Hơn 150 trẻ em Việt Nam biến mất khỏi các cơ sở xã hội tại Anh từ năm 2015

Trong năm vừa rồi, đã có hàng nghìn trẻ em tại các trung tâm xã hội tại Anh đã mất tích một cách bí ẩn. Theo các cơ quan điều tra thì phần nhiều trong số đó đã bị đưa trở lại trong vòng vây của chính những kẻ buôn người đã đưa các em tới Anh. Các cơ quan, tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em tại Anh mới đây đã đồng loạt đưa ra lời kêu gọi về việc tăng cường bảo vệ các em khỏi cạm bẫy của những đường dây buôn người có tổ chức.

Buôn bán trẻ em tại Anh

Hơn 150 trẻ em Việt Nam đã biến mất khỏi các cơ sở chăm sóc tính từ năm 2015 đến nay

Theo một tổ chức phi lợi nhuận tại Anh có tên Barnado thì có tới 16 phần trăm số trẻ em được tổ chức này cưu mang đã từng bị lạm dụng (cả về tình dục và sức khỏe) và 17 phần trăm trong số đó đã bị buôn bán trái phép vào Anh quốc.
Trong một lá thư điện tử gửi tới Quỹ Thomson Reuters, Giám đốc điều hành của tổ chức - ông Javed Khan đã viết: "Rõ ràng rằng trẻ em trong các cơ sở chăm sóc có nguy cơ rất cao bị mất tích cũng như bị rơi trở lại vào vòng vây của những kẻ buôn người, nhưng việc việc bảo vệ các em trong thời điểm này lại đang bị coi nhẹ.”
Ông nói: "Trẻ em đang bị đe doạ, thao túng và kiểm soát bởi những kẻ buôn người – những kẻ đã nhồi nhét vào đầu các em nhiều lời dối trá khiến cho các em trở nên sợ sệt chính phủ.” Ông cũng cho biết thêm rằng có rất nhiều trẻ đã biến mất chỉ vài ngày sau khi được chuyển đến cơ sở chăm sóc xã hội.
Hiện nay, theo thống kế có tới hơn 50,000 trẻ em đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội tại Anh quốc. Trong đó, theo điều tra của Bộ Giáo dục thì có tới hàng ngàn trẻ đã biến mất khỏi những cơ sở xã hội này từ hai lần trở lên. Các chuyên gia cho rằng nhiêu trẻ có thể đã bỏ đi vì chúng cảm thấy không được an toàn và bị cô lập trong các cơ sở chăm sóc, đặc biệt là đối với những trẻ không nói được tiếng Anh. Một số trẻ em khác thậm chí còn tự nguyện liên lạc trở lại với những kẻ đã buôn bán các em sang đây vì các em sợ bản thân hoặc gia đình mình bị trả thù, vẫn còn tin vào những lời hứa hẹn của các băng đảng này hoặc thậm chí còn mặc định rằng mình vẫn còn nợ phải trả.
ECPAT UK – một tổ chức phi lợi nhuận chống nạn buôn người tại Anh quốc cho biết, theo nghiên cứu của họ thì có tới 28 phần trăm số trẻ em bị buôn bán vào Anh quốc đã biến mất khỏi cơ sở chăm sóc ít nhất là một lần. Trong số đó, trẻ em mang quốc tịch Việt Nam có nhiều nguy cơ biến mất nhất và thường bị đưa trở lại lao động khổ sai tại các tiệm nail hoặc trang trại cần sa trên khắp nước Anh. Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 150 trẻ em Việt Nam được cảnh sát Anh giải thoát khỏi bàn tay của những kẻ buôn người bỗng dưng biến mất khỏi các cơ sở chăm sóc.
Các tổ chức phi lợi nhuận hiện đang ra sức kêu gọi nhân viên thuộc các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên toàn nước Anh cần được đào tạo thêm về các kĩ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong cơ sở của mình ở một mức độ cao hơn.
Phát ngôn viên của Fostering Network, một tổ chức từ thiện hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em tại Anh, nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất ở đây đó là những người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cần được hỗ trợ và đào tạo những kiến thức và kỹ năng mà họ cần để có thể chăm sóc những trẻ bị chấn động lớn về mặt tâm lý.”
Theo ước tính của các cơ quan điều tra thì hiện nay tại Anh quốc có ít nhất 13,000 người đang phải chịu cảnh nô lệ hiện đại. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho rằng con số này trên thực tế phải lên tới hàng chục ngàn người.
Trước tình thế này, chính phủ Anh cho biết họ đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch về việc cung cấp cho những trẻ bị buôn bán một chuyên gia vận động hoặc người bảo trợ để hỗ trợ các em tái hòa nhập cuộc sống tốt hơn cũng như ngăn chặn nguy cơ bị buôn bán trở lại.

 


VietHome (Theo VOA)