Thủ tướng May bị đe dọa thêm, 51% dân chúng giờ đây chống Brexit

Vào hôm 17/12/2018, thủ tướng Anh Quốc đã trở lại trước Hạ Viện Anh để bảo vệ thỏa thuận Brexit mà chính quyền của bà đã đàm phán được với Liên Hiệp Châu Âu. Theo một số trích đoạn diễn văn được tiết lộ tối qua, bà Theresa May đã dứt khoát bác bỏ khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Lý do rất đơn giản: một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số dân Anh giờ đây sẽ phản đối việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. 

Cách nay hơn 2 năm, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016 về việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, phe "Đi – Leave" đã chiến thắng với 51,9% số phiếu, so với 48,1% của phe "Ở lại – Remain".

Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%.

Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng là thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối phó với những ngày cực kỳ khó khăn, đặc biệt là làm sao để thuyết phục các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà bà đã thương thuyết được với Bruxelles. 

Trước ngày bà trở lại để giải trình, Hạ Viện Anh đã tràn ngập những ý kiến khác nhau để tránh khủng hoảng.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :

"Làm gì bây giờ ? Không chỉ có các nghị sĩ, và đây là điểm mới, mà cả một số bộ trưởng của bà Theresa May cũng bắt đầu tự hỏi là làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc của Brexit, vào lúc mà theo nhận định ​​chung, thỏa thuận của thủ tướng không thể được phê chuẩn nếu vẫn giữ nguyên.

Một ý tưởng thường xuyên được nêu lên trong những ngày gần đây là tổ chức một loạt những cuộc "bỏ phiếu lấy ý kiến" trong Hạ Viện, cho phép các dân biểu đề cập một cách tự do đến các phương án khác nhau. Chẳng hạn như Brexit theo mô hình Na Uy hay mô hình Canada, hoặc một Brexit không có thỏa thuận, thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai…

Nói tóm lại, đó sẽ là các cuộc tham vấn với hy vọng tạo ra được một đa số ủng hộ một Kế hoạch B, trong bối cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày định mệnh 29 tháng 3, là ngày nước Anh thực sự ra khỏi khối châu Âu.

Lội ngược dòng nước đó, bà Theresa May hôm nay trở lại trước các nghị sĩ để cảnh cáo rằng bà sẽ không từ bỏ kế hoạch của mình, và các cuộc đàm phán với châu Âu sẽ tiếp tục ở Luân Đôn và Bruxelles trong tuần lễ Giáng Sinh.

Qua đến thứ Ba, bà May cũng sẽ họp nội các như mọi tuần, để chấn chỉnh tinh thần đội ngũ.

Thế nhưng thái độ cứng rắn của bà, kèm theo với việc bà suýt nữa thì bị chính đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm, cả hai yếu tố này khiến uy thế của bà May bị suy yếu thêm."

Viethome (theo rfi)