Nổ súng nhằm vào xe buýt tại Rwanda, 2 người thiệt mạng

Cảnh sát Rwanda cho biết ngày 18/6, đã có 2 người thiệt mạng và 6 người bị thương khi các tay súng nghi là phiến quân nổ súng từ biên giới Burundi nhằm vào một xe buýt tại Tây Nam Rwanda.

Theo Cảnh sát quốc gia Rwanda, vụ tấn công do Mặt trận Giải phóng quốc gia (FLN), nhánh vũ trang của Phong trào Thay đổi Dân chủ (MRCD) chống chính phủ, thực hiện. Các tay súng bị nghi là tàn dư của FLN hoạt động qua biên giới.

Vụ việc xảy ra trên đường Nyambage-Rusizi ở rừng Nyungwe, khiến lái xe và một hành khách thiệt mạng. Cảnh sát đang nỗ lực truy tìm các thủ phạm.

Chính phủ Rwanda cho biết FLN đã tiến hành các vụ tấn công từ khu vực rừng Nyungwe gần biên giới Burundi vào năm 2018. Vào tháng 4, Chính phủ Rwanda đã giữ nguyên mức án 25 năm tù đối với Paul Rusesabagina do mối liên hệ với MRCD. Trước đó, đối tượng đã bị kết án với 8 tội danh khủng bố vào tháng 9/2021.

phien quan rwanda

Bài liên quan: Pháp nhận trách nhiệm trong thảm họa diệt chủng tại Rwanda

Ngày 27/5/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận vai trò của nước này trong vụ thảm sát người sắc tộc Tutsi tại Rwanda năm 1994, bao gồm việc ủng hộ chế độ diệt chủng và phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm sát.

Phát biểu khi tới thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Kigali ở Rwanda, Tổng thống Macron nói: “Đứng đây ngày hôm nay, với sự khiêm tốn và lòng tôn trọng, tôi thừa nhận chúng tôi (Pháp) có trách nhiệm”. Ông Macron nhận trách nhiệm của Pháp vì đã gây đau khổ cho người dân Rwanda khi phải rất lâu sau mới mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vai trò của Pháp. Theo ông, chỉ có người dân Rwanda mới có thể tha thứ cho Pháp vì vai trò của nước này trong nạn diệt chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định nước này “không phải đồng phạm” trong nạn diêt chủng tại Rwanda. 

Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp thăm Rwanda trong 11 năm qua.

Vụ diệt chủng xảy ra giữa hai sắc tộc Tutsi và Hutu từ tháng 4-7/1994, tại tỉnh Gikongoro, Rwanda. Chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi ôn hòa và một số ít người Hutu bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau này, Liên hợp quốc chọn ngày 7/4 hằng năm là "Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng ở Rwanda".

Năm 2019, đúng 25 năm sau vụ thảm sát, Tổng thống Macron đã chỉ thị thành lập một ủy ban điều tra nhằm làm sáng tỏ vai trò của Pháp trong vụ này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh người dân Rwanda liên tục cáo buộc Pháp hỗ trợ các lực lượng của người sắc tộc Hutu gây ra vụ thảm sát trên.

Theo TTXVN