Hành trình làm lại cuộc đời của một người đàn ông vô gia cư

Vào đêm 23 tháng 4 năm 2018, Paul trải qua đêm đầu tiên của mình như một người vô gia cư trong một công viên giữa khu phố giàu có với những ngôi nhà trị giá tới 1,5 triệu bảng.

Anh xoay xở tìm được một chỗ ở quảng trường Sidney, Whitechapel, phía đông London.

Paul thường đi tới đi lui chỗ trạm xe buýt nơi mà việc ngủ chỉ là để giữ ấm. Ảnh: UniquePictures.co.uk

Một chuỗi sự kiện xảy ra trong vài năm trước đó, bao gồm cái chết của mẹ anh và chứng trầm cảm do chấn thương tâm lý, dẫn đến việc anh bị đuổi khỏi căn nhà gần đó.

Kể từ đó, Paul, 45 tuổi, đã có một hành trình đáng nhớ để tìm lại bản thân và chuẩn bị chuyển vào căn hộ của chính mình.

Sau thời gian thử thách vào năm ngoái, anh cuối cùng cũng tìm được công việc nhân viên chăm sóc tại một trường tiểu học.

Anh muốn chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người có thể hiểu người ta có thể dễ dàng lâm vào cảnh vô gia cư như thế nào và nên làm gì để giúp đỡ họ.

Sau khi cuộc sống của anh sụp đổ, Paul trở thành một trong số 170.000 người lang thang ở thủ đô, một con số cao kỷ lục.

Sidney Square, Whitechapel là nơi Paul trải qua 3 tuần rưỡi không nhà. Ảnh: w8media/metro.co.uk

Anh tâm sự: “Tôi mất việc vào năm 2014, mẹ tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và tôi cần phải chăm sóc bà ấy. Tôi có một số tiền tiết kiệm và tôi muốn chăm sóc bà. Sáu tháng sau, bà qua đời. Tôi được thừa hưởng một số tiền, nhưng cảm thấy tâm trạng vô cùng tồi tệ.”

Anh nói thêm: “Nhìn lại, lúc đó tôi đang bị trầm cảm. Tôi đã không nộp đơn xin trợ cấp hay làm bất cứ điều gì. Tôi không biết làm thế nào, hoặc biết liệu tôi được phép làm gì.”

Anh tìm đến rượu và số tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại được dành cho việc nhấn chìm bản thân trong nỗi buồn.

Paul lang thang giữa những ngôi nhà trị giá 1,5 triệu bảng. Ảnh: UniquePictures.co.uk

Sau nhiều tháng, Paul được đưa vào bệnh viện, nơi anh được thông báo bị suy gan và thận.

Anh dần hồi phục, nhưng khi được ra viện, thế giới của anh bắt đầu sụp đổ. Anh đã cạn túi và không còn đủ khả năng trả tiền thuê căn hộ của mình.

Sau khi bị đuổi, Paul nói đêm 23 tháng 4 năm 2018 là một trong những đêm anh sẽ không bao giờ quên.

Sau thông báo trục xuất, anh nhét tất cả đồ đạc vào một vài chiếc túi nhỏ và làm một chiếc giường từ quần áo trên ghế đá công viên.

Đó là đêm đầu tiên trong ba tuần rưỡi anh phải ngủ trên đường phố, với rất ít ý tưởng về tương lai.

Anh nói: “Ở Sidney Square, tôi dành phần lớn thời gian trong công viên và ngủ ở một trạm chờ xe buýt gần đó. Một đêm trời rất lạnh, tôi thức dậy và không thể di chuyển rồi tôi rớt xuống đất. Tôi thật may mắn khi không bị vỡ mặt.”

Tình trạng vô gia cư có xảy ra với bất kì ai. Ảnh: UniquePictures.co.uk

Paul nói rằng anh không bao giờ xin tiền trên đường phố. Nhưng anh kể lại một người phụ nữ đã mua cho anh một chiếc chăn và gối, và hành động tốt đẹp này đã khôi phục lại niềm tin của anh vào tình người.

Và Paul đã có đủ quyết tâm để tìm kiếm sự giúp đỡ tại Whitechapel Mission, tổ chức đã giúp đỡ người vô gia cư trong suốt 140 năm.

Anh nói: “Điều tuyệt vời nhất là bạn được nói chuyện với mọi người, gặp gỡ mọi người và họ chỉ dẫn bạn đến nơi bạn có thể nhận được sự giúp đỡ. Họ giúp bạn điền vào các biểu mẫu mà bạn cần, ví dụ, để gặp bác sĩ.”

Tình trạng nghiện ngập đã đẩy anh vào cảnh vô gia cư. Ảnh: UniquePictures.co.uk

Sau đó, Paul nhớ lại một ngày đặc biệt khác.

