• Tôi nhận ra rằng những lần tôi tận tình giúp đỡ thì không ai nhớ tới, nhưng khi từ chối một lời đề nghị nào đó, họ đều nhớ mãi không quên.

    *Dưới đây là bài viết của tác giả Tiểu Mã đăng trên nền tảng 163.com (Trung Quốc).

    Ngày còn nhỏ, tôi rất chán ghét chuyện họ hàng giàu có không giúp đỡ họ hàng nghèo khó hơn. Nếu tôi có tiền, tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ người thân của mình. Tôi tự hỏi chẳng phải họ hàng thì nên giúp đỡ lẫn nhau sao? Người giàu giúp người nghèo, cùng nhau có cuộc sống khá hơn. Điều này chẳng phải sẽ làm cho tình cảm càng thêm khăng khít, đại gia đình hòa thuận vui vẻ hơn sao?

    Thế nhưng khi đã trưởng thành, bản thân làm chủ một công ty, dần dà có của ăn của để và giúp đỡ gia đình chú tôi, tôi bỗng nhiên trả lời được câu hỏi ngày bé mình hay thắc mắc: "Tại sao người giàu không muốn giúp đỡ bà con nghèo?".

    Bốn năm trước, tôi đã tài trợ học phí 3 năm học đại học và mua cho em họ của mình một chiếc máy tính trị giá hơn 6.000 NDT. Chú tôi vì muốn được ở gần con nên tôi cũng tất bật ngược xuôi đưa chú lên thành phố ở, tìm được một công việc cho ông ấy ở gần trường đại học mà em họ tôi đang theo học để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Dù công việc kinh doanh của tôi cũng khá bận rộn nhưng vì có thể giúp đỡ được họ hàng của mình nên tôi vẫn vui vẻ, không ca thán nửa lời. Tôi còn dặn dò nếu có gì khó khăn, họ có thể tìm tôi, nếu giúp được tôi sẽ giúp.

     nguoi giau khong giup do nguoi ngheo

    Năm ngoái, em họ của tôi tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Chú tôi liên hệ và bày tỏ muốn xin một vị trí cho con trai trong công ty của tôi. Không nghĩ nhiều, tôi cho cậu ấy làm quản lý kho dù thực tế công ty của tôi chẳng thiếu người. Tuy nhiên khi nghe xong, chú tỏ vẻ không vui và nói: "Em cháu dù sao cũng là sinh viên đại học, cháu cho nó làm chức quản lý cao hơn đi. Chúng ta đều là người một nhà, cháu hỗ trợ em nó một chút nhé!".

    Nghĩ một lúc, tôi tặc lưỡi đồng ý. Vì công ty của tôi đã đủ nhân sự, tôi liền hiên hệ và sắp xếp cho cậu em họ của mình làm việc trong công ty hậu cần của một người bạn với vị trí quản lý công trường với mức lương 5.000 NDT/tháng. Không ngờ mới vào làm việc có mấy tuần, em tôi đã xích mích với một người trong công ty rồi xảy ra xô xát. Bạn tôi liền phàn nàn khiến cả tôi vô cùng xấu hổ, phải xin lỗi hộ nó.

    Sau đó, tôi lại giới thiệu em họ vào làm trong một nhà máy của đối tác. Tại đây, em tôi được làm quản lý kho, quản lý 4 người làm việc theo ca với mức lương 5.000 NDT, nhiều hơn những người khác 400 NDT. Lần này, công việc khá đơn giản nên em tôi cũng hoàn thành khá tốt, tuy nhiên, tôi lại được tin thái độ làm việc của cậu ấy không nghiêm túc khi thường xuyên xem phim, nghịch điện thoại trong giờ làm việc. Quá chán nản với cậu em này, thỉnh thoảng tôi vẫn phải nhắc nhở để chấn chỉnh, với hy vọng có thể ''giữ'' lại công việc này cho nó.

    Cách đây một thời gian, em họ tôi có bạn gái và muốn tiến tới chuyện chuyện cưới xin. Chú tôi muốn mua một căn nhà trên thành phố cho con trai như một tài sản trước hôn nhân. Tuy nhiên vì không có đủ tiền nên lại đánh tiếng nhờ tôi đặt cọc hộ 180.000 NDT (khoảng 600 triệu đồng). Đồng thời, chú ấy tìm gặp mẹ tôi và vay thêm 40.000 NDT nhưng dặn là không được cho tôi biết.

    Tất nhiên, mẹ tôi có hỏi ý kiến của tôi nhưng tôi không đồng ý. Thực ra, công việc kinh doanh của công ty tôi năm nay không tốt, đang phải bù lỗ. Tôi đang nặng đầu vì phải lo vấn đề tài chính của công ty, giờ lại thêm việc này nữa khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi không có nhiều tiền để giúp đỡ chú nên đành lựa lời từ chối việc đóng hộ tiền cọc nhưng vẫn hỗ trợ chú 20.000 NDT.

    Thực lòng, tôi cảm thấy mình đã dốc hết sức, hết lòng cho gia đình họ rồi, nên lần này cũng mong được thông cảm, không thể giúp họ cả đời được. Tuy nhiên, thái độ của người cậu khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng. Ông tức giận và cho rằng tôi rất giàu và việc tôi không giúp đỡ gia đình ông là việc không chấp nhận được. Hiện gia đình chú và gia đình tôi đang ''chiến tranh lạnh'' khiến tâm trạng của tôi lúc nào cũng nặng trĩu.

    Tôi nhận ra rằng dù tôi có giúp họ thế nào cũng không thể thỏa mãn được mong muốn của họ. Nếu tôi từ chối, họ sẽ nghĩ tôi coi thường hoặc keo kiệt không muốn giúp đỡ. Điều đó làm tôi rất buồn lòng. Ngẫm lại, nhiều người giàu hiện nay không muốn giúp đỡ những người thân của mình có lẽ là có lý do.

