Bonmarche lại “kêu cứu”, 1,500 lao động bị ảnh hưởng

Hãng thời trang Bonmarche tiếp tục nộp đơn xin được quản trị tài chính, hơn một năm kể từ lần “sụp đổ” cuối cùng và chỉ vài tháng sau khi được mua lại.

Bonmarche là cái tên thứ ba trên các con phố thời trang cao cấp thông báo tin xấu trong những ngày gần đây - sau khi Debenhams đóng cửa và đế chế Topshop của Sir Philip Green nộp đơn xin được giám sát tài chính.

Thất bại của Bonmarche khiến 1,500 việc làm tại Anh quốc bị ảnh hưởng, bên cạnh con số 25,000 lao động với tương lai không rõ ràng khi các hãng lớn hơn thông báo gặp khó khăn tài chính trong tuần này.

bonmarche

Bonmarche được mua lại vào đầu năm nay

Với sự tiếp quản của công ty Tư vấn Tái cấu trúc RSM, Bonmarche sẽ tiếp tục hoạt động bình thường với 225 chi nhánh trong khi tìm kiếm người mua.

Bonmarche sụp đổ lần cuối vào tháng 10 năm 2019 do doanh số bán hàng giảm mạnh và chi phí tăng.

Phần lớn công ty đã được hồi sinh nhờ thỏa thuận giải cứu của Peacocks - một phần của Tập đoàn Nhà máy len Edinburgh (EWM) do Philip Day đứng đầu - vào tháng Hai năm nay.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng coronavirus xảy ra chỉ vài tuần sau đó, khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn khi tất cả các cửa hàng không thiết yếu đều phải tạm dừng hoạt động.

Tháng trước, EWM đã đặt Peacocks và Jaeger - một thương hiệu khác cũng thuộc quyền sở hữu của tập đoàn, vào tình trạng bị giám sát tài chính - khiến hơn 4,700 việc làm gặp rủi ro, khi việc kinh doanh liên tục bị gián đoạn trong thời gian trước Giáng sinh.

Ông Damian Webb, quản trị viên thuộc RSM, cho biết: “Bonmarche vẫn là một thương hiệu hấp dẫn với lượng khách hàng trung thành”.

"Chúng tôi có ý định tiếp tục hoạt động kinh doanh trong khi hợp tác chặt chẽ với ban lãnh đạo để khám phá các lựa chọn cho doanh nghiệp”.

"Chúng tôi sẽ sớm tìm kiếm người mua lại việc kinh doanh và dựa trên sự quan tâm dành cho Bonmarche, chúng tôi dự đoán sẽ thu hút được một số nhà đầu tư".

Viethome (Theo Sky News)