Nga khóa van vô thời hạn: Đường ống khí đốt Yamal-Europe dừng chảy sang châu Âu

nga khoa van khi dot

Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế.

Hãng tin RT (Nga) ngày 5/3 (theo giờ địa phương) thông báo: "Đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn".

Theo hãng tin Nga, Moscow đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp có thể khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

"Vật giá ở một số quốc gia châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga", RT nhấn mạnh thêm.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nga đóng van khí đốt, châu Âu, đặc biệt là Đức sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi từng cảnh báo, "Nga chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Không có quốc gia riêng rẽ nào có thể thay thế Nga làm được điều này".

Theo ông al-Kaabi, sản lượng khí đốt của các nguồn cung, bao gồm Qatar hầu như gắn liền với các hợp đồng dài hạn của các đối tác châu Á nên rất khó để chuyển hướng khối lượng khổng lồ này sang châu Âu trong chốc lát.

Tuy nhiên, tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung chỉ ra rằng ngay cả khi Nga quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây thì Đức vẫn có đủ trữ lượng khí đốt cho đến cuối mùa đông này.

Trong năm qua, 10% sản lượng điện của Đức được tạo ra từ khí đốt tự nhiên, trong khi 88,4% lượng khí đốt được nhập khẩu và gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Nga.

Khí đốt tự nhiên vẫn là một giải pháp quan trọng

Sản xuất điện bằng khí đốt vẫn là một giải pháp quan trọng trong thời kỳ quá độ khi các công ty lớn của Đức tìm cách phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo. Bất chấp tầm quan trọng của dự án này, các nhà hoạch định chính sách của Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng của Nga.

Không giống như các nước láng giềng khác, ngay từ đầu Đức không có kho chứa khí thiên nhiên được hóa lỏng LNG. Sau nhiều năm trì hoãn dự án, có vẻ như một kho chứa cho mục đích này sẽ được xây dựng ở bang Lower Saxony, miền bắc nước Đức.

Tuy nhiên, quá trình phê duyệt dự án sẽ mất ít nhất một năm hoặc một năm rưỡi, đó là lý do tại sao các nhà cung cấp năng lượng của Đức sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các kho chứa đặt tại các nước láng giềng như một giải pháp trung hạn.

Tờ Süddeutsche Zeitung cảnh báo, khí đốt của Nga là một vũ khí nguy hiểm và sự phụ thuộc của Đức vào nguồn nguyên liệu thô của Nga có thể khiến nước này phải trả giá rất lớn. Đồng thời, tờ này cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho châu Âu, lục địa này cần tìm các lựa chọn thay thế, ngay cả khi chúng có giá cao hơn.

nga khoa van khi dot
Đức đã quyết định sẽ xây dựng hai thiết bị đầu cuối LNG nhưng các nhà phê bình cho rằng đó là khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nên không bền vững. Ảnh: Tass

Mỹ nỗ lực để lấp đầy sự thiếu hụt

Hiện tại, rất khó để tìm ra các giải pháp thay thế cho việc vận chuyển khí đốt từ bên trong châu Âu, vì Na Uy đã đạt công suất tối đa từ rất lâu trước cuộc khủng hoảng và Hà Lan muốn ngừng sản xuất sau trận động đất ở Groningen.

Süddeutsche Zeitung cho biết, trong bối cảnh này, Mỹ đã nỗ lực việc lấp đầy sự thiếu hụt nguyên liệu của các đồng minh trong mùa đông này, phần lớn là nhờ sản lượng dầu khí đá phiến tăng lên. Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất, điều này cho phép các nước phương Tây tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.

Vào cuối tháng 2, châu Âu là điểm đến số 1 cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ trong tháng thứ ba liên tiếp. Vào tháng 1, 3/4 tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Mỹ đã vượt Đại Tây Dương sang châu Âu, gấp đôi lượng cung cấp trong cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhiều nhà lập pháp Mỹ hiện đang thúc đẩy cắt giảm xuất khẩu để hạn chế tăng giá tại thị trường nội địa Mỹ.

Đây là một trong những lý do tại sao Tổng thống Joe Biden đã chào đón nồng nhiệt Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đến Nhà Trắng hồi tháng 1 vừa qua, thậm chí tuyên bố Qatar là một đồng minh lớn của Mỹ ngoài NATO. Quốc gia Trung Đông này dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng khí đốt để trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của EU.

Nhưng không rõ liệu điều này có sớm xảy ra hay không. Ông George Zuckerman thuộc tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel cho biết, châu Âu vẫn chưa phải là thị trường ổn định cho LNG, chẳng hạn như Đức có kế hoạch sản xuất 80% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Mặt khác, Qatar cũng giống như Mỹ, coi trọng các giao dịch dài hạn hơn là chỉ đóng vai trò tạm thời trong việc lấp đầy khoảng trống. Lý do là bởi chi phí đầu tư vào sản xuất và chuyển đổi LNG khá cao.

Việc sản xuất LNG đòi hỏi phải làm lạnh khí đến -162 độ cho đến khi thể tích thành phẩm so với thể tích ban đầu đạt tỷ lệ 1:600, đây cũng là điều kiện tiên quyết để lưu trữ và vận chuyển trong các thùng chứa đặc biệt.

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng

Báo Đức cho biết, vào đầu năm 2022, một số điểm đến xuất khẩu LNG cũng đã được chuyển hướng từ Đông Á sang Châu Âu khi Tổng thống Biden cố gắng thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản chấp nhận vấn đề này. Vấn đề chính là Qatar đã thảo luận về sản lượng và ký kết hợp đồng mua bán với nhiều nước, bao gồm Trung Quốc.

Tuần trước, Đại sứ Qatar tại Đức tuyên bố Qatar sẵn sàng giúp nước này đa dạng hóa các nguồn năng lượng và ông hoan nghênh các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Berlin và Doha.

Tại một hội nghị thượng đỉnh của các nhà sản xuất khí đốt vào tuần trước tại thủ đô Doha, Quốc vương Qatar thông báo sẽ nâng sản lượng khai thác từ 77 triệu tấn hiện tại lên 126 triệu tấn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng, châu Âu không nên quá kỳ vọng về việc dựa vào Qatar như một giải pháp quá độ.

"Nga chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu . Không có quốc gia riêng rẽ nào có thể thay thế Nga làm được điều này", ông al-Kaabi nói rằng, sản lượng LNG của Qatar hầu như gắn liền với các hợp đồng dài hạn của các đối tác châu Á nên rất khó để chuyển hướng khối lượng khổng lồ này sang châu Âu trong chốc lát.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị