Hơn 17,7 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu, cuộc đua hợp đồng vaccine, EU tìm cách kết nối 27 thành viên truy vết virus

Tính đến 6h ngày 1/8, theo thống kê của trang Worldometers, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 17.724.947 ca nhiễm và 681.847 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 291.536và 6.669 ca sau 24 giờ, trong khi 11.141.345 người đã bình phục.

cap nhat 7h ngay 18 hon 177 trieu nguoi nhiem covid 19 toan cau eu tim cach ket noi truy vet virus cuoc dua hop dong vaccine

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.697.933 ca nhiễm và 156.612 người chết, tăng lần lượt 71.293 và 1.625 ca so với một ngày trước đó. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.

Tại vùng dịch lớn thứ hai thế giới - Brazil, số ca tử vong đã tăng lên 92.475 sau khi ghi nhận thêm 1.098 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 48.696 trong 24 giờ qua, lên 2.662.485. Ngày 30/7, bà Michelle Bolsonaro, phu nhân Tổng thống Brazil Bolsonaro, được xác định nhiễm Covid-19, chỉ vài ngày sau khi chồng bà thông báo khỏi bệnh sau gần ba tuần cách ly.

Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7, du khách từ mọi quốc gia có thể đến Brazil, miễn là họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, vừa báo cáo thêm 57.430 ca nhiễm và 765 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.696.780 và 36.551, phần lớn ca nhiễm tập trung tại Mumbai và New Delhi. Ấn Độ đã vượt Italy, thành vùng dịch có số người chết cao thứ năm thế giới.

Ấn Độ ngày 31/7 đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay chở khách thương mại quốc tế đến hết ngày 31/8, trước tình hình gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên cả nước.Quy định của Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) không áp dụng đối với các chuyến bay đặc biệt được phê duyệt bởi cơ quan chức năng và các chuyến bay chở hàng. Quyết định cấm bay thương mại hiện nay của Ấn Độ được áp dụng từ ngày 23/3 và có hiệu lực đến hết ngày 31/7, sau nhiều lần gia hạn.

Để từng bước cho phép hành khách đi lại trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ Ấn Độ đã ký các thỏa thuận thiết lập các hành lang di chuyển song phương với một số nước như Mỹ, Pháp và Đức.

Tình hình dịch bệnh tại Nga - vùng dịch lớn thứ tư thế giới dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần. Nga báo cáo thêm 161 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.963. Số ca nhiễm tăng thêm 5.482, lên 839.981.

Nga lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Vùng dịch lớn thứ năm thế giới là Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại châu Phi với 493.183 ca nhiễm và 8.005 ca tử vong, tăng lần lượt 11.014 và 193 ca. Giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, đồng thời bày tỏ lo ngại bởi hệ thống y tế yếu kém của các quốc gia tại đây, cũng như nguồn lực kinh tế hạn hẹp.

Nam Phi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi tháng 3, bao gồm đóng cửa trường học, nhà máy, các cửa hàng không thiết yếu và cấm bán rượu, thuốc lá. Các hạn chế được dỡ bỏ hồi tháng 6, nhưng một số đã được khôi phục trong tháng này, như tái đóng cửa trường học và cấm bán rượu.

Tại châu ÂuAnh vẫn là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất. Nước này có thêm 880 ca mắc và 120 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 303.181 và tổng số ca tử vong là 46.119. Tây Ban Nha ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 335.602 trong đó có 28.445 ca tử vong do Covid-19.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 108.376 ca nhiễm, tăng 2.040 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.131 người chết, tăng 73 ca. Vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực là Philippines ghi nhận 93.354 người nhiễm và 2.023 người chết, tăng lần lượt 4.063 và 73 trường hợp trong 24 giờ. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 52.205 người nhiễm, tăng 396 ca, trong đó 27 người chết.

Iran là ổ dịch lớn nhất Trung Đông, tổng số ca mắc covid-19 hiện tại là 304.204 sau khi ghi nhận thêm 2.674 trường hợp. Số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 16.766 trường hợp. Bộ Y tế Iran cho biết, số ca tử vong đã tăng vọt kể từ cuối tháng 6 vừa qua.

Ngày 31/7, các quan chức châu Âu cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã giao nhiệm vụ cho gã khổng lồ phần mềm SAP của Đức phát triển một công cụ cho phép liên kết ít nhất 18 ứng dụng truy vết virus SARS-CoV-2 của các nước thành viên để chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới EU.

EU đang cố gắng đóng vai trò phối hợp giữa 27 nước thành viên trong nghiên cứu các phương cách truy vết những người bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và kiểm soát tốt hơn làn sóng dịch bệnh mới. Nhưng nhiều quốc gia thành viên đã đi trước với các ứng dụng di động theo dõi liên lạc của riêng họ và không hoàn toàn tương thích với nhau, điều này cản trở nỗ lực theo dõi sự lây lan của dịch bệnh trên quy mô toàn EU.

