Một quốc gia từng giàu ngang Dubai nay đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ, dân lái Mercedes đi xin ăn

Quốc gia này hiện đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hành tinh trong vòng 150 năm trở lại đây.

Cách đây gần 60 năm, Liban đã là một đất nước phồn thịnh, trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực, trạm trung chuyển và sân chơi của giới giàu có Ả Rập lẫn phương Tây.

Nhưng thời hoàng kim ấy đã lùi xa khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy cuộc sống của người dân Liban ngày một tồi tệ. Những hộ gia đình tại đây đang lâm vào bước đường cùng khi mà giá trị đồng nội tệ của Liban lao dốc không phanh trong khi giá của gần như mọi loại hàng hóa đều tăng vọt.

liban 1

Quốc gia Địa Trung Hải hiện đang vật lộn với cái mà Ngân hàng Thế giới (WB) gọi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hành tinh trong vòng 150 năm. Đồng pound Liban đã mất 90% giá trị so với đồng đô-la Mỹ ngoài chợ đen kể từ năm 2019. Trong khi đó, nợ công của Liban trong năm 2021 đã tăng lên hơn 100 tỷ USD.

Sau khi chạm ngưỡng 155% vào năm 2021, lạm phát ở Liban đã vọt lên 171,2% vào năm 2022, mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Được biết, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Liban đã vào khoảng 190% trong tháng 2/2023.

Cước viễn thông tại Liban trong tháng 2/2023 đã tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong khi chi phí y tế tăng hơn 4 lần. Giá quần áo, giày dép và dịch vụ nhà hàng, khách sạn tăng hơn 3 lần. Giá lương thực và đồ uống không cồn tăng hơn 3 lần, trong khi chi phí vận tải tăng ở mức tương tự.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Liban đã suy giảm khoảng 58% trong giai đoạn năm 2019 - 2021, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thu hẹp còn 21,8 tỷ USD vào năm 2021, từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong 193 quốc gia.

Trong khi đó, IMF cho hay nguồn thu từ thuế của Liban trong giai đoạn 2019 - 2021 đã giảm hơn một nửa khi nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua. IMF ước tính việc xác định không đúng trị giá hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu đã khiến Liban thất thoát nguồn thu tương đương 4,8% GDP trong năm 2022.

Người dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn

Tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, siêu lạm phát kỷ lục, đồng nội tệ trượt dốc cùng tình trạng mất an ninh thực phẩm đã khiến hơn nửa số người ở Liban sống dưới mức đói nghèo.

"Chúng tôi không có điện, không có nước, giá cả thì cao chót vót. Kể cả khi có ai đó từ nước ngoài gửi tiền về thì cũng không đủ xài. Ở đây có quá nhiều cuộc khủng hoảng", một người dân Liban nói.

Khắp mọi nơi tại quốc gia này đều chứng kiến tình cảnh thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Ngoại trừ những người thực sự giàu có, hầu hết người dân Liban đã phải bỏ thịt ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày, xếp hàng dài để đổ đầy xăng cho xe của họ và chịu cảnh nóng bức giữa mùa hè bởi vì cảnh mất điện diễn ra thường xuyên.

liban 1

Vì mạng lưới điện quốc gia thiếu điện trầm trọng, người dân phải quay sang phụ thuộc vào những máy phát điện chạy bằng dầu diesel do tư nhân vận hành. Tuy nhiên, khi tình trạng giá xăng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ như hiện nay, thời gian cắt điện mỗi ngày có khi lên tới 23 tiếng. Điện chỉ đủ dùng cho các dịch vụ y tế, các ngành kinh doanh thiết yếu và trở thành điều xa xỉ đối với các hộ gia đình.

