VN ngưng các chuyến bay giải cứu cho tới hết Tết

Việt Nam sẽ hạn chế tối đa các chuyến bay đưa công dân về nước từ nay cho tới khi kết thúc dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, vào giữa tháng Hai tới, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Với các biến chủng virus mới đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu, sẽ chỉ có các chuyến bay thực sự cần thiết được các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và Giao thông Vận tải đồng ý mới được phép báo cáo thủ tướng để xin cấp phép nhập cảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tuy nhiên, sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, năm nay diễn ra từ ngày 10-16/2, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước, Thủ tướng Phúc nói thêm.

Việt Nam đã ngưng tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay, nhưng chính phủ có các chuyến bay giải cứu để đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian đại dịch.

Một số chuyến bay đưa các chuyên gia và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được phép vào Việt Nam. Tất cả những người nhập cảnh đều phải cách ly 14 ngày.

Hôm thứ Ba, Việt Nam tuyên bố tạm ngừng tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay từ các nước được xác định là có những biến chủng mới virus corona, bước đầu là Anh Quốc và Nam Phi.

cam bay het tet 1

Nguy cơ virus 'nhập cảnh lậu'

Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn lây virus corona qua các ngả khác, không phải là đường hàng không, thì phức tạp hơn nhiều.

Lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... trong thời gian qua trở về rất đông, trong đó có nhiều trường hợp là nhập cảnh trái phép bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường biển.

Cạnh đó, cũng có trường hợp người nước ngoài tìm cách vào Việt Nam bất hợp pháp theo những cách tương tự.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hồi cuối tháng 12/2020 cảnh báo rằng cuối năm là thời điểm nguy cơ xâm nhập của Covid-19 rất cao.

"Hiện nay, hàng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới," ông Bộ trưởng được dẫn lời nói hôm 23/12.

Những người nhập cư trái phép được xem là mối đe dọa có thể làm "đổ sông đổ bể" hết những nỗ lực chống dịch của đất nước.

Giới chức liên tục kêu gọi chấm dứt tình trạng nhập cảnh trái phép, và nay nói các trường hợp có hoàn cảnh thực sự khó khăn sẽ được nhà nước xem xét, hỗ trợ chi phí cách ly.

Hiệu quả

Trong cuộc họp báo hôm 8/1/2021, Helge Berger, trợ lý giám đốc phụ trách vùng Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nêu Việt Nam như một ví dụ tốt trong việc phòng chống Covid-19.

Ông nói rằng Việt Nam "đã cho thấy là vẫn có cách để đối phó đại dịch ngay cả khi chưa có vaccine, và điều đó cho phép kinh tế trở lại hoạt động ít nhất là ở mức gần với tình trạng bình thường".

Ông nêu ra những biện pháp mà nhờ đó Việt Nam đã chống đỡ tốt hơn nhiều so với những nước khác, trong đó có việc cách ly nghiêm ngặt và truy dấu vết được áp dụng triệt để cho tới khi các vụ bùng phát được dập hẳn.

Tuy nhiên, quan chức của IMF nhấn mạnh rằng "vaccine rốt cuộc vẫn là thứ mà chúng ta cần có để đảm bảo cho toàn bộ các nền kinh tế cũng như kinh tế toàn cầu trở lại hoạt động bình thường, được định nghĩa như là sự bình thường trước thời đại dịch".

Hành trình vaccine

Việc phát triển vaccine nội địa của Việt Nam đang được tăng tốc.

Việc thử nghiệm vaccine Covid 19 giai đoạn đầu tiên ở người đối với sản phẩm do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) từ tỉnh Khánh Hòa phát triển sẽ được bắt đầu từ 21/1, sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.

Covivac sẽ là loại vaccine thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm.

cam bay het tet 1
Vaccine Nanocovax bắt đầu được thử nghiệm trên người, giai đoạn 1, từ 17/12

Trước đó, vaccine có tên Nanocovax của Công ty cổ phần dược phẩm Nanogen đã được thử nghiệm trên người giai đoạn 1, từ 17/12/2020.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến, thì Covivac được trông đợi là "sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021", ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC được truyền thông trong nước dẫn lời.

Việt Nam còn hai loại vaccine nữa đang được phát triển, của Công ty Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech), và của Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac).

Việt Nam hiện đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine Oxford-Zeneca của Anh. Được biết việc giao nhận sẽ diễn ra theo từng đợt trong cả bốn quý năm nay.

Cho đến nay, Việt Nam có tổng số 1.513 ca nhiễm virus corona, với 35 ca tử vong. Hiện cả nước đã trải qua 38 ngày không có ca lây nhiễm trong nước nào.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt