chưa chắc đã vực lại các nền kinh tế, theo Geopolitical Futures.

Riêng tại Việt Nam, hiện chưa rõ việc phục hồi hàng không sẽ vấp phải thách thức gì và có bị thiếu phi công hay không.

Tính đến mùa hè 2021, các báo Việt Nam đều liên tục đăng tải tin xấu cho ngành hàng không, gọi đó là "bom hẹn giờ" sắp phá sản, thua lỗ nặng.

Một bài trên VietnamNet hồi tháng 6 trích nguồn của Bộ Kế hoạch- Đầu tư viết, "Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi tiếp tục thua lỗ nặng nề. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways thì cạn dần nguồn lực về tài chính..."

Theo BBC Tiếng Việt