Trên khắp Liban, tình trạng thiếu nhiên liệu dẫn đến cảnh người dân xếp hàng dài tại các cây xăng, chờ tới vài giờ để mua được vài lít xăng hoặc thậm chí là không mua được nếu hết hàng.

liban 1

liban 1

Chính phủ Liban có chính sách trợ giá thuốc men nhập khẩu, nhưng cuộc khủng hoảng khiến hệ thống căng cứng. Tại 1 hiệu thuốc ở Tripoli, người dân xếp hàng kín từ vỉa hè đến quầy thu ngân, lo lắng không biết liệu có thể mua được những loại thuốc dù thông dụng nhưng giờ đã trở nên khan hiếm như thuốc giảm đau và thuốc điều trị bệnh huyết áp.

liban 1

Nhà báo Ruth Sherlock của NPR thường trú tại Liban cho biết cô bắt gặp cả những người lái xe sang đi xin thực phẩm để sống qua ngày. "Gần đây, tôi có tới một khu vực vốn của tầng lớp khá giả và ghé vào một buổi từ thiện hỗ trợ thực phẩm của nhà thờ. Trong hàng dài người đợi nhận thực phẩm, có những người tới bằng Mercedes, BMW, tất cả đều chờ nhận gạo và dầu ăn miễn phí. Tất nhiên với người nghèo thì còn tệ hơn rất nhiều".

liban 1

"Khi đồng tiền bị mất giá, thông thường người ta sẽ tìm tới những khoản tiết kiệm bằng đồng đô-la Mỹ mà họ gửi vào nhà băng. Tuy nhiên, nhiều người không thể tiếp cận được tài sản của mình bởi chỉ qua 1 đêm, ngân hàng Liban đã đóng băng tất cả các tài khoản đồng đô-la Mỹ để ngăn bị tháo vốn tiền gửi".

Người gửi tiền bị chặn, không thể rút được những đồng đô-la Mỹ ra khỏi tài khoản của mình hoặc nhận được câu trả lời rằng các nguồn quỹ họ có thể tiếp cận đều đã cạn kiệt.

"Cuộc khủng hoảng không chỉ tác động đến dân thường mà cả quân đội. Chính phủ nói họ chẳng còn chút tiền nào. Thế nên, cái mà bạn thấy là sự sụp đổ hạ tầng. Quân đội Liban giờ cũng phải dựa vào viện trợ nước ngoài để nuôi quân. Thậm chí, họ phải mở dịch vụ du lịch bằng trực thăng để kiếm thêm những đồng đô-la Mỹ từ du khách", Sherlock cho hay.

Từ ‘Thụy Sĩ của Trung Đông’ đến bờ vực sụp đổ

Tình trạng sụp đổ tài chính của Liban kể từ năm 2019 là câu chuyện về sự trượt ngã trên con đường tái thiết của một quốc gia từng có thời được mệnh danh là ‘Thụy Sĩ của Trung Đông’.

Trung tâm thủ đô Beirut, vốn bị san bằng trong nội chiến, mọc lên những tòa nhà chọc trời do các kiến trúc sư quốc tế xây dựng và những trung tâm mua sắm sang chảnh với đầy những nhãn hiệu thiết kế chỉ nhận thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ.

Đáng buồn thay, giờ đây Liban gần như không còn gì để khoe ngoài núi nợ khổng lồ. Tài sản của ngân hàng trung ương không đáng kể so với số nợ mà nước này đang gánh. Phí chi trả nợ của Liban đã lên tới 1/3 ngân sách.

Dòng chảy ngoại tệ cạn kiệt và đồng đô-la Mỹ rời bỏ Liban. Ngân hàng không còn đủ đô-la Mỹ để trả nên các chủ nợ quyết định khép hầu bao. Đồng tiền mất giá trầm trọng, trượt từ 1.500 pound đổi 1 đô-la xuống mức 15.000 pound đổi 1 đô-la.

liban 1

Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính khiến hơn 50% trong số gần 7 triệu dân của Lebanon rơi xuống dưới mức nghèo. Hơn 1,5 triệu người ở mức rất nghèo.

Mặc dù tình hình nghiêm trọng đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức và quyết đoán, tiến độ thực hiện gói cải cách kinh tế toàn diện ở Liban vẫn còn hạn chế.

IMF cho hay Chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng Trung ương Liban phải cùng nhanh chóng nhau hành động để giải quyết những yếu kém về thể chế và cấu trúc nhằm ổn định nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh và bền vững".

Theo Người Quan Sát