Điện Buckingham đã phân biệt chủng tộc như thế nào?

Báo cáo của tờ Guardian cho thấy Điện Buckingham có một số quy định mang tính phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số, khơi lại cuộc tranh luận xoay quanh Hoàng gia Anh.

Cụ thể, tờ Guardian đã tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc rằng Hoàng gia Anh sử dụng một thủ tục hợp hiến phức tạp, được gọi là "cái gật đầu của nữ hoàng", để bí mật điều chỉnh nội dung bộ luật của Anh.

Theo các tài liệu thu thập được tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, ít nhất là đến cuối thập niên 1960, các cận thần của Nữ hoàng Elizabeth II được cho là vẫn cấm "người nhập cư da màu và người nước ngoài" đảm nhiệm các chức vụ văn thư trong gia đình hoàng gia.

Số giấy tờ nói trên đồng thời phơi bày cách thức Nữ hoàng Elizabeth II tự miễn trừ bản thân và gia đình khỏi các đạo luật được ban hành nhằm ngăn chặn nạn phân biệt đối xử.

hoang gia phan biet

Không tuyển dụng người thiểu số

Kết quả cuộc điều tra chỉ ra rằng vào năm 1968, giám đốc tài chính của Nữ hoàng Elizabeth II thông báo với các công chức trong Điện Buckingham "việc bổ nhiệm người nhập cư da màu hoặc người nước ngoài vào vị trí thư ký trong gia đình hoàng gia là trái với thông lệ".

Dẫu vậy, quan chức này lưu ý rằng những đối tượng nói trên được phép đảm nhiệm vai trò người giúp việc cho Hoàng gia Anh.

Hiện chưa rõ quy định này kéo dài đến giai đoạn nào. Điện Buckingham từ chối trả lời câu hỏi xoay quanh chi tiết trên, cũng không cung cấp thông tin về thời điểm thông lệ cấm bổ nhiệm người thiểu số bị vãn hồi.

Tuy nhiên, Điện Buckingham khẳng định nhiều người nhập cư da màu và người nước ngoài được tuyển dụng vào làm việc cho Hoàng gia Anh trong thập niên 1990. Điện Buckingham thông tin thêm rằng cơ quan này không lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc sắc tộc của nhân viên trong giai đoạn trước năm 1990.

Bất tuân luật định

Vào thập niên 1960, một số bộ trưởng trong chính phủ Anh đã tìm cách phi hợp pháp hóa hành vi phân biệt sắc tộc trong quá trình tuyển dụng.

Trong hơn bốn thập kỷ qua, quy định trên vẫn không được áp dụng với Nữ hoàng Elizabeth II. Điều này khiến phụ nữ hoặc người thuộc sắc dân thiểu số làm việc trong Hoàng gia Anh không thể khiếu nại lên tòa án ngay cả khi họ tin rằng bản thân bị phân biệt đối xử.

Trong một thông cáo, Điện Buckingham không phủ nhận rằng Nữ hoàng Elizabeth II có thể bất tuân luật định. Cơ quan này nói thêm rằng các khiếu nại liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử có quy trình riêng để xử lý, tuy nhiên không cung cấp chi tiết về quá trình này.

Sự miễn trừ luật đối với Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu có hiệu lực từ thập niên 1970, khi giới chính trị gia Anh ban hành hệ thống luật định nhằm xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc và giới tính.

Các tài liệu tìm thấy trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia giúp làm sáng tỏ quá trình giới chức chính phủ Anh vào thập niên 1970 phối hợp với các cố vấn của Nữ hoàng Elizabeth II về cách trình bày và diễn đạt bộ luật nói trên.

Kết quả điều tra của tờ Guardian được dự đoán sẽ khơi lại cuộc tranh luận xoay quanh những bê bối của Hoàng gia Anh liên quan đến vấn đề sắc tộc. Một số thành viên trong Hoàng gia Anh cũng từng nhận nhiều chỉ trích vì các bình luận mang tính phân biệt chủng tộc.

