3 nước châu Âu có số người tử vong vì corona cao nhất toàn cầu

Italy trở thành nước thứ hai trên thế giới vượt qua cột mốc 100.000 ca mắc Covid-19, sau Mỹ. Gần 12.500 người chết ở Italy.

Hai quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Âu là Italy và Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận các cột mốc mới khi Italy có số ca mắc bệnh vượt quá 100.000 còn Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới.

0 italy dat dinh
Nhân viên một công ty môi trường khử trùng quảng trường Duomo tại Milan, Italy hôm 31/3. Ảnh: AFP.

Trong ngày 30/3, Italy ghi nhận thêm 4.050 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 101.739 ca từ khi dịch bùng phát. Với mức tăng này, Italy trở thành nước thứ hai trên thế giới vượt qua cột mốc 100.000 ca, sau Mỹ.

Tuy vậy, thông tin rất tích cực là số ca nhiễm mới trong ngày 30/3 tại Italy là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17/3 và khẳng định đà suy giảm ngày càng rõ hơn của dịch Covid-19 tại nước này. Tại vùng tâm dịch Lombardy, không chỉ số ca nhiễm mới giảm mà số ca cần phải điều trị tăng cường cũng chỉ ở mức 1/2 so với cách đây 2 tuần.

Theo Chủ tịch Hội đồng Y học cấp cao Italy, ông Franco Locatelli, đây là các chỉ số quan trọng nhất cho thấy sức ép đối với các bệnh viện tại miền Bắc Italy bắt đầu giảm. Cộng thêm một số cơ sở điều trị dã chiến đang được triển khai, giới chức y tế Italy tự tin có thể đứng vững trong những ngày tới, khi giai đoạn khốc liệt nhất của dịch được cho là đã qua.

Tuy nhiên, tổn thất nhân mạng vì Covid-19 tại Italy vẫn đang ở mức rất cao. Trong ngày 30/03, có thêm 812 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 11.591 người. Theo Giám đốc chương trình Khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, điều này cho thấy Italy vẫn cần tập trung rất nghiêm ngặt vào các biện pháp phong tỏa.

“Câu hỏi là làm thế nào để dịch đi xuống? Nó không đơn giản là phong toả và thế là dịch sẽ đi xuống. Muốn các con số của dịch đi xuống thì không chỉ cần ổn định diễn biến mà cần nỗ lực gấp đôi từ các cơ quan y tế. Dịch sẽ không tự đi xuống mà phải bị hạ xuống. Đây là điều mà các nước cần phải tập trung”, ông Ryan cho biết.

Trước câu hỏi về việc liệu Italy có gia hạn thêm lệnh phong toả dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 3/4 hay không, Bộ trưởng Y tế Italia tối 30/3 tuyên bố lệnh phong toả sẽ được gia hạn ít nhất đến ngày 12/4.

Trong lúc đó tại Tây Ban Nha, một cột mốc khác cũng đã bị phá vỡ trong ngày 30/3 khi Tây Ban Nha có thêm 6.398 ca mắc mới Covid-19, vượt qua Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn thứ 3 trên thế giới với 85.195 ca nhiễm từ đầu dịch, đứng sau Mỹ và Italy.

Một tính toán do nhóm nghiên cứu của Trường Hoàng gia London đưa ra đầu tuần này cho thấy, có khả năng 15% dân số Tây Ban Nha, tương đương 7 triệu người, sẽ nhiễm Covid-19.

Số bệnh nhân thiệt mạng trong ngày tại Tây Ban Nha cũng vẫn ở mức rất cao là 812 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân vì Covid-19 tại nước này lên con số 7.340 người.

Các chỉ trích đối với chính phủ Tây Ban Nha ngày càng tăng khi bệnh viện dã chiến được xây dựng tại một trung tâm triển lãm ở thủ đô Madrid được đưa vào hoạt động nhưng thiếu quá nhiều thiết bị y tế, trang bị bảo hộ cho bác sỹ và vật dụng sinh hoạt cho bệnh nhân./.

Pháp ghi nhận thêm 499 người chết vì nCoV, mức cao nhất trong vòng một ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 3.523, vượt Trung Quốc.

Số ca nhiễm nCoV tại Pháp cũng tăng mạnh thêm 7.578, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 52.128. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được cho là chưa thể phát hiện do thiếu dụng cụ xét nghiệm. 

Pháp hiện là nước có số người chết lớn thứ tư thế giới, sau lần lượt Italy, Tây Ban Nha, Mỹ và cao hơn Trung Quốc, nơi ghi nhận hơn 3.300 ca.

"Đây là tình trạng hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử y học Pháp", Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Jerome Salomon phát biểu trong cuộc họp báo hôm 31/3, nói thêm rằng 22.757 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong các bệnh viện Pháp, trong đó 5.565 người được chăm sóc đặc biệt.

Pháp bị phong tỏa từ hôm 17/3 trong nỗ lực ngăn chặn nCoV lây lan. Giới chức nhiều lần cảnh báo các biện pháp kiểm soát đại dịch cần thời gian để mang lại thành quả.

Salomon cho biết các bệnh viện phía đông đất nước, một trong những "điểm nóng" của đại dịch, đang chịu áp lực vô cùng lớn. Tình hình tại thủ đô Paris và khu vực xung quanh "cũng khó khăn". 

Do vậy, chính quyền quyết định chuyển một số bệnh nhân tới những khu vực khác, thậm chí sang các nước láng giềng. Salomon cho hay 288 người đã được đưa tới điều trị tại những khu vực ít căng thẳng hơn và con số này sẽ tăng lên trong những ngày tới. 

Theo VOV