Một chuyến bay đến Afghanistan chở theo 28 công dân Afghanistan bị trục xuất đã rời Đức vào sáng thứ Sáu, một ngày sau khi Chính phủ Đức cam kết tăng cường các quy định về tị nạn vì vụ đâm dao có liên quan đến khủng bố mới đây.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Saxony nói rằng một chiếc máy bay chở người Afghanistan đã khởi hành từ Leipzig và dự kiến hạ cánh tại Kabul, Afghanistan vào chiều thứ Sáu. Những người Afghanistan trên chuyến bay là những tội phạm bị kết án từ nhiều bang khác nhau trên khắp nước Đức.
Cảnh sát chặn những người biểu tình phản đối chính sách nhập cư tại Solingen, Đức, vào ngày 26 tháng 8. Ảnh: Getty
Các biện pháp an ninh mới
Chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên Đức trục xuất người Afghanistan trở về nước kể từ khi Taliban giành lại quyền lực tại đây 3 năm trước, vào tháng 8 năm 2021. Theo tạp chí tin tức Der Spiegel của Đức, đợt trục xuất này là kết quả của nhiều tháng đàm phán và lập kế hoạch, và mỗi người bị trục xuất, tất cả đều là nam giới, đã nhận được khoản thanh toán là 1.000 euro.
Người phát ngôn Hebestreit cho biết thêm rằng Chính phủ Đức đã có "nỗ lực mạnh mẽ" để trục xuất những người di cư phạm tội nghiêm trọng trở về Afghanistan và Syria sau vụ tấn công bằng dao ở thành phố Mannheim, phía tây nam nước Đức vào cuối tháng 5.
Một cảnh sát đã tử vong trong vụ tấn công đó và một số người khác bị thương, với chính quyền Đức chỉ ra động cơ cực đoan Hồi giáo. Nghi phạm chính được xác định là một người tị nạn Afghanistan 25 tuổi.
Vụ trục xuất cũng diễn ra một ngày sau khi Chính phủ Đức công bố một gói an ninh mới sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Solingen phía tây tuần trước. Ba người đã bị đâm chết trong vụ việc xảy ra vào ngày 23/8, diễn ra trong một lễ hội đường phố.
Nghi phạm được xác định là một người đàn ông Syria 26 tuổi bị cáo buộc có liên hệ với khủng bố IS, người trước đó đã phải bị trục xuất. Cảnh sát cho biết hắn ta đã ra đầu thú và nhận tội về vụ tấn công.
Các biện pháp an ninh mới được Đức công bố trong cuộc họp báo hôm thứ Năm nhằm mục đích đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và những người nhập cư không có giấy tờ, đồng thời thắt chặt luật về vũ khí.
Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Faeser, cam kết trong cuộc họp báo sẽ “tăng tốc độ hồi hương” và “thực hiện thêm các biện pháp để giảm tình trạng di cư bất hợp pháp”, đồng thời tăng cường quyền lực của chính quyền trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Làn sóng phản đối nhập cư
Vụ tấn công ở Solingen đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới ở Đức về vấn đề nhập cư, với liên minh cầm quyền của nước này, do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo, bị chỉ trích vì cách xử lý vấn đề này. Vụ việc cũng giúp cổ vũ nhóm cực hữu của Đức trước thềm cuộc bầu cử cấp tiểu bang quan trọng vào cuối tuần này.
Đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) của Đức đang hướng tới chiến thắng trong cuộc bầu cử ở các tiểu bang miền đông Saxony và Thuringia dự kiến diễn ra vào Chủ nhật tới. AfD hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ở cả hai tiểu bang.
Đảng chống nhập cư này đã tận dụng cuộc tấn công ở Solingen trong chiến dịch vận động chính trị của mình, khi Björn Höcke, lãnh đạo khu vực của đảng này tại Thuringia, nói với cử tri rằng họ có quyền lựa chọn "Höcke hoặc Solingen".
Di cư từ lâu đã là chủ đề tranh luận gay gắt ở Đức. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của ông Scholz thường ủng hộ chính sách di cư cởi mở hơn ở Đức.
Trong cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015, cựu Thủ tướng Angela Merkel đã áp dụng chính sách "cửa mở" cho phép hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Syria và nhiều nơi khác đến Đức - một quyết định nhận được cả lời khen ngợi và chỉ trích.
Congluan (theo CNN, Reuters)