    Trên thực tế, mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều có những câu chuyện riêng mà người khác khó lòng thấu hiểu. Còn câu hỏi "vì sao nhiều người giàu có không đồng ý giúp đỡ họ hàng của mình?" đến nay vẫn là một vấn đề nan giải. Người giàu họ cũng chịu gánh nặng sản sẻ một phần mình có với người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy nhiên có những lúc giúp không được, mà không giúp cũng không xong. Đôi khi, việc giúp đỡ này lại trở thành áp lực thay vì đơn thuần là niềm vui khi cho đi. Do đó, giúp hay không là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người.

    Theo Thể thao Văn hóa

  • 'Thừa nhận không có gì cho các con ăn là một trong những điều tàn khốc nhất mà tôi từng làm', Kerry Moncur, 39 tuổi, đến từ South West chia sẻ.

    ngheo doi o anh 1

    "Mẹ xin lỗi. Mẹ không thể cho con ăn". Không ít lần, Kerry, bà mẹ 3 con, nhân viên hỗ trợ chăm sóc người già và trẻ em, đã nói với các con như vậy. Đặc biệt vào những ngày cuối tháng, không còn đồng tiền nào, con út của chị phải ăn ngũ cốc bữa sáng và trưa. Kerry làm mẹ đơn thân khi con gái út của mới 8 tháng tuổi. Từ lúc đó tới khi bé bắt đầu đi học, gia đình chỉ sống sót dựa vào tiền trợ cấp.

    Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Anh cho thấy có 4,2 triệu trẻ em - chiếm 30% trẻ em toàn quốc - sống trong cảnh nghèo đói và dự báo sẽ tăng lên 5,2 triệu vào năm 2022. Con số này được công bố năm 2019, trước cả khi xuất hiện Covid-19, có nghĩa đại dịch chỉ đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Kể từ khi virus tấn công nước Anh, đã có 750.000 người mất việc và hơn 100.000 người bổ sung vào đội quân phải sống nhờ ngân hàng thực phẩm.

    ngheo doi o anh 1
    Kerry và con gái. Ảnh Metro.

    The Food Foundation - một tổ chức từ thiện cho rằng, khía cạnh đầu tiên của tình trạng "mất an toàn thực phẩm" là việc không có nguồn thực phẩm đáng tin cậy, bị buộc phải mua thực phẩm cấp thấp. Và khía cạnh cuối cùng của "mất an toàn thực phẩm" chính là đói. "Nếu bạn nghèo đến mức ảnh hưởng đến lượng thức ăn có trên bàn, bạn có thể nhìn thấy đó chính là tận cùng của sự nghèo khổ", Anna Taylor, giám đốc điều hành của tổ chức giải thích.

    Chính tình trạng mất an ninh lương thực này và tác động của nó đối với thế hệ trẻ là động lực thúc đẩy cầu thủ Marcus Rashford, 23 tuổi, của CLB Manchester United tổ chức chiến dịch vận động. Rashford xuất thân từ một đứa trẻ nghèo đói. Hồi tháng 6 anh gửi thư đến chính phủ yêu cầu họ làm nhiều hơn nữa để ngăn trẻ em bị đói, đặc biệt trong thời gian phong tỏa. Chỉ 24 giờ sau, các trường đã ra thông báo cung cấp bữa ăn cho học sinh trong kỳ nghỉ hè.

    Đến tháng 9, cầu thủ này đã thành lập Đội đặc nhiệm chống đói nghèo về lương thực cho trẻ em, làm việc cùng với một số cửa hàng thực phẩm, nhà sản xuất, tổ chức từ thiện và công ty giao hàng ở Anh. Tháng 10, anh đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ mở rộng chương trình bữa ăn miễn phí ở trường và tăng giá trị của phiếu ăn. Tính đến đầu tháng này, bản kiến nghị đã có hơn một triệu chữ ký.

    Ban đầu chính phủ không đồng tình với Rashford, nhưng quyết tâm kiên cường của anh đã buộc họ phải thay đổi. Hai tuần trước, Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết mở gói hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em, không chỉ đi học, còn trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, mùa hè và Giáng sinh năm sau, trị giá 170 triệu bảng Anh.

    Điều này không có nghĩa đã xóa bỏ được tình trạng đói lương thực của trẻ em. Theo dữ liệu mới nhất của Food Foundation, có 2,2 triệu trẻ em được hưởng chế độ ăn miễn phí. Tuy nhiên nước Anh có tới 4,2 triệu trẻ bị đói. "Bạn phải kiếm được dưới 7.400 bảng/năm trước khi có trợ cấp thì mới được ăn ở trường miễn phí. Có nghĩa là có rất nhiều trẻ em sống trong cảnh nghèo đói mà không được ăn ở trường, đơn giản chỉ vì chúng không đủ nghèo", Anna Taylor giải thích.

    ngheo doi o anh 1
    Cầu thủ Marcus Rashford xuất thân tình trạng nghèo đói nên giờ anh đang thực hiện nhiều chiến dịch giúp đỡ người cùng hoàn cảnh. Ảnh: Metro.

    The Bread and Butter Thing là một lựa chọn khác cho các gia đình có thu nhập thấp, sử dụng nguồn thực phẩm dư thừa từ các siêu thị với giá "siêu rẻ". Nhu cầu hiện tăng 10% so với tuần trước. Chị Ang Cassells ở Manchester chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh địa phương tin tưởng vào thực phẩm giảm giá này và cũng là tình nguyện viên cho tổ chức. Là mẹ của 6 con, chị buộc phải từ bỏ công việc khi chồng qua đời cách đây 8 năm và con trai út mắc chứng tự kỷ. Gia đình từ đó rơi vào cảnh túng bấn, khó khăn thực phẩm.

    "Ngân sách đã bị cắt giảm khi chồng tôi qua đời vì bệnh ung thư. Theo thời gian, giá cả tăng lên, nhưng thu nhập và trợ cấp lại không tăng. The Bread and Butter Thing là một món quà trời cho", Ang chia sẻ.

    Cuộc sống không thể nói trước điều gì. Sức khỏe, khuyết tật, thất nghiệp, mất người thân... đều có thể gây ra cú sốc nghiêm trọng về thu nhập và nợ nần. "Đó là lý do tại sao công việc đủ để sống, hệ thống an sinh xã hội phải cung cấp một mạng lưới an toàn đầy đủ và việc giảm nợ phải được tăng cường cho các gia đình dễ bị tổn thương", Lee Healey, người sáng lập tổ chức hỗ trợ tài chính Income Max bày tỏ.

    Con gái lớn của Kerry, Yasmin Akpinar, 21 tuổi cũng đang là mẹ đơn thân của một cô bé 3 tuổi. Từ tháng Hai, Yasmin thất nghiệp và phải sống nhờ nhờ trợ cấp. "Tôi thực sự hỏi bản thân có cần điện thoại, wifi không, có thể cắt giảm tiền điện không? Nhưng điều này bất khả thi và tôi đã vay mượn gia đình quá nhiều". Căn bệnh stress từ tuổi thiếu niên đang quay trở lại. Cô cảm thấy con gái biết mọi cảm xúc của mình dù cô không nói ra.

    Bây giờ con gái út của Kerry đang đi học, còn cô cũng có việc làm. Nhưng dù có lương và có bữa ăn miễn phí, cộng với sự giúp đỡ các tổ chức địa phương, Kerry vẫn lo hóa đơn hàng tháng. "Tiền thuê nhà phải đặt lên đầu trong danh sách, cùng với đó là việc đảm bảo con ấm áp khi trời lạnh. Dù tôi có tiền mua thức ăn, cũng chẳng có ích gì khi không có một nơi để ở", cô nói.

    Kerry cũng rất lo về hoàn cảnh của mình ảnh hưởng tới con. Cô nhận ra con gái giờ không thể ăn hai bữa tại nhà. "Có thể do các năm tháng trước tôi đã không thể cho con ăn 3 bữa mỗi ngày", cô nói. Thay vào đó cô bé ăn khoai tây chiên, ngũ cốc.

    Không có gì đáng ngạc nhiên khi dữ liệu từ Chương trình đo lường trẻ em quốc gia cho thấy mối tương quan giữa nghèo đói và béo phì. Trẻ em sống ở vùng thiếu thốn có nguy cơ béo phì gấp đôi so với trẻ no đủ. Trẻ em của gia đình có thu nhập thấp có chiều cao kém 1 cm với trẻ em từ gia đình ổn định tài chính. Dù vậy, các chuyên gia cho biết không chỉ sức khỏe thể chất mà cả học tập, mối quan hệ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

    Sự thật gây sốc là gần 90% trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo. Có nghĩa là con cái của họ cũng có thể gặp phải tình trạng mất an toàn thực phẩm. Đây là điều mà Kerry đã chứng kiến. Con gái lớn của cô đang làm mẹ đơn thân và cũng phải vật lộn tài chính. Người mẹ đang lo có lẽ nào con gái út của cô cũng đi vào con đường như mẹ và chị nó...

    VnExpress (theo Mirror)

  • Brian and Liz Landers

    Brian bị cha bạn gái ép chia tay vì cho rằng anh thuộc tầng lớp thấp, không ngờ sau này anh thành công đến độ được trao huân chương Hoàng gia Anh.

    Brian và Liz Landers, ở Vauxhall, phía tây nam London, yêu nhau và hứa hôn vào những năm 1970,  khi cùng là sinh viên Đại học Exeter ở Devon. 

    Năm đó, chàng sinh viên năm 3, khoa Chính trị choáng ngợp trước vẻ đẹp, sự thông minh của cô nàng Liz, khoa Lịch sử. "Cô ấy xinh đẹp, thực sự nổi bật và tự tin về mình. Cô ấy thậm chí đã thách thức Jack Straw, cựu Bộ trưởng Nội vụ, lúc đó là chủ tịch hội sinh viên của trường khi ông ấy đang phát biểu", Brian, hiện 71 tuổi kể.

    Liz cũng say nắng chàng trai có vẻ ngoài như tài tử ngay lần đầu gặp. "Từ xa tôi đã ngưỡng mộ anh ấy. Tôi thấy anh ấy đáng yêu, thú vị và khác biệt", người phụ nữ năm nay đã 69 tuổi nhớ lại.

    bin rin moi tinh dau 1
    Brian và Liz những năm 1970. Ảnh: Dailymail.

    Từ tháng 9/1970, cả hai chuyển đến sống chung và lên kế hoạch kết hôn. Brian đã mua cho Liz một chiếc nhẫn đính hôn bằng ngọc trai. Tuy nhiên mối tình của họ bị gia đình cô gái phản đối. Cha của Liz ép con chia tay, nếu không sẽ từ con. 

    "Giai cấp là một vấn đề lớn thời đó. Cha tôi cứ nói 'Dầu và nước không thể trộn lẫn'. Cha tôi là một sĩ quan hải quân và linh mục. Tôi từng học trường nội trú, còn Brian là học sinh công lập, có bố là nhân viên xã hội", Liz kể. 

    Cả hai chia tay và cắt đứt liên lạc. Liz tin rằng Brian sẽ không bao giờ muốn nghe tin tức về mình nữa. Còn Brian luôn "thầm hy vọng cô ấy nhận ra lỗi của mình và liên lạc lại".

    Cuộc đời mỗi người rẽ theo những ngả khác nhau. Liz kết hôn với một sĩ quan quân đội và có hai con. Bà trở thành một giáo viên tại một trường danh tiếng ở High Wycombe, Buckinghamshire, sau đó là quản lý kí túc xá, cuối cùng trở thành hiệu phó.

