Tranh tuyên truyền chống COVID-19 của VN lên báo Guardian

Ngày 9-4, tờ Guardian của Anh đã đưa các bức tranh và áp cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đến với thế giới.

0 tranh tuyen truyen 1
Bộ tem ''Chung tay phòng chống Dịch COVID-19'' - Ảnh: Bộ TTTT

Guardian đã liên lạc với nhiều họa sĩ Việt Nam là tác giả của những tranh ảnh cổ động này, trong đó có họa sĩ Lê Đức Hiệp.

"Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để ngăn COVID-19, tôi lướt khắp các trang mạng xã hội và thấy nhiều người vẫn tụ tập và đi cà phê, nhà hàng... điều đó làm tôi bận tâm.

Tôi muốn sáng tạo thứ gì đó có khả năng lan tỏa, cảnh báo và truyền cảm hứng cho người dân làm điều đúng đắn", Guardian trích lời của họa sĩ trên.

Bức áp phích của Đức Hiệp vẽ một một nhân viên y tế nắm tay vươn cao cùng một người lính trẻ, cả 2 cùng đeo khẩu trang. Khẩu hiệu của bức ápphích đề "Ở nhà là yêu nước".

0 tranh tuyen truyen 1
Tranh của họa sĩ Lê Đức Hiệp - Ảnh: GUARDIAN

Đức Hiệp giải thích anh chọn cách vẽ áp phích tuyên truyền nhằm tạo cảm giác thân thuộc cho người dân Việt Nam và đây là phong cách luôn "khơi dậy tình yêu nước".

Guardian ghi nhận Đức Hiệp không phải họa sĩ Việt Nam duy nhất được truyền cảm hứng từ cách vẽ áp phích tuyên truyền trong đợt dịch COVID-19.

Họa sĩ Phạm Trung Hà đã phối hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Chung tay phòng chống dịch COVID-19".

Họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, người đang chống chọi với căn bệnh ung thư, cũng xuất hiện trên bài báo của Guardian. Ông đã góp cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam hai thiết kế cổ động chống dịch.

"Vẽ áp phích tuyên truyền vốn là sở thích của tôi từ những năm 1960 và 1970, thời Việt Nam tập trung vào việc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thời đấy, bạn có thể thấy những bức tuyên truyền lớn trên khắp đất nước tôi", ông trả lời Guardian.

0 tranh tuyen truyen 1
Tranh của họa sĩ Lưu Yên Thế - Ảnh: GUARDIAN

Tờ báo Anh nhận định những thông điệp trên, cùng với hành động tức thời và sớm truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh đã giúp Việt Nam tránh thảm cảnh mà châu Âu đang phải chịu đựng, với hàng ngàn ca mới được ghi nhận mỗi ngày.

"Tại những quốc gia không có khả năng xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm thường cao hơn số liệu chính thức ghi nhận được. Nhưng sau 88.000 xét nghiệm, tại Việt Nam chỉ có 245 người bị xác nhận nhiễm COVID-19 và chưa có ca tử vong.

Việt Nam đã tập trung cách ly bất cứ ai có liên hệ với ca mắc COVID-19, đặc biệt là những người đến hoặc về nước. Việt Nam đã cách ly hơn 67.000 người", Guardian ghi nhận.

Các họa sĩ Việt Nam cũng nói với Guardian rằng trong những thời điểm như thế này, nghệ thuật là cách duy nhất để chúng ta cùng kết nối với nhau.

Theo Tuổi Trẻ