Vào ngày 16 tháng 5 năm 2018, khi đang ngồi trong công viên, anh đã được một nhân viên từ tổ chức từ thiện vô gia cư St Mungo's tiếp cận. Đó là sự can thiệp làm thay đổi cuộc đời anh.

Anh kể lại: “Họ hỏi tôi về nơi tôi ở và nói rằng họ sẽ tìm một đội ngũ giúp đỡ tôi.

“Cuối cùng, họ thực hiện một cuộc đánh giá và quyết định tôi đủ điều kiện để được cấp chỗ tạm trú, nơi bạn có thể đến và ở lại, họ đánh giá nhu cầu của bạn.”

Tổ chức cũng có một nhóm tình nguyện viên chuyên tìm kiếm những người vô gia cư vào ban đêm và sáng sớm và kết nối họ với những đội ngũ hỗ trợ.

Paul sau đó đã được liên lạc với một dịch vụ có tên gọi ‘No Second Night Out,’ hợp tác với St Mungo's, và được ủy quyền bởi chính quyền Greater London.

Dịch vụ này tập trung vào việc giúp đỡ những người lần đầu tiên phải ngủ trên đường phố thủ đô.

Paul vất vưởng ở công viên, được một người phụ nữ tốt bụng mua cho chăn và gối. 

Paul đã dành năm đêm để ở trong nhà ở khẩn cấp trước khi một nhân viên của hội đồng địa phương quyết định đưa anh vào một cơ sở thay thế ở Hackney, phía đông bắc London, nơi được điều hành một phần bởi St Mungo's.

Anh nói một trong những điều tuyệt vời nhất khiến anh tự hào là đã bỏ được rượu trong vòng ba ngày sau khi được cấp chỗ ở.

Paul hiện đã trải qua gần 17 tháng không uống rượu, điều mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới.

Anh đã sống trong một ký túc xá từ tháng hai, kiếm được một công việc và chuẩn bị có được một căn hộ của riêng mình.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh luôn nói về công việc và sự bận rộn của mình và rằng điều đó đã giúp cải thiện sự tự tin và lòng tự trọng của anh ấy như thế nào.

Tuy nhiên, anh cũng nhận thức được sự may mắn đóng vai trò như thế nào trong việc giúp anh tìm lại chính mình và cả sự hỗ trợ quan trọng của St Mungo's.

Những người ở tổ chức từ thiện St Mungo's đã giúp anh tìm lại cuộc đời. Ảnh: alarmy

Paul muốn cho mọi người thấy việc trở thành người vô gia cư có thể xảy ra dễ dàng đến thế nào và có thể làm gì để giúp những người kém may mắn hơn mình.

Anh đề xuất một tổ chức có tên StreetLink. Nó cho phép các thành viên của cộng đồng kết nối những người vô gia cư với các dịch vụ hữu ích, bằng cách khuyến khích người dân gửi thông báo qua trang web hoặc ứng dụng của StreetLink khi họ thấy ai đó đang ngủ ngoài đường.

Anh cho biết: “Tôi đã khuyến khích những người vô gia cư khác đăng ký vào StreetLink, lúc đầu tôi không biết đó là gì, nhưng họ có thể giúp mọi người tìm đến với bạn, ngay cả khi không phải ngay lập tức.

“Thông tin đó sau đó được gửi đến chính quyền địa phương hoặc dịch vụ tiếp cận khu vực để giúp họ tìm cá nhân gặp khó khăn và hỗ trợ họ.”

Paul nói rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào các tổ chức từ thiện và các dịch vụ hỗ trợ giúp đỡ những người vô gia cư, để những người khác không phải trải qua những gì anh đã trải qua.

Beatrice Orchard, Trưởng phòng Chính sách, Chiến dịch và Nghiên cứu tại St Mungo's, cho biết: “Ngủ ngài đường có hại và nguy hiểm bất kể ở thời điểm nào trong năm, tuy nhiên mức độ nguy hiểm tăng lên khi nhiệt độ giảm đáng kể trong thời gian lễ hội.

“St Mungo đang kêu gọi chính phủ mới nhanh chóng thực hiện cam kết chấm dứt tình trạng vô gia cư trong vòng 5 năm tới.

“Điều này sẽ cần đến một chiến lược liên chính phủ mới, được tài trợ dài hạn với gói hỗ trợ 1 tỷ bảng.”

Một phát ngôn viên của Bộ Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương nói: “Chính phủ đang nỗ lực chấm dứt tình trạng vô gia cư, đó là lý do tại sao trong tuần này chúng tôi đã công bố chi thêm 260 triệu bảng tài trợ để các hội đồng trên khắp đất nước có thể cung cấp các dịch vụ quan trọng phù hợp với khu vực của họ.

“Nhưng chúng tôi còn tiến xa hơn nữa, đó là đảm bảo hoạt động tích hợp hơn giữa các dịch vụ y tế và nhà ở địa phương, bao gồm cam kết hơn 30 triệu bảng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho những người vô gia cư.”

VietHome (Theo Metro)