    Trong khi đó, Brian đã kết hôn 3 lần và có 3 con. Mặc dù có nguồn gốc "tầng lớp lao động chân tay", Brian đã rất xuất sắc. Sau tốt nghiệp đại học, ông chuyển ra nước ngoài và làm việc cho một công ty bảo hiểm ở Nam Mỹ, trước khi phụ trách công việc kinh doanh toàn cầu với tư cách là giám đốc công ty, phục vụ trong các hội đồng từ thiện và nhà xuất bản Waterstones và Penguin Books.

    Ông đã giúp thành lập một cơ quan tình báo ở London, trở thành giám đốc Dịch vụ Nhà tù của Nữ hoàng, chủ tịch Companies House (một cơ quan điều hành và quỹ giao dịch của chính phủ). Năm 2018, ông được trao Huân chương hoàng gia Anh OBE vì những đóng góp của mình.

    Nhưng Brian không một ngày nào quên Liz. Những năm 1980, khi chuyển tới Nam Mỹ, Brian bắt đầu viết một bộ phim gián điệp, lấy cảm hứng nhân vật nữ chính là Liz và tiếp tục dùng bà làm cảm hứng cho các tiểu thuyết của mình. "Tôi đã luôn nghĩ về Liz. Tôi sẽ luôn sử dụng cụm từ 'tình yêu của đời tôi' khi nói về cô ấy", ông chia sẻ.

    bin rin moi tinh dau 1
    Ông Brian và bà Liz kết hôn năm 2015. Ảnh: Dailymail.

    Năm 2009, ông xuất bản một cuốn sách có tên Empires Apart, về quyền lực ở Mỹ - vấn đề mà ông từng thảo luận với Liz khi còn là sinh viên. Trùng hợp, ngay trước khi cuốn sách phát hành, ông được một người bạn cho biết nơi Liz đang làm việc. "Tôi nghĩ mình nên gửi cho cô ấy một tờ rơi về cuốn sách. Đó sẽ là một cách tốt để liên lạc lại với cô ấy", Brian nói.

    Khi nhìn thấy dòng chữ trong hộp thư, Liz nhận ra ngay lập tức. "Tôi đi như bay xuống hành lang vào phòng để mở thư. Tôi đã đọc đi đọc lại từng chữ với sự trân trọng", bà kể. 

    Vào tháng 5/2009, cuối cùng họ đã gặp nhau cùng ăn trưa. Hơn 40 năm không gặp, Liz nhận ra Brian ngay lập tức. "Mái tóc anh ấy bạc nhưng cử chỉ và cách nói chuyện chẳng khác gì", bà kể.

    Ông Brian cũng nhận ra dáng đi đặc biệt của Liz. "Cô ấy có quyền lực tự nhiên và luôn nhiệt tình với mọi thứ. Trong vòng 5 phút, chúng tôi đã trò chuyện như thể cùng ăn trưa mỗi tuần", ông chia sẻ. 

    Trong cuộc hẹn thứ 2, Liz đã đeo chiếc nhẫn ngọc trai, nhưng ngay khi bước vào nhà hàng, bà đã tháo ra. "Trong bữa ăn đột nhiên Brian hỏi về nó. Tôi thành thật đã giữ chiếc nhẫn bao năm nay và vẫn thường đeo", bà kể. "Đó là sự may mắn đối với anh. Cảm ơn em đã giữ nó", ông nói.

    Tình yêu bùng cháy trở lại. Họ nhận ra đã đến lúc phải kết thúc cuộc hôn nhân của mình để được bên nhau những tháng ngày còn lại. Đó là quyết định khó khăn bởi cả hai biết những người còn lại sẽ bị tổn thương.

    Đầu năm 2012, Liz và Brian chuyển đến cùng nhau ở Vauxhall. Họ cùng nhau đi du lịch trong vài năm tiếp theo để Brian tìm kiếm tư liệu hoàn thành bộ phim kinh dị gián điệp. Nhân vật chính trong phim của ông, Julia Dylan, một điệp viên, lấy nguyên mẫu là Liz.

    Tháng 10/2015, trong một kỳ nghỉ ở Hy Lạp, Brian đã cầu hôn bên bờ biển. Ông không biết rằng bà Liz cũng mang theo nhẫn, dự định cầu hôn trong đêm đó với "quyết tâm bù đắp việc hủy bỏ hôn ước năm xưa". Họ tổ chức hôn lễ cuối năm đó trong nhà thờ, bên sự chúc phúc của mẹ Liz, 25 người thân và các cháu. 

    bin rin moi tinh dau 1
    Ông Brian và Liz đính hôn những năm 1970 và đoàn tụ trở lại năm 2015. Trong ảnh họ đang tận hưởng những ngày nghỉ hưu bên nhau tháng 5/2020. Ảnh: Dailymail.

    Đôi uyên ương đã có một chút lo lắng khi ngay trong tuần trăng mật Liz phát hiện bị ung thư mô máu. Bà đã trải 6 tháng hóa trị. "Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Được ở bên anh ấy giống như mảnh ghép quan trọng của đời tôi được tìm lại", bà chia sẻ.

    Hiện ông Brian trân trọng từng giây phút bên "tình yêu của đời mình", 5 con riêng của họ và các cháu. Ông cũng đã hoàn thành 4 phim kinh dị gián điệp trong The Dylan Series. "Chúng tôi chỉ muốn cùng nhau già đi", người đàn ông si tình nói.

    VnExpress (theo Dailymail)

  • Chị Kitsao bỏ những viên đá vào nồi, nổi lửa đun với hy vọng đứa con thứ tám sẽ ngủ quên trong lúc đợi thức ăn.

    Peninah Bahati Kitsao (ở Mombasa, Kenya) 45 tuổi và không biết chữ. Năm ngoái, chồng chị bị một băng đảng sát hại nên đang một mình nuôi 8 đứa con. Con lớn nhất của cô được 28 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tháng.

