Biến chủng Delta thử thách chiến lược vaccine của Anh

Anh đang dựa vào vaccine để đấu biến chủng Delta và thành bại của họ sẽ là bài học quý giá với toàn cầu trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Khi Anh hồi tháng 4 thoát khỏi một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất và lâu nhất thế giới, họ có cớ để tin rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã qua.

Thủ tướng Boris Johnson không ngớt lời ca ngợi thành công của chiến dịch triển khai tiêm chủng và hứa hẹn về một lộ trình "thận trọng nhưng không thể đảo ngược" giúp xóa bỏ hầu như mọi hạn chế và đưa đất nước trở lại bình thường vào ngày 21/6.

Nhưng thời hạn trên đã bị trì hoãn và cảm giác bình thường dường như vẫn là điều gì đó xa vời đối với người dân Anh.

delta o london
Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng Covid-19 ở thủ đô London, Anh, ngày 20/6. Ảnh: Reuters.

Dù gần 2/3 người trưởng thành ở Anh đã được tiêm vaccine đủ số mũi, nước này đang đứng trước nguy cơ đối diện sóng Covid-19 thứ ba. Gần 120.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong tuần trước, tăng 48.000 ca so với tuần trước nữa. Ngày càng xuất hiện nhiều mối lo về việc trường học có thể trở thành ổ lây truyền virus.

Các ca nhập viện và tử vong đang tăng trở lại song tốc độ vẫn tương đối chậm, cho thấy lợi ích của vaccine những cũng làm bật lên tính chất khó đoán của thời kỳ đại dịch mới ở Anh. Góp phần chính làm gia tăng số ca nhiễm là sự lây lan của biến chủng Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ.

Chính vì thế, Anh giờ đây trở thành một thử nghiệm quan trọng giúp thế giới đánh giá cuộc chiến giữa vaccine và các biến chủng, là ví dụ đầu tiên về một nước lớn với tỷ lệ tiêm chủng cao đang đối phó với tình trạng gia tăng đột biến các ca nhiễm chủng virus dễ lây truyền mà không áp đặt những hạn chế mới.

"Biến chủng này có khả năng thay đổi xu hướng của đại dịch ở đất nước bạn", Deepti Gurdasani, giảng viên dịch tễ học cao cấp tại Đại học Queen Mary ở London, Anh, nói với CNN. "Một khi biến chủng này xâm nhập cộng đồng, sẽ rất dễ mất kiểm soát".

Tác động của vaccine ở Anh đã rõ ràng. Những người nhập viện và làm lây lan virus đa phần ở độ tuổi trẻ hơn so với các thời điểm trước đây, do đó nhiều khả năng là họ chưa tiêm đủ hai mũi vaccine.

Một nghiên cứu của cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) được công bố tháng này cho thấy cả vaccine Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca đều có hiệu quả cao, lần lượt là 96% và 92%, giúp ngăn nguy cơ nhập viện sau khi tiêm đủ hai liều.

Bản phân tích khác của PHE về số người nhập viện cũng cho thấy mức độ bảo vệ cao tương tự ở những người được tiêm chủng đầy đủ.

Với việc vaccine đang được cung cấp cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên, tân Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid tuyên bố ông không thấy "bất kỳ lý do gì" phải lùi thời hạn mở cửa mới vào ngày 19/7.

Thủ tướng Johnson ngày 29/6 nói "nhiều khả năng" Anh "có thể trở lại cuộc sống thời kỳ trước Covid" vào thời gian này.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn vô cùng thận trọng, bắt đầu áp đặt các quy tắc kiểm soát khắt khe hơn với người đến từ Anh trong nỗ lực nhằm ngăn chặn biến chủng Delta xâm nhập.

Đức tuần trước mở cửa biên giới với khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ song Anh không nằm trong danh sách. Đặc khu Hong Kong hôm qua có động thái tương tự, xếp Anh vào những địa điểm "cực kỳ rủi ro".

