Cuộc sống tồi tệ của người xin tị nạn trong các doanh trại được tái sử dụng

Những người xin tị nạn kể về điều kiện cuộc sống vô cùng khắc nghiệt và khó khăn trong các doanh trại quân đội cũ.

Chúng tôi đã ghi lại câu chuyện của năm người đàn ông trong hai khu nhà ở quân đội. Một người nói rằng mình “mất hy vọng vào cuộc sống” và một người khác cho biết mọi cư dân đều “sợ hãi, trầm cảm và bị tổn thương”.

Một trong những căn cứ quân đội cũ ở Napier, gần Folkestone, là nơi ở của khoảng 400 người di cư, tất cả đều đang gặp vấn đề tâm lý. Những lời phàn nàn tương tự cũng được ghi nhận tại một doanh trại được chuyển đổi mục đích sử dụng khác ở Penally, Pembrokeshire – trại tị nạn dự phòng đầu tiên ở Anh và hiện có 250 cư dân. Nhóm Refugee Action đã yêu cầu đóng cửa các trung tâm tị nạn trên và di chuyển người di cư đến “những ngôi nhà an toàn và sạch sẽ”. Tại Hạ viện, khi cựu bộ trưởng nhập cư đảng Bảo thủ Caroline Nokes bày tỏ lo ngại về việc sử dụng doanh trại quân đội cũ cho người tị nạn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chris Philip cho biết chúng ở trong tình trạng “tốt”. Tuy nhiên, các nhà vận động nhân quyền đã công bố lời kể của nhiều người tị nạn.

"Bị cô lập và bỏ rơi"

asylum

Nhà ở quân đội được trưng dụng ở Napier

Anh Alex cho biết mình "mất hy vọng vào cuộc sống, chán nản và lo lắng về tương lai" khi không có thông tin về thời điểm được chuyển ra khỏi Penally, gần Tenby ở Wales.

Alex nói: “Mọi người gặp rất nhiều áp lực tâm lý. Nhiều hơn mức chúng tôi có thể chịu được”.

“Không có chỗ dựa tinh thần cho những người đang dần phát điên, lo âu và trầm cảm. Chế độ chăm sóc sức khỏe là vấn đề lớn. Chúng tôi chỉ có thể báo cáo các vấn đề sức khỏe trong khung giờ nhất định. Chúng tôi không thể liên lạc trực tiếp với các dịch vụ y tế. Nhiều người phải đợi hàng tuần để xếp được lịch khám”.

Alex cảm giác bị cô lập sau hơn hai tháng ở trại. “Tôi cảm thấy như mình đang ở tù”, anh nói, “Tôi bị giam giữ dù điều duy nhất tôi làm là tìm kiếm nơi trú ẩn ở Anh. Tại sao tôi lại bị trừng phạt vì làm như vậy? Tôi cảm thấy bị xã hội cô lập và bỏ rơi, cô độc và ở giữa nơi đồng không mông quạnh. Tôi không thể quên được quá khứ của mình. Tôi thường xuyên nhớ lại chuyện ngày xưa vì mặc cảm bản thân”.

"Ở đây rất đau khổ"

asylum1

Người xin tị nạn phải ở trong những khu nhà bao quanh là hàng rào thép gai và bị kiểm soát nghiêm ngặt

Mark - một cư dân khác tại trại Penally, cho biết “mọi người” gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần và không thể thực hiện giãn cách xã hội trong điều kiện sống đông đúc và chật chội.

Anh Mark nói: "Penally giống như một nhà tù. Mọi thứ đều bị kiểm soát; kể cả giờ ăn. Nếu bạn ngủ quên và lỡ giờ ăn sáng, bạn phải nhịn đói”.

“Chúng tôi không có tự đo. Mọi người đều gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm lý”.

“Tôi không biết gì trước khi bị đưa đến đây. Mỗi ngày chúng tôi đều hỏi bao giờ được chuyển đi nhưng không nhận được phản hồi. Thiếu thông tin khiến cuộc sống trong Penally trở nên khó khăn hơn rất nhiều".

Theo Mark, 6 người tị nạn ở chung một phòng nên họ không thể thực hiện giãn cách xã hội và “làm gì cũng phải xếp hàng”.

“Bị tra tấn bởi sự mơ hồ”

Mehdi, ở độ tuổi 30, mô tả cảm giác bị giữ chân vô thời hạn trong trại ở Napier, Kent.

Mehdi nói: “Mọi người ở đây đều gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng vì sợ hãi, trầm cảm và bị sang chấn. Chúng tôi cảm thấy không an toàn. Sống ở đây rất khó khăn. Và điều khó nhất là không biết tương lai của mình ra sao và khi nào được ra ngoài”.

