Trung Quốc dọa hủy đàm phán hậu Brexit vì tàu Anh xâm phạm lãnh hải

Người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Anh tuyên bố nước này quyết tâm thực hiện quyền tự do hàng hải ở biển Đông, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.
 
Theo Financial Times hôm 22-10, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones, nói Anh có nghĩa vụ thể hiện sự ủng hộ vật chất cho các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chống lại việc Trung Quốc coi thường công ước quốc tế về luật biển.
 viethome hai quan Anh 1
Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones. 
 
"Nếu họ có cách diễn giải khác về công ước dành cho đa số quốc gia thì điều đó phải bị phản đối. Nếu không, họ sẽ ngay lập tức thấy rằng các nước trên thế giới cũng sẽ bắt đầu có cách diễn giải riêng của họ" - tư lệnh hải quân Anh nói.
 
Khi được hỏi liệu có tiếp tục triển khai tàu chiến Anh đi qua biển Đông hay không, ông Jones nhấn mạnh Anh sẽ tiến hành thêm các chuyến đi như vậy, sẽ đi qua vùng biển với những tàu có sẵn ở trong khu vực.
 
Trước đó, Reuters hồi tháng 9 đưa tin tàu chiến HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện chuyến đi nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại biển Đông. Theo đó, tàu đổ bộ HMS Albion này đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) hồi cuối tháng 8.
 
Trung Quốc đã phái một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó ra thông cáo phản đối kịch liệt hành động này. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định: "HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải của mình theo khuôn khổ luật pháp và các quy định quốc tế". Theo Đô đốc Jones, Anh vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải ở biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc lấy chuyện đàm phán hậu Brexit đe dọa Anh về hành động mà Bắc Kinh cho là "khiêu khích trên Biển Đông".
 viethome hai quan anh 2
Tàu đổ bộ 22.000 tấn HMS Albion của Anh.
 
Theo đó, Anh có thể mất cơ hội đảm bảo các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc vì hành động đưa tàu chiến tới gần các đảo (mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông).
 
“Trung Quốc và Anh đã nhất trí bàn bạc thỏa thuận thương mại tự do sau Brexit. Bất cứ hành động nào làm tổn hại tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ chỉ làm cản trở các cuộc đàm phán” - tờ Daily China viết. China Daily cho rằng, Anh đang cầu xin “ân huệ” từ phía Mỹ - nước đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác về tự do hàng hải trên Biển Đông.
 
Anh coi Mỹ là phao cứu sinh kinh tế sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu nên không ngần ngại chớp lấy mọi cơ hội có thể để làm hài lòng Mỹ. Mặt khác, từ sau khi xác định “ly hôn” với Châu Âu, Anh đã tìm đến Trung Quốc để xây dựng các thỏa thuận thương mại hậu Brexit và thúc đẩy quan hệ hai nước lên “kỷ nguyên vàng”. Song thực chất, hai bên chưa chính thức đàm phán. Hoạt động này chỉ được thực hiện khi Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu trong năm tới và có thể mất vài năm mới hoàn tất.
Viethome (theo Lao Động)