Ngay cả bên trong nước Anh, một số chuyên gia lo ngại giới chức đang phớt lờ những bài học quan trọng về biến chủng Delta. Họ kêu gọi các quốc gia khác theo dõi sát sao tình hình ở Anh để rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

"Những gì chúng ta đang thấy là sự nguy hiểm của chiến lược chỉ dựa vào vaccine", Gurdasani nói. "Vaccine chắc chắn là một phần rất quan trọng trong phản ứng của chúng ta nhưng ta cũng cần bảo vệ vaccine và giảm lây truyền".

Biến chủng Delta hiện gây ra hầu hết các ca nhiễm mới ở Anh. Tại Mỹ, cứ 5 ca nhiễm lại có một ca mang biến chủng Delta và giới chức nước này đang cân nhắc tái áp dụng các biện pháp hạn chế ngay cả với những người đã tiêm chủng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó cảnh báo Liên minh châu Âu đang ở vào tình thế "đứng trên lớp băng mỏng" trong cuộc chiến với Delta, lo ngại biến chủng này sẽ đập tan mọi nỗ lực của châu lục suốt thời gian qua nhằm giảm thiểu tốc độ lây nhiễm.

Trước mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta, các chuyên gia ở Anh đang thúc giục chính phủ và cộng đồng thay đổi nhận thức về Covid-19. Chuyên gia chỉ ra những bằng chứng mới cho thấy các ca nhiễm hiện nay có triệu chứng khác so với năm ngoái.

"Nhiều người có các triệu chứng giống như cúm mùa hay thậm chí như dị ứng phấn hoa", Gurdasani nói. "Chúng ta cần mở rộng các tiêu chí xét nghiệm và thông báo điều này tới người dân. Sẽ có những người thậm chí bị nhiễm bệnh mà không hay biết".

Một số quốc gia đã bổ sung những triệu chứng mới của việc nhiễm Covid-19. Ví dụ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thêm các dấu hiệu bao gồm sổ mũi, đau họng và mệt mỏi vào danh sách 11 triệu chứng chính thức.

Nhưng tại Anh, ba triệu chứng Covid-19 cần tiến hành xét nghiệm vẫn không thay đổi kể từ khi dịch bùng phát đến nay, gồm sốt, ho và thay đổi vị giác hoặc khứu giác.

Điều này khác xa với dữ liệu trên ứng dụng nghiện cứu triệu chứng Covid-19 ZOE của nhà dịch tễ học Tim Spector. Theo đó, các triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo hiện nay là nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi và đau họng.

"Chúng ta đang nhìn thấy hàng loạt triệu chứng khác nhau và nhiều người sẽ không nhận ra họ đang mắc Covid-19 nếu chỉ dựa vào những dấu hiệu do chính phủ đưa ra", Spector nói. "Hiện tại, chúng ta không bắt gặp triệu chứng mất khứu giác thường xuyên như trước đây nữa. Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy".

Vì virus đang lây lan mạnh sang các nhóm tuổi trẻ hơn, giới chuyên gia kêu gọi giới chức tập trung chiến lược kiểm soát vào một mục tiêu mới: Trường học.

"Rõ ràng có rất nhiều ca lây truyền bên trong các trường học. Chúng ta chưa có biện pháp đối phó với điều đó", Gurdasani lưu ý.

Bộ Giáo dục Anh cho biết tại các trường công lập, cứ 30 học sinh lại có một em nghỉ học vì lý do liên quan đến Covid-19 trong tuần thứ hai của tháng 6, tăng từ tỷ lệ 1/83 ở tuần trước đó.

Những lý do bao gồm nhiễm Covid-19 hoặc phải tự cách ly do tiếp xúc gần với người dương tính với Covid-19. Song chính phủ Anh đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học từ hồi tháng 5.

"Nó đã trở thành một loại virus của những người trẻ tuổi và chúng ta khiến việc này xảy ra vì không ngăn chặn sự lây truyền trong các môi trường như trường học", Gurdasani nói.

Các ổ dịch biến chủng Delta gần đây xuất hiện trong trường học của Israel, một quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao, càng làm gia tăng mối lo ngại.

"Chúng ta cần tập trung lại toàn bộ chiến lược của mình vào việc giảm thiểu khả năng lây truyền", Gurdasani cho hay. "Tất cả các nước cần tập trung lâu dài vào khẩu trang và máy thở cũng như chiến lược dập dịch khi chúng bùng phát".

VnExpress (Theo CNN)