    Kitsao sống bằng nghề giặt quần áo thuê. Khi đất nước bị phong tỏa vì Covid-19, người mẹ không còn bất cứ nguồn thu nhập nào nên cả mấy mẹ con phải sống trong ngôi nhà hai phòng ngủ không điện, không nước. Không có tiền mua thức ăn, mẹ con cô phải nhịn đói. Mấy đứa lớn hiểu chuyện, nhưng đứa con út khóc cả đêm vì đói. 

    mam da 1
    Người mẹ một mình nuôi 8 đứa con đói ăn vì Covid-19. Ảnh: siasat.

    Người mẹ nghĩ ra cách cho đá vào nồi nước giả vờ nấu với hy vọng đứa trẻ sẽ ngủ quên trong lúc chờ đợi. 

    "Con tôi đã dần biết mẹ nói dối. Nó khóc inh ỏi, nhưng tôi không biết phải làm thế nào vì chẳng có gì để ăn cả", Kitsao kể.

    mam da 1
    Người mẹ bỏ đá vào nồi để đánh lừa con nhỏ ngủ quên trong lúc chờ đợi. Ảnh: siasat.

    Một người hàng xóm tên Prisca Momanvi đã chứng kiến thảm cảnh này. Cô báo với truyền thông và cũng là người mở tài khoản ngân hàng để mạnh thường quân ủng hộ mẹ con Kitsao. 

    Người mẹ đơn thân cho biết, người dân từ khắp nơi trên cả nước đã gọi điện, hào phóng giúp đỡ mẹ con cô. "Họ hỏi tôi cần gì. Tôi không thể ngờ người Kenya lại có tấm lòng nhân hậu đến vậy", cô nói.

    Tuy nhiên, tin buồn là vào ngày 7/5 vừa rồi, (1 tuần sau khi cô nhận được giúp đỡ) đứa con út 5 tháng tuổi của cô đã qua đời sau 3 ngày bị sốt cao. Thi thể của em đã được đưa từ bệnh viện Coast General Hospital về nhà để chôn cất. 

    Charo Kaingu, 13 tuổi, con thứ 3 của cô, nói rằng ''Em muốn trở thành thợ máy để kiếm tiền nuôi mẹ và các anh chị em. Hy vọng Người Samari nhơn lành sẽ giúp em được đến trường. Em muốn lớn lên sẽ giúp được những gia đình khó khăn''.

    Theo Tuko

  • Với hơn 165.000 USD/năm, Monaco là một trong những quốc gia có GDP bình quân cao nhất toàn cầu. Đất nước này thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn trên thế giới.

    Trong ấn phẩm thường niên về các nước trên thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tỷ lệ người nghèo của Monaco không được xác định. Ảnh: Business Insider.

    Nguyên nhân một phần đến từ việc quốc gia này không có thuế thu nhập cá nhân, nên rất khó để đo lường. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế học địa phương cho rằng Monaco rất giàu đến nỗi không có bất kỳ một sự nghèo đói nào được ghi nhận. Ảnh: Business Insider.

    Trong số 38.300 người dân Monaco, chỉ có 9.326 người bản địa, còn lại là dân nhập cư từ Pháp, Italy, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Nga và Mỹ... Nhà đất tại đây vô cùng đắt đỏ, mức giá trung bình cho một bất động sản vào năm 2017 là 5,2 triệu USD. Ảnh: Business Insider.

    Với chính sách thuế hấp dẫn, Monaco đã thu hút nhiều người giàu có ở nước ngoài đến sinh sống. Thêm vào đó, khí hậu ôn hòa với 300 ngày nắng mỗi năm cũng là một điều kiện sống hấp dẫn. Ảnh: Business Insider.

    Không những thế, Monaco còn cung cấp các chương trình trợ cấp nhà ở, hay hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Ảnh: Business Insider.

    Người dân Monaco được xếp vào nhóm giàu nhất thế giới, với khoảng 1/3 là triệu phú USD. Ảnh: Business Insider. 

    Monte Carlo, quận giàu có, tráng lệ nhất Monaco được bao phủ bởi các khách sạn 5 sao, siêu xe sang trọng, nhà hàng cao cấp, shop thời trang xa xỉ, và sòng bạc danh tiếng. Ảnh: Business Insider.

    Triển lãm Du thuyền Monaco là một sự kiện xa xỉ được tổ chức hàng năm vào những ngày cuối tháng 9. Tại triển lãm năm nay, khoảng 30.000 người đến tham dự, tổng trị giá các du thuyền được trưng bày lên đến hơn 4,3 tỷ USD. Ảnh: Business Insider. 

    Các khách sạn ở đây cũng có giá đắt đỏ, lên tới hàng chục nghìn USD mỗi đêm. Phòng Princess Grace ở Hotel de Paris có giá 43.000 USD/đêm. Ảnh: Business Insider.

    Đường sá Monaco sạch sẽ đến mức hiếm khi thấy một mẩu rác. Ảnh: Business Insider.

    Monaco luôn đảm bảo các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt nên được gọi là nơi an toàn nhất châu Âu. Các sĩ quan cảnh sát, hệ thống camera an ninh xuất hiện trên mọi ngóc ngách của quốc gia này. Ảnh: Business Insider.

    Đường phố Monaco cũng có rất nhiều người ăn mặc xa xỉ với những phục trang cao cấp đến từ các thương hiệu như Prada, Louis Vuitton, Cartier... Ảnh: Getty. 

    Monaco được mệnh danh là "sân chơi của các tỷ phú". Ảnh: Business Insider.

    Theo Zing

  • Cùng một bệ xuất phát, nhưng Ivan (Anh) sớm trở nên thành công, trong khi em trai David ngày càng thảm hại vì luôn phán xét.

    "Tinh hoa tài chính" là danh hiệu mà nhiều người đặt cho Ivan Massow (51 tuổi, London). Còn David (50 tuổi) chỉ luôn mồm rủa anh trai mình - Ivan - là gã tư bản đạo đức giả.