“Không biết gì là một cực hình. Tôi bị mất ngủ nghiêm trọng vì tiếng ồn 24-7 ở trại. Mọi người có lịch sinh hoạt khác nhau, đến từ các nền văn hóa khác nhau. Nhưng lí do khác khiến tôi không ngủ được là quá lo lắng. Tôi đang phải dùng thuốc và thường xuyên gặp ác mộng".

asylum2

Ảnh chụp giường ngủ tại một trại tập trung

Mehdi đã đến Napier được hai tháng. Anh cho biết ở đây chỉ có một y tá chăm sóc tất cả các cư dân từ thứ Hai đến thứ Sáu. Họ cũng phải đứng ở ngoài trời rất lâu để được phát đồ ăn. “Tôi phải đợi 45 phút đến một giờ để lấy được thức ăn”, Mehdi nói.

Ở doanh trại rất lạnh và tính đến thời điểm phỏng vấn, khu ở của Mehdi đã không có nước nóng bốn ngày liên tiếp.

Chúng tôi cũng nói chuyện với một cựu cư dân Napier, hiện đang được tổ chức từ thiện Refugees At Home của Anh quốc giúp đỡ. Người đàn ông này muốn được giữ kín danh tính. Anh kể lại “trải nghiệm kinh khủng” của mình: “Những chiếc giường giống hệt như trong căn cứ quân đội. Tôi ở trong tòa nhà một tầng với hai sảnh lớn. Mỗi sảnh có 12 đến 18 giường”.

“Tôi giống như một người lính đợi ra trận. Rất nhiều người ở đây phải chạy khỏi đất nước của họ vì chiến tranh, đặc biệt là người trẻ tuổi. Họ sẽ rất thất vọng khi cảm thấy mình vừa nhập ngũ chỉ trong vài tháng đầu tiên đến Anh. Họ vẫn còn bàng hoàng sau hành trình dài thảm khốc với những ký ức đáng sợ”.

Eduardo, từng ở Penally trong 5 tuần, cảnh báo trại tị nạn kiểu quân đội đang gợi nhắc về ký ức đau thương cho những người chạy trốn chiến tranh và xung đột.

Eduardo nói: “Tình trạng ở đây ngày càng tệ. Đối với chúng tôi, Penally giống như ở trong một trung tâm giam giữ, một nhà tù. Rất nhiều người đã có những trải nghiệm tương tự ở đất nước của họ. Họ đang phải nhớ lại khoảng thời gian đó và trải qua cảm giác bị bắt và giam giữ một lần nữa ở Penally. Tôi không thể mô tả đầy đủ cảm giác này”.

“Lần đầu tiên đến Penally, tôi thực sự rất sợ. Ngày chuyển đến trại là trải nghiệm tồi tệ nhất cuộc đời tôi”.

Penally được cải tạo thành trại tị nạn dự phòng vào mùa hè, sau đó là Napier vào tháng 9. Một số cơ sở vật chất của Bộ Quốc phòng đã được trưng dụng khi số lượng người vượt eo biển Manche đạt mức kỷ lục.

“Trại tị nạn kiểu này là vô nhân đạo”

Các nhóm hỗ trợ người tị nạn đã phàn nàn họ không được vào khu doanh trại trừ khi ký thỏa thuận tiết lộ thông tin. Stephen Hale, giám đốc điều hành của Refugee Action lên án hành động buộc những người bị tổn thương phải sống trong điều kiện tồi tàn, sau hàng rào thép gai kín cổng cao tường là thiếu suy nghĩ.

asylum3

Hầu hết người tị nạn ít được giúp đỡ về mặt tâm lý

Ông Hale nói: "Việc này thật vô nhân đạo. Bằng chứng của chúng tôi rất thuyết phục và chắc chắn đã cho thấy những trại lính được trưng dụng đang gây ra nhiều khó khăn và phải bị đóng cửa ngay lập tức. Chính phủ cần bắt đầu hành động với lòng nhân ái”.

"Người tị nạn nên được ở trong nhà ở dân dụng - những ngôi nhà an toàn và sạch sẽ trong cộng đồng của chúng ta trong khi chờ đợi quyết định về yêu cầu tị nạn của họ".

Bộ Nội vụ cho biết đã và đang thực hiện các biện pháp bảo vệ bao gồm cung cấp chỗ ở miễn phí cho người xin tị nạn với đầy đủ tiện nghi và đứng ra trang trải chi phí tiện ích, cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 thông qua tổ chức từ thiện Migrant Help với thủ tục khiếu nại “quyết liệt”.

Người phát ngôn của Bộ nói: “Chính phủ cực kỳ coi trọng đời sống của người xin tị nạn và đang thực hiện nghĩa vụ theo luật định để hỗ trợ họ, bao gồm cả hỗ trợ y tế”.

“Họ đang ở nơi an toàn, tuân theo quy luật phòng Covid, phù hợp với mục đích và được trang bị đúng cách”.

“Chúng tôi đang sửa chữa hệ thống tị nạn theo hướng vững chắc và công bằng hơn. Chính phủ sẽ tìm cách ngăn chặn hành vi lạm dụng hệ thống trong khi đảm bảo người cần giúp đỡ được đối xử với lòng nhân ái và chào đón mọi người thông qua con đường an toàn và hợp pháp”.

Viethome (Theo Metro)