Anh biến quần đảo Malvinas/Falkland thành tiền đồn để chiếm dầu mỏ và thử vũ khí

Anh đã giành quyền kiểm soát thực tế quần đảo Malvinas/Falkland sau cuộc chiến tranh đẫm máu năm 1982, bất chấp sự phản ứng dữ dội của Argentina.

Quần đảo Malvinas Falkland

Quần đảo Malvinas/Falkland do Anh kiểm soát sau cuộc chiến Anh-Argentina năm 1982

Anh tổ chức tập trận trên Quần đảo Malvinas/Falkland

Bộ quốc phòng Vương quốc Anh vừa tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận trên Quần đảo Malvinas/Falkland đang có tranh chấp với Argentina, dự kiến ​​sẽ tiến hành từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11, với sự tham gia của 1.500 quân nhân Anh đồn trú trên quần đảo.

Ngày 26 tháng 10, chính quyền Argentina đã trao công hàm cho Đại sứ quán Anh tại Buenos Aires để phản đối các bài tập quân sự trên Quần đảo mà Argentina công bố chủ quyền với tên gọi Malvinas, còn Anh đang kiểm soát thực tế với tên gọi là Falkland.

Bức công hàm viết: "Nước Anh không đếm xỉa gì đến các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác kêu gọi cả hai bên nối lại cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, và tránh những hành động đơn phương trên các vùng đất của Quần đảo và trên biển thuộc vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp".

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã yêu cầu chuyên gia Ernesto Alonso của Argentina, thành viên của Hiệp hội cựu chiến binh của cuộc chiến trên quần đảo Malvinas, bình luận về các cuộc tập trận quân sự mà Vương quốc Anh tổ chức trên quần đảo tranh chấp ở Nam Đại Tây Dương.

Ông Ernesto Alonso nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên nước Anh có những hành động quân sự hóa vùng biển Nam Đại Tây Dương, ví dụ như tổ chức cuộc tập trận quân sự một cách đơn phương trên khu vực Quần đảo này, bất chấp sự phản đối của chính quyền Buenos Aires.

Đồng thời, vị cựu chiến binh này cũng chỉ trích nặng nề chính phủ đất nước này: "Ngoài một bức công hàm cụ thể, chính phủ Argentina không có lập trường vững vàng. Không hiểu sao chính phủ lại muốn để lực lượng vũ trang Argentina tham gia cuộc tập trận cùng với lực lượng chiếm đóng”.

Theo ông, lập trường này được phản ánh trong thỏa thuận Foradori-Duncan, mà thỏa thuận này không phù hợp với học thuyết lịch sử do Bộ Ngoại giao Argentina thảo ra. Như vậy, với lập trường này Chính phủ chỉ phục vụ lợi ích của Anh" - vị cựu chiến binh Argentina nói.

Vào tháng 9 năm 2016, Buenos Aires và London đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác mang tên Foradori-Duncan. Chính phủ Argentina đã có những nhượng bộ về thương mại với London, đã nối lại các chuyến bay từ đất liền ra quần đảo, và đồng ý thực hiện các hoạt động chung trong lĩnh vực khai thác dầu khí, ngư nghiệp ở vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.

Phe đối lập và những cựu chiến binh của cuộc chiến trên quần đảo Malvinas đã phê bình mạnh mẽ thỏa thuận này của chính quyền và coi đó là hành động phản bội lại lợi ích quốc gia.

'Anh sử dụng Malvinas/Falkland để cướp dầu và thử vũ khí'

"…đế quốc Anh sử dụng quần đảo này để chiếm lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hydrocarbon và để tiếp cận lục địa Nam Cực. Về mặt chiến lược, quần đảo Malvinas là nơi lý tưởng để thực hiện mục đích này. Tất cả những gì đang diễn ra ở đó tác động đến toàn bộ khu vực" - ông Alonso nói.

Vị trí chiến lược của quần đảo Falkland gần gũi với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực. Nó là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ.

Những giếng dầu phong phú trong vùng lãnh hải của quần đảo là nhân tố giúp phát triển kinh tế cho bản thân người dân ở Falkland và Anh. Theo tính toán, trữ lượng dầu thô dưới đáy biển ở khu vực này lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối).

Ngoài những hoạt động truyền thống về khai thác than, đánh bắt cá và cảng biển, du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo này. Hàng năm, hàng chục nghìn du khách đến thăm quần đảo cực kỳ hấp dẫn với hệ động/thực vật đa dạng cùng các cơ sở nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại.

 

VietHome(Theo Đất Việt)