Từ tiệm nail đến tiệm rửa xe: nạn nô lệ ở Anh đã trầm trọng tới mức nào?

Nạn nô lệ có thực sự tồn tại ở Anh?

Đã hơn 250 năm trôi qua kể từ khi việc buôn bán nô lệ liên lục địa chấm dứt, vậy mà vẫn có gần 41 triệu người đang bị giam cầm theo một hình thức nô lệ nào đó trên khắp thế giới. Nhưng không có ai thực sự đánh giá được quy mô và số lượng nạn nhân của hình thức phạm tội này ở Vương quốc Anh.

Số lượng được công bố thường không nhất quán. Chính phủ tin rằng có khoảng 13,000 nô lệ thời hiện đại trên khắp nước Anh, trong khi hồi đầu năm nay, Chỉ số Nô lệ Toàn cầu đưa ra một con số ước tính cao hơn nhiều là 136,000.

Con số thống kê nô lệ từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia ghi nhận số liệu được nhập vào hệ thống đăng ký đối với các nạn nhân trên toàn quốc (NRM), đây là một quy trình cho phép xác định danh tính của các nạn nhân nô lệ và từ đó mang đến cho họ sự hỗ trợ cần thiết.

Trong khi dữ liệu này có thể đem đến cái nhìn sơ bộ về loại hình nô lệ nào đang phổ biến nhất và đối tượng nào thường trở thành nạn nhân của những kẻ bóc lột, nó vẫn không đủ để dựng nên một bức tranh tổng thể. Với mỗi nạn nhân được cảnh sát xác định, luôn song song tồn tại rất nhiều nạn nhân còn ẩn danh khác vẫn đang bị bọn buôn người, lũ ma cô hay các băng nhóm tội phạm kiểm soát.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều những cá nhân có nguy cơ trở thành nạn nhân, những người không đồng ý cho ghi tên vào hệ thống vì họ không có lòng tin ở chính quyền, hoặc quá sợ hãi không dám vạch mặt những kẻ tội phạm. Từ ngày 1 tháng Mười một năm 2015 đến ngày 30 tháng Sáu năm 2018, chính phủ đã nhận được thông báo về 3,306 người có thể là nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại ở Anh và xứ Wales nhưng chưa được ghi trong hệ thống.

“Số liệu duy nhất mà chúng ta có được là về các nạn nhân trưởng thành, những người chọn cách nhờ sự giúp đỡ của chính quyền hoặc những đứa trẻ được các dịch vụ xã hội xác nhận chính xác là nạn nhân,” ông Andrew Wallis, giám đốc điều hành quỹ từ thiện chống nạn nô lệ Unseen.

Cảnh sát ghi nhận 3,773 tội danh liên quan đến nô lệ hiện đại trong khoảng thời gian từ tháng Sáu năm 2017 đến tháng Sáu năm 2018.

Nô lệ hiện đại ở Anh tồn tại dưới hình thức nào?

Nếu nô lệ thời cổ đại là một hiện tượng tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật, nô lệ thời hiện đại là một vấn đề thực sự khó xác định. Sự trói buộc về thể chất như trong quá khứ nay bị thay thế bởi các hình thức bóc lột và kiểm soát khác như nợ nần, lừa đảo, hứa hẹn cũng như bạo lực và xâm phạm thể chất.

Những ngành nghề có nguy cơ cao nhất ở Anh bao gồm:

- xây dựng

- nông nghiệp

- nhà hàng khách sạn

- giúp việc gia đình

- rửa xe và làm móng.

Các nạn nhân thường bị ép phục dịch sau những cánh cửa đóng chặt.

Những cáo buộc tại tòa án theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại ở Anh hồi năm ngoái bao gồm trường hợp một băng nhóm chuyên buôn các phụ nữ Việt Nam sang làm việc ở các tiệm nail và một gia đình Slovakiaeos buộc người có vấn đề về thần kinh làm việc cho họ mà không trả lương.

Năm ngoái, đường dây nóng Nô lệ Hiện đại đã nhận được tổng cộng 493 trình báo về các trường hợp bị nghi là bóc lột lao động ở các tiệm rửa xe trên cả nước, với tổng cộng 2,170 người có khả năng là nạn nhân. Trong số đó, 401 trường hợp đã được chuyển sang cho các cơ quan pháp luật và trong số đó, cũng chỉ có một trường hợp bị bắt giữ.

Ông Wallis đưa ra một số dấu hiệu giúp nhận biết một cơ sở kinh doanh có thể dính dáng đến vấn đề nô lệ hiện đại.

“Nếu giá thành quá mềm, chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt và các nhân viên không sử dụng tiếng Anh, bạn cần tự hỏi: ‘Tại sao lại rẻ đến vậy và vai trò của tôi ở đây có thể là gì?’” ông Wallis nói. “Ví dụ, giá thực sự cho việc rửa một chiếc xe bằng tay trung bình ở mức 20 bảng. Nếu bạn trả ít hơn con số đó, bạn cần phải tự hỏi tại sao và làm thế nào.”

Nạn nhân là những ai?

Vào năm 2017, khoảng 5,145 người có khả năng là nạn nhân nô lệ hiện đại được ghi danh vào NRM, tăng 35% so với năm 2016.

Họ bao gồm người dân đến từ 116 quốc gia khác nhau. Trong tổng số các nạn nhân đã được xác nhận, 207 được tìm thấy ở Scotland, 193 ở xứ Wales và 31 ở Bắc Ai-Len. 4,714 trường hợp còn lại được trình báo ở Anh.

