Trào lưu bán nhà rồi đi thuê lại chính ngôi nhà mình vừa bán

Khi nảy ra ý tưởng thuê lại căn hộ mình vừa bán, Chen Jing cảm thấy thật điên rồ nhưng không ngờ chồng cô Lin Wenbin cũng ủng hộ.

Vợ chồng Chen mua căn chung cư một phòng ngủ, diện tích 40 m2 ở Bắc Kinh năm 2016, giá 2,7 triệu tệ (9,3 tỷ đồng). Họ vay ngân hàng 1,52 triệu, còn lại vay người thân, bạn bè. Căn hộ như một chiếc phao cứu sinh mang đến cho cặp vợ chồng sự yên ổn.

Nhưng cũng từ đó, mỗi tháng họ phải đóng 7.300 tệ (khoảng 25 triệu đồng) tiền lãi. Quá áp lực, họ quyết định bán nhà hồi tháng 3/2023.

Chen kể, trước khi bàn giao nhà đầu tháng 6/2023, cô đi tìm thuê chỗ mới suốt hai tuần không có kết quả, nên đành thương lượng với chủ mới để thuê lại. Từ đó đến nay, họ phải trả 5.000 tệ mỗi tháng tiền thuê nhà nhưng vẫn được sống bình yên trong căn hộ mình tự trang trí. Họ không còn nỗi lo lắng giá nhà đất lên hay xuống.

ban nha roi thue lai 1
Ngày càng có nhiều gia đình ở Bắc Kinh không còn xem có nhà là ổn định nên bán nhà, chuyển sang đi thuê. Ảnh: Zhuanlan

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt, kể cả ở những thành phố như Bắc Kinh. Hiện tại, nhiều chủ nhà đã quyết định bán, chuyển sang thuê vì sức ép tài chính nhẹ hơn rất nhiều.

Kangyi, chủ một căn hộ hai phòng ngủ cũng quyết định bán nhà đi thuê. Tuy nhiên, việc đi thuê không hề dễ dàng với cô, một nhà nghiên cứu nghệ thuật, có nhu cầu thẩm mỹ cao. Năm 2019 sau khi mua ngôi nhà này, cô đã thiết kế trang trí lại "từng centimet" theo ý thích của mình. Khi bán đi cuối 2022, cô đã đi xem ít nhất 50 căn hộ mới tìm được một căn vừa ý.

Ở Bắc Kinh, hầu hết những ngôi nhà cho thuê đều có tuổi đời lâu, phong cách trang trí thập niên 1980, đồ nội thất kiểu cổ.

Guo Zhen, 30 tuổi, cũng quyết định bán tài sản của mình. Nhà của anh rộng 70 m2 nằm trong một khu tập thể cũ mua năm 2019 với giá 3,4 triệu tệ. Năm 2022, đứa con đầu lòng chào đời và bà nội lên trông cháu. Gou muốn chuyển đến một nơi mới rộng rãi càng sớm càng tốt, nên quyết định bán vào nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên anh đăng tin lên sàn ba tháng vẫn không bán được và giá tiếp tục giảm.

Với vợ chồng Lin Wenbi, lúc mới đưa ra quyết định bán nhà họ có quan điểm khác nhau. Kể từ năm 2021, Lin đã nhiều lần lo ngại vì kết cấu nhà xây từ 1980 xuống cấp, trong khi nhà mới nối tiếp nhau mọc lên và tâm lý người mua chắc chắn tìm nhà mới. Nếu ngôi nhà cũ lại xảy ra chuyện gì, ảnh hưởng đến tính thanh khoản thì việc bán càng khó khăn. Vì vậy, anh chủ trương bán nhà lấy tiền mặt cho yên tâm.

"Bây giờ nhìn lại, tôi thầm tự hào vì tầm nhìn xa của mình. Bởi từ giữa năm 2023, lượng giao dịch nhà ở Bắc Kinh bắt đầu giảm và giá trung bình của nhà ở cũ trong những tháng cuối năm cho thấy đang mất giá dần", Lin nói.

Theo đuổi sự an toàn là bản năng của con người. Trước đây, người ta quan niệm mua nhà là mua cảm giác an toàn. Là ngành trụ cột, bất động sản không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc cất cánh mà còn làm gia tăng tài sản cho người sở hữu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của một xã hội già hóa và tỷ lệ sinh ít hơn, mối quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản đã dần thay đổi.

ban nha roi thue lai 1
Zhang Ki sửa soạn ngôi nhà cô thuê. Ảnh: Zhuanlan

Yan Yan thừa nhận suy nghĩ "phải có nhà của riêng mình" đã ăn sâu vào lòng lòng mình từ khi còn học tiểu học. Năm 2019, cô mua căn nhà rộng 60 m2 nhưng trong bối cảnh không chắc chắn như hiện nay, cô quyết định đăng bán. Trong tháng đầu tiên đăng bán không ai hỏi mua, đại lý bất động sản ép cô hạ giá. Xét thấy giá niêm yết của mình đã thấp hơn 30.000 đến 400.000 tệ so với giá niêm yết ở các khu lân cận, Yan không chấp nhận. Giữa tháng 12/2023, cuối cùng cô cũng bán được 3,6 triệu tệ, lỗ khoảng 300.000 tệ.

"Nhưng có thể bán được ở mức giá này đã là may mắn rồi", cô nói. Với cô, việc chuyển nhà thành tiền mặt sẽ giảm thiểu tổn thất và đây là cách chống lại rủi ro tốt nhất vào lúc này.

Sau khi bán nhà cô không dám mạo hiểm đầu tư quỹ hay cổ phiếu mà gửi ngân hàng lấy lãi, sống cuộc đời ổn định. Gia đình Gou từng muốn đổi căn hộ hai phòng ngủ lấy căn hộ ba phòng ngủ mới hơn, to hơn và tốt hơn. Nhưng Bây giờ anh đã từ bỏ ý định mua nhà, cảm thấy "tiếp tục thuê nhà cũng tốt".

ban nha roi thue lai 1
Căn hộ của Yan Yan trước khi bán. Ảnh: Zhuanlan

Với gia đình Lin Wenbin, sau khi bán nhà và lấy sao kê ngân hàng mới phát hiện suốt 6 năm qua trả gần 500.000 tệ, nhưng thực tế chỉ được 180.000 gốc, còn 320.000 lãi. Họ biết đi vay phải mất lãi, nhưng không ngờ cao đến vậy. Sau khi trả mọi nợ nần, họ dư ra một khoản để đầu tư và làm những việc mình muốn.

Những năm trước, Lin vẫn có tâm lý gắn ngôi nhà với "thành công". Anh tin rằng diện tích của ngôi tượng trưng cho mức độ thành công. "Bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy tuổi trẻ của mình thật ngây thơ, thiển cận", anh nói.

So với những thứ vô giá trị này, giờ đây vợ chồng anh thấy rằng những cảm xúc chân thực về cuộc sống hiện tại quan trọng hơn. Khi bán được nhà, họ đã đặt ngay vé tham quan và chỗ nghỉ tại Công viên hải dương học Chimelong ở Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc cuối năm 2023.

VnExpress (Theo Zhuanlan)