Vào tháng 3, Công tước phu nhân xứ Sussex Meghan Markle, thành viên da màu đầu tiên của vương thất Anh, chia sẻ rằng bản thân từng có ý định tự tử trong khoảng thời gian sinh sống cùng Hoàng gia Anh.

Công tước phu nhân xứ Sussex cũng cáo buộc một thành viên vương thất Anh từng tỏ thái độ lo lắng về màu da của con cô.

Các cáo buộc của Công nương Meghan buộc Hoàng tử William phải công khai tuyên bố rằng Hoàng gia Anh "không hề" phân biệt chủng tộc.

"Cái gật đầu của nữ hoàng"

Một số tài liệu được tờ Guardian tìm thấy hé lộ rằng Hoàng gia Anh sử dụng một cơ chế liên quan đến nghị viện ít người biết đến, được gọi là "sự phê chuẩn của nữ hoàng", để điều chỉnh các luật có ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của bà.

Điện Buckingham cho biết quy trình nói trên chỉ mang tính hình thức. Dẫu vậy, tồn tại một số bằng chứng cho thấy Nữ hoàng đã nhiều lần sử dụng quyền lực để bí mật vận động các bộ trưởng Anh sửa đổi những luật mà bà không thích, theo Guardian.

Các tài liệu mới được phát hiện làm sáng tỏ quá trình vuông thất Anh sử dụng thủ tục "sự phê chuẩn của nữ hoàng" để bí mật ảnh hưởng đến tiến trình hình thành dự thảo luật về quan hệ chủng tộc.

Năm 1968, James Callaghan, Bộ trưởng Nội vụ Anh lúc bấy giờ, được cho là đã e ngại nữ hoàng và không yêu cầu sự chấp thuận từ bà để đưa vấn đề dự luật sắc tộc ra tranh luận trước quốc hội. Ông Callaghan và các công chức Bộ Nội vụ Anh chỉ thực hiện quy trình này sau khi các cố vấn của nữ hoàng hài lòng.

Thời điểm đó, ông Callaghan muốn mở rộng luật chống phân biệt chủng tộc ở Vương quốc Anh. Bởi lẽ, vào thập niên 1960, bộ luật này ở Anh chỉ cấm hành vi phân biệt đối xử nơi công cộng.

Theo Guardian, việc Nữ hoàng Elizabeth II tự miễn trừ bản thân và gia đình khỏi các quy định về chống phân biệt đối xử vẫn được duy trì đến tận ngày nay, khi Đạo luật bình đẳng 2010 được ban hành thay thế cho Đạo luật quan hệ chủng tộc 1976, Đạo luật phân biệt giới tính 1975 và Đạo luật trả lương bình đẳng 1970.

Trong nhiều thập kỷ, giới quan sát thường xuyên chỉ ra rằng vương thất Anh sử dụng rất ít lao động gốc Phi, gốc Á và người thiểu số nói chung.

Vào năm 1997, Điện Buckingham thừa nhận với tờ Independent rằng họ không thực thi chính sách giám sát số lượng nhân viên, vốn được khuyến nghị bởi chính phủ nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Điện Buckingham vẫn khẳng định: "Hoàng gia Anh và chính thể lập hiến tuân thủ các quy định của Đạo luật bình đẳng, cả trên lý thuyết lẫn thực tế. Điều này được thể hiện qua sự đa dạng, toàn diện và tôn trọng phẩm giá trong môi trường làm việc của hoàng gia".

Khi được hỏi liệu Nữ hoàng Elizabeth II có buộc phải tuân theo nguyên tắc trên hay không, đại diện Điện Buckingham đáp: "Nếu có bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến đạo luật này, chúng tôi đều sẽ tìm cách cung cấp phương tiện và quy trình để xử lý".

Zing (theo Guardian)