Hiện trạng nô lệ hiện đại ở Vương quốc Anh gần đây nhất được tiết lộ thông qua con số các nạn nhân xác nhận từ giữa tháng tư đến tháng Sáu năm nay. Trong vòng vỏn vẹn ba tháng, 1,658 nạn nhân đến từ 81 quốc gia đã được xác đinh, trong đó 58% là người lớn và 42% là trẻ em. Trong năm 2017, số lượng trẻ em được xác nhận là nạn nhân đã tăng 66%.

Điều này có thể được giải thích bởi việc trẻ em bắt đầu được xác định là nạn nhân của đường dây buôn bán chất cấm liên tỉnh và các loại hình bóc lột phạm tội khác. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trẻ em xin tị nạn không có người giám hộ được nhận diện là nạn nhân của nạn buôn người hay nô lệ hiện đại.

“Tuy nhiên,” ông Wallis nói, “đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và con số thực sự cho thấy số lượng trẻ em đang bị bóc lột ở Anh có thể cao hơn nhiều vì chúng ta không có các chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho các nhân viên xã hội và trẻ em nhằm giúp họ xác định nạn nhân buôn người.”

Dữ liệu từ năm ngoái cho thấy xu hướng trẻ em là nạn nhân nô lệ vẫn đang tiếp tục.

Tính đến thời điểm hiện tại, trẻ em Anh quốc vẫn chiếm số lượng lớn trong số các nạn nhân nô lệ được tìm thấy trong khoảng từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, cao gấp hơn bốn lần các quốc tịch khác. Hầu hết trong số đó là trẻ nam, nhưng cũng có 102 trẻ nữ được xác định là nạn nhân lạm dụng tình dục.

Các quốc tịch phổ biến khác của nạn nhân trẻ em bao gồm Việt Nam, Sudan, Eritrea và Albania. Các em nhỏ Việt Nam thường bị bóc lột sức lao động, chủ yếu là trong các trang trại cần sa hoặc tiệm nail.

Về phần nạn nhân người lớn, Albania là quốc tịch phổ biến nhất, theo sau là Trung Quốc, Việt Nam, Romania và sau đó là Anh. Hầy hết các nạn nhân Albania là phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Nạn nhân người lớn từ các quốc gia khác thường bị ép buộc lao động hoặc chịu các hình thức bóc lột lao động khác.

Xu hướng bóc lột người vô gia cư cũng đang tăng. Tổ chức từ thiện ở London mang tên Hestia chỉ ra rằng trong số 218 nạn nhân nam mà họ từng giúp đỡ trong năm nay, bao gồm những người bị ép làm việc tại các trang trại, công trường và xưởng cần sa, có 54% trở thành người vô gia cư sau khi trốn thoát khỏi bọn buôn người và 92% có vấn đề về tâm thần.

Bên cạnh số liệu của NRM, các quỹ từ thiện cũng cho biết số lượng nạn nhân nô lệ hoặc buôn người đang trên đà tăng. Hestia, một tổ chức ở London, thông báo số lượng nạn nhân mà họ giúp đỡ tăng 30%; hai phầm ba trong số đó là phụ nữ bị ép bán dâm. Trong năm 2017, riêng tổ chức này đã hỗ trợ tổng cộng 624 nạn nhân nô lệ hiện đại.

Sau hai năm hoạt động, đường dây nóng Nô lệ Hiện đại nhận được hơn 10,000 cuộc gọi, thông tin và trình báo về các trường hợp nghi là nô lệ.

Tình trạng này đang diễn ra ở đâu?

Tình trạng nô lệ tồn tại ở khắp nơi trên khắp Vương quốc Anh, nhưng theo số liệu của chính phủ, phần lớn nạn nhân được chuyển cho cảnh sát trong các tháng từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay được phát hiện tại London, Tây Yorkshire, Tây Midlands, Scotland, Marseyside và Essex.

Truy tố

Từ năm 2010 đến năm 2017, có 1,671 tội phạm nô lệ bị đưa ra truy tố dẫn đến 1,109 bản án.

Trung bình cảnh sát mất khoảng ba năm để đưa các vụ án nô lệ ra trước tòa và quy trình pháp luật này tiêu tốn 330,000 bảng tiền ngân sách.

Từ năm 2017 đến năm 2018, số lượng tội phạm buô người và nô lệ bị đưa ra truy tố tăng 27% với 239 nghi phạm bị kết tội. Có tổng cộng 185 bản án liên quan đến nô lệ và buôn người trong cùng khoảng thời gian này. Nhưng đó chỉ là con số vô cùng nhỏ bé so với tổng số vụ được trình báo với chính quyền.

Nạn nô lệ ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

Rất có khả năng hàng ngày, chúng ta đang tiêu thụ hay sử dụng các loại hàng hóa được sản xuất bởi các nạn nhân nô lệ lao động. Số laptop, điện thoại và quần áo trị giá hàng tỷ bảng được sản xuất bởi nhân công nô lệ đang được chuyển đến tay người tiêu đùng Anh. Trong một báo cáo của mình, tổ chức Chỉ số Nô lệ Toàn cầu cho biết trong năm 2017, Vương quốc Anh đã nhập khẩu số hàng hóa trị giá 14 tỷ bảng từ các nước có nguy cơ nô lệ cao.

VietHome (Theo Guardian)