Thực trạng chênh lệch giàu nghèo đằng sau những ngôi nhà 1 đô ở Mỹ

Trong khi nhiều thành phố tại Mỹ luôn trong tình trạng “đất chật người đông” với giá bất động sản tăng mỗi ngày, một số nơi khác lại kém phát triển và thưa thớt dân cư tới mức chính quyền địa phương buộc phải bán nhà với giá 1 USD để ngăn tình trạng “thành phố ma”. 

Một căn nhà được bán với giá 1 USD ở Gary, Indiana (Ảnh: GCD)

Giới chuyên gia cho rằng tình trạng trên phản ánh rằng chênh lệnh giàu nghèo tại Mỹ dường như đang trầm trọng hơn.

Các thành phố tại Mỹ đang ngày càng phân hóa rõ rệt. Trong khi một số thành phố lớn ven biển chứng kiến tình trạng gia tăng dân số, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và các ngành công nghiệp mở rộng mỗi ngày, những khu vực thành đông bắc và trung tây ngày càng giống như thành phố bỏ hoang.

Một vài thập niên trước, sự khác biệt không rõ ràng và sâu sắc đến như thế. Trong giai đoạn ngành sản xuất công nghiệp nặng tại Mỹ bùng nổ, các thành phố có các nhà máy quy mô lớn như Buffalo và Detroit được coi là “đầu tàu” kinh tế của Mỹ. Ngày nay, các khu vực này được gọi là "Vành đai Gỉ sắt" (Rust Belt), ám chỉ các thành phố đã trải qua suy giảm công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất thép từ những năm 1980.

Mất đi thế mạnh về kinh tế, những thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt bắt đầu chứng kiến sự mất dần dân số do họ di chuyển tới những nơi khác để làm ăn và sinh sống, tìm kiếm cơ hội. Sau hơn 40 năm, sự chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực này và các thành phố miền duyên hải ngày càng nới rộng. Rất nhiều thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt chứng kiến những ngôi nhà bỏ hoang mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không biết cách xử lý ra sao vì họ không có ngân sách để kéo sập chúng hay phát triển dự án mới.

Để thu hút dân cư tới sinh sống và tránh biến các khu vực này trở thành “thành phố ma”, một số chính quyền đã mở ra chương trình nhà 1 USD, cho phép người chủ mới mua với giá rất rẻ đi kèm điều kiện phải trùng tu lại căn hộ.

Tại Buffalo, New York, những người mua phải đồng ý với các điều kiện như sinh sống ít nhất 3 năm và sửa nhà trong 18 tháng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, chương trình này vẫn được mô tả là nhận được phản ứng không mấy bùng nổ từ người dân.

Chính quyền địa phương nói rằng có rất ít người mua tiềm năng  đến tham quan các bất động sản bỏ hoang. Nhiều người đến xem nhưng lại ra về vì băn khoăn về chi phí cải tạo.

Một căn nhà giá 1 USD ở Gary (Ảnh: GCD)

Tại Gary, Indiana, chính quyền địa phương yêu cầu những người tham gia vào chương trình mua nhà 1 USD phải kiếm ít nhất 35.250 USD/năm và cải tạo căn nhà thành nơi đủ tiêu chuẩn để ở. Sau 5 năm, chính quyền sẽ giao toàn quyền sở hữu căn nhà cho người mua.

Dù chi phí sửa chữa là không rẻ (trung bình 20-30.000 USD), nhưng chúng cũng không đắt đỏ bằng việc mua 1 căn nhà mới (46.000 USD).

Hầu hết các bất động sản tham gia chương trình nhà 1 USD ở Gary, Buffalo hay St. Louis (Louisiana) đều trong tình trạng thiệt hại nghiêm trọng với tường hư hỏng, cửa sổ vỡ, phần mái trục trặc và đồ đặc gần như đã rỉ sét.

Chương trình này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc người mua có xem những căn nhà này xứng đáng với khoản đầu tư hay không, bằng không nó sẽ trở thành gánh nặng và tệ hơn là không thể sinh lời.

Theo lời các chuyên gia, những ngôi nhà 1 USD được coi là biểu tượng cho thấy sự đi xuống của những thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt cũng như sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn trong lòng nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo góc độ tích cực, đây cũng có thể là tấm vé hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho những thành phố ngày càng vắng bóng người này.

Viethome (theo Dân Trí)