Pháp tiếp tục dẹp các trại tị nạn trái phép

Ngày 28/11, cảnh sát Pháp bắt đầu di dời người di cư từ một khu trại bất hợp pháp nằm ở phía Bắc thủ đô Paris, một phần trong nỗ lực chứng tỏ chính phủ nước này đang có lập trường cứng rắn hơn trong việc giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Cảnh sát Pháp tháo dỡ lều trại của người di cư trái phép tại cảng Calais ngày 21/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát địa phương tuyên bố họ sẽ di chuyển khoảng 200 - 300 người di cư từ khu vực Porte d’Aubervilliers tới các khu nhà tạm. Kể từ khi đóng cửa trại tị nạn lớn ở Calais năm 2016, ngày càng có thêm nhiều người tị nạn di chuyển tới Paris. Chính quyền thành phố đã nhiều lần dẹp bỏ các lều trại song chỉ sau vài tháng các khu trại này lại xuất hiện tại nhiều địa điểm khác nhau.

Đầu tháng này, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cam kết đóng cửa các trại tị nạn, áp đặt hạn ngạch đối với người lao động nhập cư và hạn chế tiếp cận chăm sóc y tế không khẩn cấp cho những người xin tị nạn mới đến nhằm đáp lại sự quan ngại của cử tri về vấn đề người nhập cư. 

Cuộc sống chui lủi của những người tị nạn ở Pháp

Thời gian gần đây, bất chấp những nguy hiểm, nhiều người di cư vẫn từ Pháp tìm đường sang Anh. Từ đầu năm, lực lượng tuần tra bờ biển cả Anh và Pháp đã giải cứu hơn 1.400 người tị nạn, cao gấp đôi số lượng của năm 2018.

Bên cạnh đó, vào ngày 20/11, giới chức Hy Lạp cũng ra thông báo sẽ đóng cửa 3 trại tạm giữ người di cư lớn nhất nước này trên các hòn đảo ở vùng biển Aegean, đối diện với Thổ Nhĩ Kỳ.

Người di cư đợi lên tàu tại cảng Mytilene trên đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 2/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo, Chính phủ Hy Lạp khẳng định sẽ đóng của các trại tị nạn đông đúc và tồi tàn hiện nay trên các đảo Lesbos, Chios và Samos. Những khu trại này sẽ được thay bằng các cơ sở mới có sức chứa 5.000 người mỗi trại.

Thống kê cho thấy tại Hy Lạp, hơn 32.000 người di cư đang phải sống trong điều kiện khó khăn ở các khu trại vốn chỉ có sức chứa tổng cộng khoảng 6.200 người. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đánh giá tình trạng hiện nay ở các trung tâm tiếp nhận ở Lesvos, Samos và Kos là “khẩn cấp”.

Tại trung tâm Moria ở Lesvos, số người tị nạn ở đây đã quá tải gấp 5 lần với tổng số người tị nạn lên tới 12.600 người, trong khi tại một khu tiếp nhận không chính thức gần đó bình quân 100 người phải chung một nhà vệ sinh. Ở Samos, trung tâm Vathy có 5.500 người tị nạn, quá tải gấp 8 lần và ở Kos, khoảng 3.000 người chen chúc trong một khu chỉ dành cho khoảng 700 người.    

Để giảm bớt gánh nặng cho các trại tị nạn, đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo sẽ đưa khoảng 20.000 người di cư từ đảo vào đất liền vào cuối tháng 12 tới.

Theo TTXVN