Có phải châu Âu đang ''tự bắn thẳng vào phổi''?

Thủ tướng Hungary Orban nói EU "tự bắn vào phổi" khi áp các lệnh trừng phạt với Nga, có thể dẫn tới nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.

"Ban đầu, tôi nghĩ chúng ta chỉ tự bắn vào chân mình, nhưng bây giờ rõ ràng là nền kinh tế châu Âu tự bắn vào phổi mình và đang phải thở gấp", Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 15/7, nhắc tới loạt lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga.

Thủ tướng Hungary nói Ukraine cần giúp đỡ, song các lãnh đạo châu Âu nên xem xét lại chiến lược của mình, vì các lệnh trừng phạt chỉ gây ra thiệt hại diện rộng cho kinh tế châu Âu mà không khiến Nga suy yếu. Ông cũng cho rằng các lệnh trừng phạt Nga không khiến cuộc xung đột đã kéo dài nhiều tháng tìm được giải pháp.

"Nếu cứ tiếp tục như vậy, các lệnh trừng phạt sẽ giết chết nền kinh tế châu Âu. Những điều chúng ta đang nhìn thấy bây giờ là không thể chịu đựng được", ông Orban nói, kêu gọi các lãnh đạo EU thay đổi chính sách trừng phạt.

chau au dang ban tu vao phoi
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Madrid, Tây Ban Nha, hôm 30/6. Ảnh: AFP.

Hơn 4 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã giảm nhẹ tác động của loạt lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào nước này. Dù lượng dầu xuất khẩu đến châu Âu giảm mạnh, giá bán cao cho các khách hàng khác vẫn giúp Moskva thu về hàng triệu USD mỗi ngày.

Hôm 14/7, Ủy ban châu Âu điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay của khu vực đồng euro xuống 2,6%, thấp hơn mức 2,7% họ đưa ra vào tháng 5. Dự báo tăng trưởng của năm 2023 được điều chỉnh thành 1,4%, thay vì mức 2,3% được ước tính trước đó.

Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Hungary là nước EU đầu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga sản xuất, dù cơ quan quản lý châu Âu chưa phê duyệt vaccine này. Tổng thống Putin đã chúc mừng Thủ tướng Orban khi ông tái đắc cử hồi tháng 4, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Hungary.

Hungary phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và năm ngoái ký thỏa thuận 15 năm với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom để mua khí đốt tự nhiên. Hungary nhận khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga.

Hungary tuần này ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm đối phó gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu. Quốc gia này sẽ tăng năng lực sản xuất năng lượng trong nước, cấm xuất khẩu năng lượng và tăng thời gian làm việc của nhà máy điện hạt nhân duy nhất.

EU đã áp đặt 6 gói trừng phạt nhằm vào Moskva, loại phần lớn ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu Nga. Khối này đang chuẩn bị cho vòng trừng phạt mới, trong đó có thể nhắm vào vàng Nga.

Tuy nhiên, một số quan chức EU nhận định các tỷ phú Nga vẫn có thể sống tốt mà không cần du thuyền hay tài sản ở phương Tây, trong khi việc kiểm soát xuất khẩu hàng hóa Nga có thể làm lợi cho Trung Quốc hay các nước khác.

VnExpress (theo Reuters)