Thủ tướng Theresa May xin lỗi các công dân Windrush và các nhà lãnh đạo Caribbean vì bê bối trục xuất

windrush
 
‘Tôi không muốn bất cứ ai nghi ngờ quyền được lưu lại Vương quốc Anh của họ,’ thủ tướng nói.

Thủ tướng Theresa May đã gửi một lời xin lỗi cá nhân tới các lãnh đạo khu vực Caribbean vì cách nước Anh đối xử với các công dân Windrush, những người luôn bị đe dọa trục xuất một cách sai trái.

Thủ tướng tranh thủ một cuộc họp với lãnh đạo 12 nước Caribbean có liên quan tới vụ bê bối để bày tỏ lời xin lỗi về những mối lo ngại gây ra bởi cách những công dân Anh, những người đã đến nước Anh kể từ khi còn là những đứa trẻ hồi những năm 1940, bị đối xử.

Động thái này theo sau một lời xin lỗi khác từ bộ trưởng Bộ Nội vụ Amber Rudd sau vụ bê bối. Cơn phẫn nộ đã bùng nổ sau khi thông tin được tiết lộ về việc những người nhập cư theo chương trình Windrush bị mất việc, bị từ chối chăm sóc sức khỏe hoặc bị đe dọa trục xuất vì họ không có đầy đủ giấy tờ.

Bà May nói với các vị lãnh đạo: “Tôi muốn xóa đi ấn tượng rằng chính phủ của tôi đang bằng cách nào đó kìm kẹp các công dân của khối thịnh vượng chung, đặc biệt là những người đến từ vùng Caribbean.

“Tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này. Bộ trưởng Bộ nội vụ đã xin lỗi trước Hạ viện ngày hôm qua. Và ngày hôm nay, tôi muốn được xin lỗi các bạn. Vì chúng tôi thực lòng hối tiếc trước tất cả những lo ngại mà chúng tôi đã gây ra.”

Bà May cũng nói thêm: “Những người từ Caribbean đến trước năm 1973 và đã sống ổn định mà không rời khỏi đây quá lâu trong vòng 30 năm qua vẫn có quyền được lưu lại nước Anh.

“Phần lớn những cư dân lâu năm đến nước Anh sau đó cũng vậy. Và tôi không muốn bất cứ ai nghi ngờ về quyền được lưu lại Vương quốc Anh của họ.”

Thủ tướng cũng cam kết những người bị ảnh hưởng sẽ được quan tâm giúp đỡ trong quá trình làm lại hồ sơ để đáp ứng quy định mới của chính phủ. Bà nói: “Đây là nhóm người đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt và chúng tôi bảo đảm họ sẽ không phải chi trả cho việc làm lại hồ sơ.”

Downing Street cũng phát biểu rằng họ sẽ cân nhắc bồi thường nếu các công dân Windrush đã phải chịu mất mát về mặt tài chính sau bê bối này.

Vụ việc đã gây ảnh hưởng lên nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt với khối thịnh vượng chung của thủ tướng May giai đoạn hậu Brexit thông qua hội nghị thượng đỉnh hai năm một lần đang diễn ra tuần này. Trong hội nghị, các lãnh đạo Caribbean đã thúc giục bà May bảo đảo quyền lợi cho công dân của họ.

Thủ tướng đã không hề nhắc tới việc này trong bài diễn văn của mình vào hôm thứ Ba, ngày 17 tháng Tư – bất chấp việc bà ngồi cùng nữ nam tước Scotland, tổng thư ký khối thịnh vượng chung sinh ra ở Dominica và di cư đến nước Anh từ khi còn là một đứa trẻ.

Thủ tướng Jamaica, Andrew Holness, càng kích động cơn phẫn nộ khi phát biểu việc mang lại an toàn cho các công dân Windrush là việc hoàn toàn hiển nhiên.

Ông nói trước hội nghị: “Như tình huống hiện nay và như lịch sử cho thấy, công dân từ các thuộc địa cũ, đặc biệt là khu vực Tây Ấn, đã di cư tới Anh quốc. Tại đó, họ đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng và làm giàu cho quốc gia này. Hiện giờ, chính những con người này lại không thể yêu cầu quyền công dân của họ.

“Thủ tướng, chúng tôi chào đón phản hồi của bà và chúng tôi đang trông chờ bà sẽ nhanh chóng áp dụng giải pháp bà đã nêu.

“Đó là việc hiển nhiên và sẽ mang lại an toàn cho những người đã bị ảnh hưởng.”

Sau khi một quan chức chính phủ cho biết một vài người đã bị đưa đi khỏi nước Anh do nhầm lẫn, nhân viên Bộ Nội vụ hiện được cho hai tuần để kiểm tra hồ sơ nhằm tìm ra bất cứ ai đã bị trục xuất nhầm.

VietHome (Theo Independent)