    Một người đàn ông giàu có, người kia nghèo cùng cực. Thật khó để tưởng tượng rằng hai người không liên quan này thực sự là anh em. Trong 25 năm qua, sự khác biệt rất lớn giữa độ giàu có và địa vị xã hội đã khiến họ ngày càng xa cách.

    Ivan và David sinh ra trong một gia đình bình thường, bố là cảnh sát, mẹ là nhân viên ngân hàng. Hai anh em ăn cùng một loại thức ăn, mặc gần như cùng một bộ quần áo và đi học cùng trường. David là em trai nên được nuông chiều hơn, đó là sự khác biệt duy nhất giữa hai anh em.

    Triệu phú Ivan Massow còn là người có tiếng nói chính trị, bảo vệ quyền đồng giới. Ảnh: The Guardian.

    Ivan vẫn còn nhớ rằng khi còn nhỏ, anh luôn dậy sớm đi cắt cỏ kiếm tiền cho gia đình. Nhưng David vẫn có thể ngủ, sau đó thưởng thức bữa ăn sáng do mẹ chuẩn bị.

    "Tôi làm việc hùng hục và khi trở về nhà với một cơ thể mệt mỏi, tôi thường thấy David đã không làm gì cả ngày", Ivan nói. 

    David hay đi phá những tài sản công cộng, còn lấy sách đem bán để mua thuốc lá. Thế nhưng bố mẹ vẫn bảo vệ người con này, khiến Ivan rất buồn bã khi còn nhỏ. Sự nuông chiều quá mức chắc chắn đã mang lại một tác động tiêu cực không thể xóa nhòa đối với David.

    Khi Ivan 21 tuổi, anh bắt đầu kinh doanh riêng và kiếm được khoản tiền lớn đầu tiên trong đời. Sau đó, anh chuyển nhượng doanh nghiệp cho người khác với giá một triệu bảng (khoảng 30 tỷ đồng). Anh dùng tiền này làm vốn khởi nghiệp rồi lặp lại vòng tròn trên. Sau 10 năm, anh trở thành triệu phú.

    Ngườ em trai sống trong một chiếc ô tô hỏng. Ảnh: The Guardian.

    Khi việc kinh doanh của Ivan đã đi vào quỹ đạo, David mới đi học đại học. Tốt nghiệp đại học, David đến học việc tại công ty của anh trai, nhưng được vài tháng lại từ bỏ. Sự nghiệp của Ivan ngày càng thịnh vượng và David ghen tị với anh trai của mình.

    David đặt ra mục tiêu làm giàu thật nhanh nên đã thử nhiều nghề khác nhau nhưng đều thất bại. Theo thời gian, David bắt đầu từ bỏ chính mình. Anh ta trở nên hoài nghi. "Điều gì tạo nên người giàu? Không phải là bằng cách hút máu người nghèo sao?" luôn là suy nghĩ của người đàn ông này.

    Người em bắt đầu có tuổi và ngày ngày chìm xuống hố đen. Anh ta không kết hôn, không có con và cách duy nhất để kiếm sống là làm việc tối mặt trên công trường. Nơi duy nhất để sống là một chiếc ôtô cũ bị hỏng. Không có công việc nào David làm quá một năm.

    Năm 2010, Ivan đã có nhà phố 5 tầng ở London, biệt thự ở hạt East Sussex và villa ở Barcelona. Cuộc sống của hai người ngày càng ở hai thế giới tách biệt. Trong 25 năm, hai người không hề gặp nhau. Truyền thông Anh ưu ái làm một bộ phim tài liệu yêu cầu cả hai đổi vị trí cho nhau trong 4 ngày mong làm giảm sự căng thẳng giữa hai anh em.

    Khi Ivan ở trong xe của em trai 4 ngày, anh cảm thấy quá khiếp hãi. Không có nhà vệ sinh, không có phòng tắm, lộn xộn như một bãi rác. Ở đây, David còn viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên kinh nghiệm lạm dụng ma túy.

    Ivan nhận ra, vấn đề khiến em trai rơi xuống hố sâu chính là sự tự do. Những thứ bình thường trong xã hội văn minh như một bộ đồ chỉnh tề ở nơi công cộng hay xuất hiện tại một sự kiện đúng giờ dường như không có trong tâm trí David.

    Về mặt chính trị, người em trai có ý kiến rất bảo thủ, luôn tin rằng nước Anh sẽ sụp đổ. Hàng tháng, David tham gia những buổi thảo luận giữa những nhóm người có ý tưởng cực đoan. Ivan thấy rằng lập luận của họ khác xa với tình hình thực tế. Họ đưa ra quan điểm, nhưng không có dẫn chứng rõ ràng, cụ thể.

    Tóm lại, không tìm được công việc, và sống quanh những người quá rảnh rỗi và tiêu cực, David không thể không bị cuốn theo những vòng xoáy đó. Điều duy nhất an ủi cho David là công việc thợ xây mà anh làm được trong vòng 10 tháng.

    David khi vừa bước vào thử thách làm phim tài liệu cảm thấy bực tức khi biết trong nhiều năm qua anh trai đã âm thầm tài trợ tiền cho mình. Đó là những lần trúng số, trúng thưởng hay được trả lương cao hơn bình thường.

    Sau đó, David được đưa đi tham dự một bữa tiệc ở tầng lớp xã hội cao, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, tham gia các triển lãm nghệ thuật từ thiện hay học cưỡi ngựa. Điều ngạc nhiên là David làm tốt hơn Ivan nghĩ. David rất biết lắng nghe, thông minh và có nhiều ý kiến sáng tạo.

    "David không hoàn toàn vô dụng, cậu ấy có tiềm năng nhưng thiếu môi trường tốt để thể hiện", Ivan nói.

    Nhờ bộ phim tài liệu, David và Ivan ngồi chung với nhau sau 25 năm tách biệt. Ảnh: Bili.

