Anh được phê chuẩn tham gia Hiệp định trị giá 1,7 nghìn tỷ USD thời hậu Brexit

Vương quốc Anh đã giành được sự chấp thuận để tiếp tục tham gia Hiệp định quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mua sắm chính phủ trị giá 1,7 nghìn tỷ USD sau khi rời Liên minh Châu Âu (EU).
Theo đó, trong tuyên bố ngày 27/02 của WTO, nhóm gồm 46 thành viên, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, đã đồng ý để cho Anh tiếp tục ở lại trong Hiệp định mua sắm Chính phủ thời hậu Brexit. Việc duy trì tư cách thành viên của Anh trong hiệp định này nhằm đảm bảo rằng các nhà thầu ở Anh sẽ tiếp tục được tiếp cận ưu đãi với các cơ hội mua sắm công của nước ngoài nếu Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận Brexit. Điều này cũng đảm bảo rằng các bên ký kết Hiệp định Mua sắm Chính phủ sẽ tiếp tục có quyền tiếp cận vào thị trường mua sắm công cộng trị giá 89 tỷ USD của Anh trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận.


Hiệp định này là một bước tiến lớn khác của Anh trong việc tự thiết lập mình là một thành viên WTO độc lập, tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Anh. Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox. Mục đích của Hiệp định Mua sắm Chính phủ là cởi mở theo nguyên tắc có đi có lại, các thị trường mua sắm chính phủ đối với cạnh tranh nước ngoài, và để giúp quá trình mua sắm công khai minh bạch hơn. Vương quốc Anh hiện đang tham gia Hiệp định này thông qua EU; Anh chưa bao giờ độc lập phê chuẩn hiệp định và bây giờ phải tham gia với tư cách là thành viên theo quyền riêng của mình để đảm bảo tính liên tục sau khi rời khỏi khối theo kế hoạch. Bản chào ưu đãi của Vương quốc Anh sao chép các cam kết mua sắm chính phủ hiện tại của mình với tư cách là thành viên EU và không tăng hoặc giảm quyền tiếp cận thị trường mua sắm công.

Hiệp định này sẽ được đưa ra trước Quốc hội Anh để thảo luận trong 21 ngày nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ thành viên nào của Nghị viện có ý định phản đối hiệp định này. Việc Anh tiếp tục gia nhập Hiệp định Mua sắm Chính phủ sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi chính phủ Anh đệ trình văn kiện pháp lý chấp thuận tới WTO. Ngay cả khi không có sự phê chuẩn vào 27/2 tại WTO thì Anh sẽ vẫn là thành viên của Hiệp định quan trọng này theo các điều khoản hiện tại nếu chính phủ Anh chấp thuận thỏa thuận Brexit hoặc gia hạn đàm phán với EU sau ngày Brexit dự kiến vào 29/3. Quyết định này đánh dấu một bước phát triển tích cực trong nỗ lực của Anh để trở thành một thành viên độc lập của WTO để chuẩn bị cho việc rời khỏi khối thương mại châu Âu. Vào tháng 10 năm ngoái, một số quốc gia bao gồm cả Mỹ, New Zealand và Moldova đã phản đối đề nghị của Anh về việc gia nhập lại Hiệp định Mua sắm Chính phủ vì họ nói rằng đã lỗi thời và nên bao gồm các nhượng bộ hơn nữa, như tăng quyền tiếp cận đối với thị thực vào Anh. Tình hình này đã de dọa sẽ làm mất khả năng tiếp cận thời kỳ hậu Brexit của Anh đối với hiệp định trị giá 1,7 nghìn tỷ USD vì mỗi thành viên WTO đều có quyền phủ quyết.

Đại sứ Mỹ tại WTO, Dennis Shea, nói rằng "việc giữ Anh trong Hiệp định Mua sắm Chính phủ là rất quan trọng đối với thỏa thuận này" và lưu ý rằng Vương quốc Anh chiếm hơn 1/4 tổng số giá trị mua sắm của EU trong Hiệp định. Là một phần của hiệp định được phê duyệt ngày 27/2, Anh sẽ đàm phán lại một số khía cạnh nhất định của tư cách thành viên Hiệp định trong ba tháng tới để tính đến một số thực thể chính phủ không tồn tại trước Brexit. Anh sẽ không tự do hóa các cam kết mua sắm chính phủ hiện tại đang hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài vào hệ thống đường sắt của Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia. Anh sẽ không thay đổi cam kết mở cửa thị trường vì Anh đã “thực sự là một nền kinh tế tự do và cởi mở nhất của Châu Âu” trong Hiệp định Mua sắm Chính phủ.

 

VietHome(theo Báo Công Thương )