Một số nước châu Âu học tập Anh cách giải quyết vấn đề người tị nạn

Một số nước EU – như Áo và Đan Mạch – đã tỏ ra hứng thú với việc làm theo cách của Vương quốc Anh. Phe cực hữu và bảo thủ cũng muốn thúc đẩy ý tưởng này.

think outside the box
EU cởi mở với ý tưởng gửi những người xin tị nạn ra các nước thứ 3 “an toàn”. Ảnh: RFI

Liên minh châu Âu (EU) cởi mở với ý tưởng chuyển những người xin tị nạn ra các nước bên ngoài khối, nhưng khối này không đi xa đến mức như nước Anh với kế hoạch “trục xuất” những người di cư bất thường đến Rwanda, hãng AFP đưa tin hôm 8/4.

Ý tưởng được đưa ra trong bối cảnh số đơn xin tị nạn gia tăng đột biến ở 27 quốc gia EU, đạt 1,14 triệu vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Theo Frontex – cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của EU, số người di cư bất thường vào khối cũng đang tăng lên, lên tới 380.000 vào năm ngoái.

Ý tưởng về nước thứ 3 “an toàn”

Theo AFP, ý tưởng để các nước thứ 3 tiếp nhận những người xin tị nạn đến châu Âu đã được Italy hiện thực hóa đầu tiên trong một thỏa thuận mà quốc gia Nam Âu này gần đây đã đạt được với quốc gia không phải thành viên EU là Albania.

Và trong đề xuất cải cách luật di cư và tị nạn của EU mà Nghị viện châu Âu sẽ đưa ra bỏ phiếu vào ngày 10/4 cũng có điều khoản gửi người xin tị nạn đến một nước thứ 3 “an toàn”. Tuy nhiên, EU sẽ yêu cầu phải có “mối liên kết” giữa người xin tị nạn và quốc gia mà họ được gửi đến.

Ngược lại, kế hoạch của London là biến Rwanda trở thành quốc gia duy nhất tiếp nhận tất cả những người nhập cư bất hợp pháp và những người không thành công trong việc xin tị nạn tại Anh, bất kể họ có bất kỳ mối liên hệ nào với quốc gia Trung Phi này hay không. Ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Một động thái như vậy sẽ không thể thực hiện được ở EU vì nó “không phù hợp với khuôn khổ lập pháp hiện hành cũng như không phù hợp với những cải cách sẽ được đưa ra bỏ phiếu”, ông Alberto‑Horst Neidhardt, một nhà phân tích về vấn đề di cư tại Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết.

Trong khi đó, một số nước EU – như Áo và Đan Mạch – đã tỏ ra hứng thú với việc làm theo cách của Vương quốc Anh. Phe cực hữu và bảo thủ cũng muốn thúc đẩy ý tưởng này.

Ông Jens Spahn, một thành viên của Đảng CDU (Đức), một phần của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ lớn nhất trong khối Nghị viện châu Âu, lập luận rằng sẽ có ít người di cư bất hợp pháp cố gắng đến EU “nếu trong vòng 48 giờ họ sẽ được đưa đến một quốc gia an toàn bên ngoài EU”, với các lựa chọn tiềm năng là Rwanda, Gruzia (Georgia) và Moldova.

Tuy nhiên, ý tưởng các quốc gia EU gửi người di cư đến những quốc gia được gọi là “an toàn” vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức từ thiện và phi chính phủ vì người di cư.

Đó sẽ là “một bước tiến xa hơn trong EU và các quốc gia thành viên trong việc đẩy trách nhiệm của họ lên các quốc gia ngoài EU, mặc dù khối này chỉ tiếp nhận một phần nhỏ số người phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới”, bà Stephanie Pope từ tổ chức từ thiện Oxfam cho biết.

Tư duy “bên ngoài chiếc hộp”

Chính phủ cực hữu của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã đạt được thỏa thuận với Albania nhằm hướng tới việc chuyển người di cư ra khỏi đất nước bà.

Hiệp định mà Rome đã ký với Tirana vào tháng 11 năm ngoái phác thảo việc chuyển người di cư đến các trung tâm ở Albania nhưng do Italy tài trợ và điều hành, và những trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các đơn xin tị nạn và áp dụng luật pháp của Italy đối với các trường hợp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen đã ca ngợi mô hình trên như một ví dụ về tư duy “bên ngoài chiếc hộp”, một cách sáng tạo để đối phó với làn sóng người di cư - tị nạn đang quét qua “lục địa già”.

Ông Jean-Louis De Brouwer, cựu quan chức chính sách tị nạn và nhập cư của Ủy ban châu Âu, hiện là giám đốc chương trình các vấn đề châu Âu tại Viện nghiên cứu Egmont, cho biết các thỏa thuận tương tự như của Italy-Albania có thể được nhân rộng.

Đó là loại thỏa thuận song phương mà các nước EU cũng có thể đạt được với các nước Balkan vốn đang hy vọng gia nhập khối, “ví dụ như giữa Bắc Macedonia và Đức”, ông De Brouwer cho biết.

Theo ông De Brouwer, điều này có một logic chính trị nhất định, vì nó sẽ đưa ra một dấu hiệu rõ ràng rằng các ứng cử viên sẵn sàng tham gia vào một hình thức đoàn kết của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề tị nạn.

Mặc dù vậy, với số lượng lớn người xin tị nạn tìm đường đến châu Âu, những thỏa thuận như vậy sẽ chỉ là “giọt nước trong đại dương”, ông De Brouwer nói.

Nguoiduatin (Theo Digital Journal, France24)