Chính phủ Đức đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng hệ thống hầm trú ẩn và boongke trên toàn quốc, nhằm tăng cường khả năng ứng phó tình huống khẩn cấp.
Chia sẻ với tờ Süddeutsche Zeitung, ông Ralph Tiesler - Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Dân sự và Cứu trợ Thảm họa Liên bang Đức (BBK) - cho biết: Nước Đức đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh diện rộng ở châu Âu trong vòng 4 năm tới và cần nhanh chóng củng cố hệ thống phòng thủ dân sự.
“Suốt một thời gian dài, Đức giữ vững niềm tin chúng ta không cần chuẩn bị cho viễn cảnh chiến tranh. Điều này đã thay đổi. Chúng tôi lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh diện rộng ở châu Âu”, ông nói.
Theo ông, một kế hoạch toàn diện sẽ được trình bày vào cuối mùa hè, bao gồm việc tận dụng các công trình có sẵn như nhà ga tàu điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, nhà để xe, tầng hầm các tòa nhà công cộng... làm nơi trú ẩn tạm thời cho khoảng 1 triệu người.
Đây được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng hơn so với việc xây mới các cơ sở boongke, vốn đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài.
Trong số khoảng 2.000 boongke và nơi trú ẩn còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh ở Đức, chỉ có khoảng 580 địa điểm hoạt động và hầu hết cần được cải tạo với chi phí hàng triệu euro. Những nơi này chứa được khoảng 480.000 người, tương đương 0,5% dân số Đức. Để so sánh, Phần Lan có 50.000 nơi trú ẩn, che chắn cho 4,8 triệu người, hay 85% dân số.
Người đứng đầu cơ quan dân sự Đức kêu gọi nỗ lực biến đường hầm, nhà ga tàu điện ngầm và tầng hầm thành nơi trú ẩn trên toàn quốc. Ảnh: dpa/picture alliance.
Người đứng đầu BBK cũng nhắc tới nỗ lực tinh chỉnh các hệ thống thông tin, như ứng dụng và biển báo đường bộ, để chia sẻ với công chúng chính xác nơi trú ẩn quanh họ, cũng như nâng cấp còi báo động.
Người dân cũng được khuyến khích tích trữ nhu yếu phẩm và nước uống đủ dùng trong ít nhất 72 giờ đến 10 ngày, đề phòng tình huống mất điện hoặc gián đoạn nguồn cung.
BBK ước tính cần ít nhất 10 tỷ euro trong 4 năm tới và khoảng 30 tỷ euro trong thập kỷ tiếp theo để hoàn thiện mạng lưới phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, vấn đề phân bổ ngân sách vẫn đang được cân nhắc, nhất là trong bối cảnh chính phủ Đức đang ưu tiên hiện đại hóa lực lượng quốc phòng.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài suốt 3 năm qua gây lo ngại cho các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt ở vùng Baltic, Ba Lan và Đức, về khả năng giao tranh lan rộng khắp lục địa.
Theo Zing