    Người em trai thôi không phàn nàn về chính phủ, sự bất công xã hội và thôi dùng niềm tin về tín ngưỡng để giải quyết những vấn đề thực tế. Anh nhận ra, siêng năng từ nhỏ, khi lớn cũng sẽ làm mọi thứ như một thói quen.

    "Người thành công luôn học hỏi, tôn trọng lẫn nhau, còn tôi chỉ toàn chống đối và phản bác vô lý, đó dường như là sở thích của tôi. Điều này làm mọi thứ tồi tệ hơn, tôi luôn cáu gắt và chế giễu người giàu", David chia sẻ.

    David cũng nhận ra rằng anh trai mình đã phải làm rất nhiều thứ để có được ngày hôm nay. Những đóng góp cho cộng đồng của Ivan là vô kể, không phải là kẻ đạo đức giả như người em trai nghĩ. "Không có gì thành công mà không cần sự nỗ lực", David bày tỏ.

    Sau chương trình, họ dành cho nhau một cái ôm. Họ đều biết rằng mình đã quá già để bị bức tường vô hình kia ngăn cách. Bộ phim tài liệu này mang tên "Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo" đã làm nước Anh rúng động bởi nhiều người nhận ra xã hội đã bị phân hóa tàn bạo đến mức nào.

    Viethome (Theo The Guardian/VnExpress)

  • Hơn bốn triệu người Anh đang sống ở mức đặc biệt đói nghèo – thu nhập dưới 50% mức chuẩn đói nghèo – và hàng ngày phải vật lộn để có những nhu yếu phẩm thiết yếu.

    Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban thống kê số liệu xã hội (SMC), được công bố ngày 29/7, hiện có khoảng 14,3 triệu người Anh thuộc diện đói nghèo, trong đó 8,3 triệu trong độ tuổi lao động, 4,6 triệu trẻ em và 1,3 triệu trong độ tuổi nghỉ hưu.

    Đáng chú ý, SMC cho biết có đến 4,5 triệu người, tương đương 31,5% số người đói nghèo và 7% dân số Anh, thuộc diện đặc biệt đói nghèo. Ngoài ra, 7 triệu người, tương đương khoảng 49% số người đói nghèo, thuộc diện đói nghèo dai dẳng – có ít nhất là 2 trong số 3 năm vừa qua thuộc diện đói nghèo.

    Hơn bốn triệu người Anh đang sống ở mức đặc biệt đói nghèo. Ảnh: independent.co.uk 

    Theo SMC, nhìn chung tỷ lệ đói nghèo của Anh không thay đổi nhiều kể từ năm 2000, hiện ở mức 22% so với mức 24% của năm 2000, nhưng mức độ khó khăn của một số nhóm người như trẻ em, trẻ em trong các gia đình có bố mẹ góa bụa và những người nghỉ hưu, đã tăng kể từ năm 2013 do các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

    SMC cũng khẳng định việc làm không còn là sự bảo đảm chống lại đói nghèo. Năm 2000, 54% trẻ em đói nghèo là thuộc gia đình có một người lớn đi làm. Con số này đã tăng lên mức 73% trong giai đoạn 2017-2018, thậm chí có đến 16,7% trẻ em đói nghèo thuộc gia đình mà tất cả người lớn có việc làm.

    Chủ tịch SMC Philippa Stroud cho rằng cần có một giải pháp thống nhất và có tính phối hợp để giải quyết vấn đề đói nghèo. Bà nói: "Điều đáng lo ngại là nhìn chung đói nghèo vẫn gần như ở mức đầu những năm 2000 dù là ở dưới chính phủ của đảng phái nào. Tuy nhiên, rõ ràng rằng bên dưới bề mặt đó có sự khác biệt đáng kể về mức độ nghèo đói của các nhóm người khác nhau.

    Quyết định của các nhà hoạch định chính sách có thể có tác động đáng kể đến người nghèo và mức độ nghiêm trọng và kéo dài của tình trạng nghèo đói. Những phát hiện mới này làm nổi bật yêu cầu cấp thiết cần có một cách tiếp cận có tính thống nhất và phối hợp hơn".

    Viethome (theo Helino)

  • Trong khi nhiều thành phố tại Mỹ luôn trong tình trạng “đất chật người đông” với giá bất động sản tăng mỗi ngày, một số nơi khác lại kém phát triển và thưa thớt dân cư tới mức chính quyền địa phương buộc phải bán nhà với giá 1 USD để ngăn tình trạng “thành phố ma”. 

    Một căn nhà được bán với giá 1 USD ở Gary, Indiana (Ảnh: GCD)

    Giới chuyên gia cho rằng tình trạng trên phản ánh rằng chênh lệnh giàu nghèo tại Mỹ dường như đang trầm trọng hơn.

    Các thành phố tại Mỹ đang ngày càng phân hóa rõ rệt. Trong khi một số thành phố lớn ven biển chứng kiến tình trạng gia tăng dân số, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và các ngành công nghiệp mở rộng mỗi ngày, những khu vực thành đông bắc và trung tây ngày càng giống như thành phố bỏ hoang.

    Một vài thập niên trước, sự khác biệt không rõ ràng và sâu sắc đến như thế. Trong giai đoạn ngành sản xuất công nghiệp nặng tại Mỹ bùng nổ, các thành phố có các nhà máy quy mô lớn như Buffalo và Detroit được coi là “đầu tàu” kinh tế của Mỹ. Ngày nay, các khu vực này được gọi là "Vành đai Gỉ sắt" (Rust Belt), ám chỉ các thành phố đã trải qua suy giảm công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất thép từ những năm 1980.

    Mất đi thế mạnh về kinh tế, những thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt bắt đầu chứng kiến sự mất dần dân số do họ di chuyển tới những nơi khác để làm ăn và sinh sống, tìm kiếm cơ hội. Sau hơn 40 năm, sự chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực này và các thành phố miền duyên hải ngày càng nới rộng. Rất nhiều thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt chứng kiến những ngôi nhà bỏ hoang mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không biết cách xử lý ra sao vì họ không có ngân sách để kéo sập chúng hay phát triển dự án mới.

