Cựu phóng viên BBC treo cổ trong toilet sau khi nhỡ chuyến bay

Một phóng viên chiến trường kỳ cựu của Anh treo cổ tự vẫn trong toilet sân bay Ataturk ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhỡ chuyến bay tới Iraq.

1 1770 1468309873

Bà Sutton được tìm thấy trong tư thế treo cổ trong toilet ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Telegraph

Theo Telegraph, Jacqueline Sutton, 50 tuổi, đáp chuyến bay từ Heathrow, Anh hạ cánh xuống Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm ngoái. Bà định tiếp tục bay tới tới Erbil, miền bắc Iraq.

Sutton từng làm giám đốc cho Viện Báo chí Chiến tranh và Hòa bình (IWPR) của Anh tại Iraq. Khi bị nhỡ chuyến bay, cựu phóng viên BBC này đã vào phòng đợi uống hai lon bia, sau đó nói với nhân viên bà không có tiền rồi khóc và chạy vào toilet. 

Một lúc sau, hai phụ nữ người Nga nhận thấy có đôi chân lơ lửng trong một buồng vệ sinh và báo nhân viên. Họ phát hiện bà Sutton đã treo cổ bên trong.

Bạn bè và gia đình của bà cho rằng cái chết rất đáng ngờ. Tuy nhiên, tòa án chuyên xét xử các vụ tử vong bất thường tại Bắc London hôm qua kết luận đây là một vụ tự tử. 

"Bà ấy nói với phục vụ rằng không có tiền mua vé máy bay khác rồi bật khóc", luật sư Andrew Walker thuộc tòa án London cho biết. Sau đó, bà ấy đi vào toilet rồi không quay trở lại.

Gia đình cho rằng áp lực quá lớn mà bà Sutton phải chịu đựng vào thời gian đó là yếu tố khiến bà có hành động bột phát. 

"Tôi biết chị ấy đang làm gì trước khi chết. Tại khu tự trị của người Kurd ở Iraq, chị ấy làm việc với một phóng viên người Kurd để viết bài về người dân Iraq và người Kurd theo Công giáo, Hồi giáo, Sunni, Shia, Do Thái", Jenny Sutton, em gái bà, cho biết.

"Chị ấy thu thập tư liệu về những cộng đồng đã chung sống hòa bình bên nhau qua nhiều thế hệ, trước khi phương Tây can thiệp vào, cũng như trước khi chiến tranh chia rẽ họ". 

"Tôi cho rằng một yếu tố làm chị tôi thêm áp lực là chứng kiến sự đau khổ của người dân Trung Đông. Chị ấy đã sống ở vùng chiến sự trong thời gian dài, cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của người dân. Tôi cho rằng chị ấy sẽ rất vui nếu được xem báo cáo của Chilcot về sự can thiệp khủng khiếp của Mỹ và Anh vào khu vực dẫn tới hậu quả đau thương tại nơi đó".

Sir John Chilcot là nhà cố vấn người Anh, người đứng đầu cuộc điều tra về việc Anh tham chiến tại Iraq cùng Mỹ vào tháng 3/2003. Báo cáo điều tra được công bố hôm 6/7 chỉ trích chính quyền thủ tướng Tony Blair thời đó đã cố tình phóng đại mối đe dọa từ chính quyền Saddam Hussein mà không cân nhắc tới hậu quả chiến tranh.

Theo VnExpress