Brexit: Đàm phán bế tắc, Boris Johnson họp khẩn cấp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu 

Các nhà lãnh đạo sẽ họp khẩn cấp sau khi ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán EU, rời London đến Brussels do tiến trình đàm phán thương mại đổ vỡ.

Boris Johnson sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen sau khi đàm phán thương mại Brexit rơi vào bế tắc.

Thủ tướng và bà Leyen sẽ cùng nhau làm việc sau khi trưởng đoàn đàm phán của họ không tìm được tiếng nói chung.

Ông Michel Barnier - đàm phán viên của EU, đã rời London vào hôm nay 5/12. Các phóng viên ghi nhận khá ít dấu hiệu tích cực. Ông Barnier nói: "Chúng tôi sẽ giữ bình tĩnh, như mọi khi, và chúng tôi sẽ xem xét, nếu vẫn còn cách”.

Hôm thứ Bảy (5/12), một quan chức EU cho biết các nhà lãnh đạo sẽ không tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Brexit ở giai đoạn này, ngoại trừ cuộc họp dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 11 tháng 12.

Ông Barnier đã làm việc với ông David Frost - đàm phán viên của Anh quốc, nhưng quá trình thương lượng đã thất bại do phía EU tuyên bố thỏa thuận được đưa ra không mang lại “một sân chơi bình đẳng”.

pmtomeetec

Hai vị lãnh đạo sẽ gặp mặt vào chiều mai 6/12

Hôm thứ Sáu 4/12, ông Barnier cho biết: "Sau một tuần đàm phán căng thẳng ở London cùng với ông David Frost, chúng tôi đã đồng ý vào hôm nay rằng các điều kiện để đi đến thỏa thuận không được đáp ứng, do sự khác biệt đáng kể về một sân chơi bình đẳng, hệ thống quản lý và ngư nghiệp”.

“Chúng tôi đồng ý tạm dừng đàm phán để xem lại các nguyên tắc. Chủ tịch Leyen và Thủ tướng Johnson sẽ có cuộc thảo luận vào chiều mai”.

Ông Frost cũng xác nhận quá trình đàm phán đang đi vào bế tắc và ông sẽ chuyển giao giai đoạn tiếp theo cho Thủ tướng.

Anh rời EU vào ngày 31 tháng 1 nhưng các quy tắc quản lý thương mại, du lịch và kinh doanh vẫn không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp – kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm nay, khi một mối quan hệ mới sẽ được thiết lập, dù có thỏa thuận hay không.

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, quá trình Brexit 5 năm sẽ kết thúc một cách lộn xộn khi Anh và châu Âu phải vật lộn với chi phí kinh tế khổng lồ do Covid-19 gây ra. Ngoài ra, Anh quốc sẽ phải giao dịch với EU theo điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới, dẫn đến các mức thuế mới và khả năng một số hàng hóa tăng giá đáng kể.

Brexit không thỏa thuận thương mại là viễn cảnh ác mộng đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư - những người lo ngại sẽ gặp rắc rối về vấn đề biên giới, gây kinh hoàng cho thị trường tài chính và gieo rắc sự hỗn loạn lên các chuỗi cung ứng trải dài khắp châu Âu và thế giới.

Một trong những bất đồng chính trong các cuộc đàm phán là mức độ tàu đánh cá EU có thể tiếp cận các vùng biển Anh quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Châu Âu Clement Beaune lần đầu tiên công khai đất nước ông sẽ bỏ phiếu từ chối thỏa thuận thương mại trừ khi ông Johnson nhượng bộ về vấn đề trên biển.

Ông Beaune nói: “Nếu có một thỏa thuận không tốt và theo đánh giá của chúng tôi, không đáp ứng lợi ích của các bên, chúng tôi sẽ phản đối nó”.

“Pháp, giống như tất cả các đối tác, đều có quyền phủ quyết, tất nhiên chúng tôi phải đưa ra đánh giá của riêng mình”.

“Chúng tôi làm điều này vì nhân dân Pháp, ngư dân của chúng tôi, và các bộ phận khác của nền kinh tế”.

Viethome (Theo Evening Standard)