Nước Anh với canh bạc mở cửa trở lại

Thủ tướng Boris Johnson quyết định mở cửa với niềm tin vắc xin đã giúp giảm đáng kể số ca nhiễm và số ca nhập viện do Covid-19 dù biến chủng Delta vẫn đang lây lan nhanh.

mo cua 1625495074380

Anh sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 19/7 tới (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay dự kiến công bố dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19 còn lại kể từ ngày 19/7 tới.

Trong tuyên bố đưa ra trước đó, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh về "ngày tự do" cho người dân, trong đó sẽ bỏ quy định giãn cách, làm việc tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi các quán rượu và các địa điểm khác cũng sẽ không phải yêu cầu khách khai báo thông tin chi tiết. Quầy bar cũng được phép mở cửa trở lại.

Phố Downing cho biết, ông Johnson sẽ nhấn mạnh rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng tuyên bố Covid-19 là bệnh mà "chúng ta phải học cách sống chung như chúng ta đã từng làm với bệnh cúm". Một phát ngôn viên cho biết điều này có nghĩa là nước Anh vẫn chứng kiến các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 dù ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi có chương trình tiêm vắc xin quy mô lớn.

Chính phủ Anh ban đầu dự kiến mở cửa trở vào ngày 21/6, nhưng sau đó hoãn lại 4 tuần để nhiều người dân được tiêm vắc xin, trong bối cảnh biến chủng Delta tấn công mạnh mẽ. Gần 2/3 số người trưởng thành ở Anh hiện đã nhận được tiêm đầy đủ.

Tuy nhiên, việc chính phủ dỡ bỏ các quy định như vậy cũng đang làm bùng lên nhiều chỉ trích của giới chuyên gia y tế trong bối cảnh ca bệnh mới hàng ngày vẫn còn cao.

Canh bạc lớn cho "ngày tự do"

Thủ tướng Johnson quyết định mở cửa với niềm tin vắc xin đã giúp giảm đáng kể số ca nhiễm và số ca nhập viện, dù biến chủng Delta vẫn lây lan nhanh. Theo New York Times, trong vài tuần nữa, cả thế giới sẽ biết liệu ông có hành động đúng hay không.

Chỉ vài ngày nữa, hơn 60.000 người hâm mộ bóng đá sẽ tập trung tại sân vận động Wembley ở London để xem trận bán kết giải vô địch châu Âu 2020 (Euro 2020). Đức mới đây cũng đã mở cửa cho người dân Anh đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Thủ tướng Johnson cho biết, ông đang đi đúng hướng khi dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch vào ngày 19/7 - hay như báo chí Anh đã gọi đó là "ngày tự do". Vấn đề là, tất cả những điều này đang xảy ra ở một quốc gia đã ghi nhận 27.125 ca nhiễm virus mới vào hôm 2/7, tăng 52% so với một tuần trước đó.

Quyết tâm mở cửa trở lại của Anh, ngay cả trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao, được đánh giá là một phép thử đầy rủi ro. Theo các chuyên gia, Mỹ và các nước châu Âu đang dõi theo mọi nhất cử nhất động từ Anh để xem liệu một quốc gia có tỷ lệ dân trưởng thành tiêm vắc xin cao như vậy có thể sống chung với Covid-19 hay không?

Người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Anh) Devi Sridhar cho rằng, thế giới đang theo dõi Anh để xem việc sống chung với Covid-19 sẽ như thế nào. Theo bà, tuần tới sẽ là "thời điểm vàng" để xác định xem Thủ tướng Johnson có thắng trong "canh bạc" này hay không.

Giáo sư Sridhar nhận định, Anh là một quốc gia tiêu biểu của sự thay đổi quan điểm chống dịch nổi bật, từ một quốc gia thờ ơ với đại dịch rồi sau đó phải phong tỏa nghiêm ngặt vì dịch hoành hành trở thành nơi triển khai tiêm vắc xin nhanh nhất và giờ là mở cửa trở lại. Bà nói thêm, việc phong tỏa là cần thiết bởi vì mối lo lây nhiễm từ những ca nhập cảnh.

Tuy nhiên, giờ đây với 62% người trưởng thành được tiêm đầy đủ, các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc đánh bạc với vắc xin để mở cửa trở lại. Giáo sư Sridhar cho biết, nếu những dấu hiệu đầy hứa hẹn sớm này được giữ vững, nước Anh có thể đạt được mục tiêu mơ ước: miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin.

Nước Anh hiện nay là hình ảnh đối nghịch với Australia, quốc gia đóng cửa biên giới nghiêm ngặt nhất để dập dịch nhưng lại chậm trễ trong việc tiêm vắc xin. Hiện nay, khi biến chủng Delta tấn công, người Australia thấy rõ mặt trái của "chiến lược pháo đài" của họ và đang trải qua đợt phong tỏa nghiêm ngặt khác sau 16 tháng tận hưởng thành quả chống dịch thành công.