Tại sao người di cư lại hay đi làm y tá và giúp việc

Với nguồn lực đáp ứng các điều kiện phúc lợi khá mỏng, các nước phát triển phải đón nhận làn sóng di cư làm các công việc như y tá để đảm bảo nhân lực cho bộ máy của mình.

y ta va giup viec
Ảnh minh họa trong bộ phim Người giúp việc. Nguồn: Boston Review.

Những người có lý trí có thể tranh luận về tổng số người nhập cư nên được phép vào một quốc gia, người dân đến từ quốc gia nào thì được phép nhập cư, và cách duy trì một tinh thần quốc gia chung. Nhưng để hội đủ điều kiện là một xã hội văn minh, một quốc gia ít nhất phải có một hệ thống y tế đàng hoàng – và điều đó đòi hỏi một nguồn cung bác sĩ và y tá đầy đủ.

Vào những năm 1970, Mỹ đã giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế bằng cách đưa một số lượng lớn bác sĩ và dược sĩ Ấn Độ đến. Nhưng như đại dịch Covid-19 đã cho thấy một cách thẳng thừng, cả Mỹ và Anh đều không tuyển dụng được đủ cho các cam kết y tế ngổn ngang của họ. Một phần ba tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ xảy ra ở các viện dưỡng lão, một thực tế có lẽ sẽ khiến những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh ngày nay (và con cái của họ) yêu cầu được chăm sóc tốt hơn nhiều khi về già.

Ba triệu y tá của Mỹ là bộ phận lớn nhất trong lực lượng lao động y tế của nước này và họ cần nhiều y tá hơn nữa.

Trung Quốc cũng vậy. Tương tự Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc không còn là nơi tốt nhất để mở trường mẫu giáo nữa -nhưng viện dưỡng lão đang là một ngành kinh doanh phát đạt. Ngoài những người di cư Trung Quốc không có con, ước tính có khoảng 500 nghìn đến 1 triệu người Philippines đang làm việc trong ngành công nghiệp chăm sóc người già ngày nay.

Vì Trung Quốc tiêu thụ một nửa số thuốc lá trên thế giới, nên chúng ta có thể tương đối chắc chắn rằng nước này sẽ cần nhiều y tá hơn nữa để chăm sóc cho những người bị ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác.

Philippines, vốn dĩ đã là nhà cung cấp y tá lớn nhất cho các bệnh viện trên thế giới, không thể đào tạo y tá đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu toàn cầu - một con số dự kiến là 100 triệu việc làm mới trong hai thập kỷ tới. Trong khi đó, khi các gia đình Philippines trở nên giàu có hơn, họ muốn giữ các y tá và bảo mẫu ở trong nước hơn là xuất khẩu.

Do đó, các chiến dịch tuyển dụng quốc tế đang được tiến hành ráo riết ở Manila, nơi các tấm biển khổng lồ quảng cáo các lớp học tiếng Đức và thị thực nhanh chóng đến châu Âu. Đức không chỉ đang tuyển dụng từ châu Á mà còn thu hút những phụ nữ 60 tuổi khỏe mạnh từ Ba Lan và Bulgaria đến Đức để chăm sóc 24/24 cho nửa triệu người ở độ tuổi 80-90 không thể ra khỏi nhà ở Đức.

Y tá và người giúp việc gia đình là một lăng kính lý tưởng cho việc nhìn nhận vai trò của phụ nữ trẻ từ các nước nghèo trong cuộc chiến giành nhân tài toàn cầu. Học giả Anju Paul thuộc Yale đã đóng cho họ một cái mác hợp lý hơn là “những người giúp việc đa quốc gia” vì cách mà họ đang tận dụng các mạng lưới cộng đồng hải ngoại và các nhà môi giới việc làm để di chuyển khắp châu Á, Trung Đông và Bắc Mỹ nhằm tìm kiếm mức lương cao hơn.

Những người chăm sóc và người giúp việc có kinh nghiệm được săn đón đến mức họ có quyền năng thương lượng. Có thể có những chỉ số mà họ có thể sử dụng để xếp hạng các quốc gia theo chất lượng của sự đối xử mà họ có thể kỳ vọng. Chỉ số này chắc chắn sẽ rất hữu ích với những làn sóng y tá xuất ngoại tiếp theo từ Ấn Độ và Indonesia, những quốc gia có dân số nữ đông hơn nhiều và trẻ bằng Philippines.

Theo dõi sự di chuyển của người giúp việc trên khắp thế giới sẽ cho thấy mức độ hiệu quả của người di cư (như những thương nhân của thế giới cổ đại) trong việc chia sẻ thông tin tình báo ngang hàng. Một khi đã cắm dùi ở một nơi nào đó, sự hiện diện của họ sẽ dẫn đường cho những người khác cũng đang tìm kiếm những nơi đáng đến. Cho dù ở Nhật Bản, Australia, Ả Rập Saudi hay Canada, không có người lao động chuyên nghiệp nào thể hiện chính xác hình ảnh người lao động lượng tử của hôm nay và ngày mai hơn người giúp việc châu Á.

Parag Khanna/ NXB Trẻ