Một phát ngôn viên của EC nói rằng, SAP và Deutsche Telekom sẽ kết nối một giao thức mạng trong vòng 3 đến 4 tuần tới để cho phép các ứng dụng dựa trên cấu trúc phi tập trung giao tiếp với nhau. Một số quốc gia như Pháp và Hungary đã xây dựng một kho dữ liệu tập trung sẽ không thể tham gia vào dự án này, nhưng các ứng dụng được sử dụng ở 18 thành viên khác của EU, trong đó có Đức, Ba Lan và Italy sẽ được kết nối với nhau. 

SAP đã làm việc với Deutsche Telekom để xây dựng ứng dụng cảnh báo virus SARS-CoV-2 của Đức, được đánh giá cao và đã được tải tới hơn 16 triệu lần. Ứng dụng của Đức sử dụng mô hình lưu trữ dữ liệu phi tập trung được hỗ trợ bởi Apple và Google, trong khi ứng dụng StopCovid của Pháp có một máy chủ trung tâm và chỉ gần 2,5 triệu người dùng Pháp đã tải ứng dụng này.

Ngày 31/7, các tập đoàn dược phẩm Sanofi và GSK thông báo sẽ nhận tới 2,1 tỷ USD từ chính phủ Mỹ để tiến hành phát triển vaccine phòng Covid-19. 

Thông báo cho biết: "Số tiền đầu tư của Mỹ sẽ giúp gây quỹ cho các hoạt động nghiên cứu và bảo đảm năng lực sản xuất diện rộng của Sanofi và GSK tại Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư lên tới 2,1 tỷ USD cho cả quá trình, bao gồm cả giai đoạn thử nghiệm, cũng như sản xuất trên diện rộng và vận chuyển ban đầu 100 triệu liều vaccine. Chính phủ Mỹ cũng có lựa chọn khác về việc cung cấp thêm 500 triệu liều trong dài hạn". 

Hồi tháng Tư vừa qua, tập đoàn Sanofi của Pháp và tập đoàn GSK của Anh thông báo sẽ chung tay nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, với hy vọng có thể đưa vào sản xuất trong nửa cuối năm 2021. Hiện quá trình thử nghiệm của hai hãng này sẽ bắt đầu vào tháng 9, trong khi giai đoạn 3 nghiên cứu vaccine sẽ được triển khai vào cuối năm nay.

* Trong khi đó, ngày 31/7, EC thông báo họ đã hoàn tất các cuộc đàm phán với nhà sản xuất dược phẩm Sanofi của Pháp nhằm bảo đảm cung cấp vaccine ngừa bệnh Covid-19 cho 27 quốc gia thành viên.

Thông cáo của EC cho biết, hợp đồng dự kiến với Sanofi sẽ đưa ra một sự lựa chọn cho tất cả các quốc gia thành viên EU trong việc mua vaccine. Dự tính rằng, một khi có vaccine được khẳng định là an toàn và hiệu quả trong việc ngừa Covid-19, ủy ban sẽ xây dựng một khung hợp đồng để mua 300 triệu liều. Sanofi đang tham gia vào hai dự án vaccine, trong đó có một dự án hợp tác với GlaxoSmithKline.

Ngày 31/7, Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) đã cho phép thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine GRAd-CoV2 phòng dịch Covid-19 nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng tạo phản ứng miễn dịch trên người.

Báo Corriere della Sera của Italy cho biết, sau đánh giá tích cực của Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) và Viện Truyền nhiễm quốc gia Spallanzani, AIFA đã cho phép thử nghiệm vaccine GRAd-CoV2, do Italy nghiên cứu và sản xuất, trên 90 tình nguyện viên khỏe mạnh trong 2 độ tuổi: từ 18-55 tuổi và 65-85 tuổi. 

Quá trình thử nghiệm sẽ được thực hiện tại Viện Spallanzani ở Thủ đô Rome và Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Verona. Thử nghiệm sẽ bắt đầu với nhóm tình nguyện độ tuổi 18-55 để xác định độ an toàn và không gây tác dụng phụ. Nhóm cao tuổi sẽ được thử nghiệm khi có kết quả tích cực từ nhóm 18-55 tuổi. GRAd-CoV2, vaccine phòng Covid-19 do công ty công nghệ sinh học ReiTherra của Italy sản xuất, dựa trên vector Adenovirus được phát triển bởi Đại học Oxford. AIFA khẳng định vaccine GRAd-CoV2 đã được chứng minh đủ an toàn và miễn dịch trong các thử nghiệm trên động vật.