    Để thu hút dân cư tới sinh sống và tránh biến các khu vực này trở thành “thành phố ma”, một số chính quyền đã mở ra chương trình nhà 1 USD, cho phép người chủ mới mua với giá rất rẻ đi kèm điều kiện phải trùng tu lại căn hộ.

    Tại Buffalo, New York, những người mua phải đồng ý với các điều kiện như sinh sống ít nhất 3 năm và sửa nhà trong 18 tháng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, chương trình này vẫn được mô tả là nhận được phản ứng không mấy bùng nổ từ người dân.

    Chính quyền địa phương nói rằng có rất ít người mua tiềm năng  đến tham quan các bất động sản bỏ hoang. Nhiều người đến xem nhưng lại ra về vì băn khoăn về chi phí cải tạo.

    Một căn nhà giá 1 USD ở Gary (Ảnh: GCD)

    Tại Gary, Indiana, chính quyền địa phương yêu cầu những người tham gia vào chương trình mua nhà 1 USD phải kiếm ít nhất 35.250 USD/năm và cải tạo căn nhà thành nơi đủ tiêu chuẩn để ở. Sau 5 năm, chính quyền sẽ giao toàn quyền sở hữu căn nhà cho người mua.

    Dù chi phí sửa chữa là không rẻ (trung bình 20-30.000 USD), nhưng chúng cũng không đắt đỏ bằng việc mua 1 căn nhà mới (46.000 USD).

    Hầu hết các bất động sản tham gia chương trình nhà 1 USD ở Gary, Buffalo hay St. Louis (Louisiana) đều trong tình trạng thiệt hại nghiêm trọng với tường hư hỏng, cửa sổ vỡ, phần mái trục trặc và đồ đặc gần như đã rỉ sét.

    Chương trình này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc người mua có xem những căn nhà này xứng đáng với khoản đầu tư hay không, bằng không nó sẽ trở thành gánh nặng và tệ hơn là không thể sinh lời.

    Theo lời các chuyên gia, những ngôi nhà 1 USD được coi là biểu tượng cho thấy sự đi xuống của những thành phố thuộc Vành đai Gỉ sắt cũng như sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn trong lòng nước Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo góc độ tích cực, đây cũng có thể là tấm vé hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho những thành phố ngày càng vắng bóng người này.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • “Những người công nhân, người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì mặc cảm. Chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp...” - Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực nêu quan điểm.

    Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất lành: phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu.

    Phát biểu tại hội thảo khoa học "Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp", ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất lành cho rằng, xây nhà thu nhập thấp trong các khu trung tâm là “rất phí” và chỉ nên xây nhà bán giá cao cho người giàu. Vị đại gia này cũng cho rằng, không nên tiếp tục thực hiện chính sách dành 20% quỹ đất hoặc diện tích sàn của các dự án cho nhà ở xã hội.

    VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực về quan điểm này.

    Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm người giàu không nên ở lẫn với người nghèo.

    Thật ra, nói người thu nhập thấp và người thu nhập cao mà không ở lẫn với nhau là mất đoàn kết, không có tính nhân văn, nhưng thực tế người thu nhập thấp khó lòng sống chung với người thu nhập cao.

    Ví dụ như người ta đang xây nhà thu nhập cao là 70-100m2, thì người thu nhập thấp làm sao có tiền để mua những căn hộ này được? Rồi chi phí dịch vụ ở nhà này cao thì người thu nhập thấp có chịu được hay không? Thứ ba là sinh hoạt phí của khu đó cao, ví dụ như một ly cà phê 20 ngàn hay ổ bánh mì 20 ngàn thì người thu nhập thấp có sống được không? Nên tôi nghĩ chúng ta phải thực tế là người thu nhập thấp phải ở riêng, ở một khu dành cho người thu nhập thấp.

    Chúng ta không phải đẩy họ vào khu ổ chuột, chúng ta vẫn có hạ tầng xã hội tốt và người thu nhập thấp vẫn sống thoải mái.

    Tôi nói thật, những người công nhân sống với nhau, người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì người nghèo nhiều khi mặc cảm. Vì vậy, chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp.

    Nhiều chuyên gia cho biết, quan điểm hiện đại ngày nay là ngoài việc cần phấn đấu xóa nhòa ranh giới giàu nghèo thì người nghèo và người giầu nên sống cộng sinh với nhau. Ví dụ như người nghèo cung cấp dịch vụ cho người giàu, như vậy, người giàu cũng được lợi mà người nghèo thì được đảm bảo sinh kế. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

    Ý tưởng đó rất hay nhưng tôi không nghĩ như vậy, bởi người giàu không phải lúc nào cũng có người giúp việc, và người giúp việc có khi từ tỉnh lẻ lên chứ không phải là những người nghèo đó. Còn mức sống của người giàu với người nghèo có chênh  lệch dễ làm cho người nghèo mặc cảm và khó sống.

    Nhưng nhiệm vụ của những nhà quản lý và những người xây dựng chính sách là làm sao để khoảng cách đó gần hơn và để người nghèo đỡ mặc cảm hơn chứ không phải là đẩy họ ra xa nhau. Ví dụ như có những chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp như giảm giá nhà, giảm phí dịch vụ, dành những căn hộ có diện tích nhỏ và nội thất không phải hạng sang... cho 20% nhà ở xã hội đó?

    Cái đó rất khó. Doanh nghiệp chúng tôi làm toàn nhà cao giá, ví dụ như Vincom, chúng tôi toàn làm nhà 100m trở lên, không thể nào trong khu vực đó lại có những căn hộ 30-40m. Rồi chúng tôi phải dùng thang máy như thế nào..., nên giá thành của chúng tôi cao. Làm sao mà chúng tôi  bán rẻ cho người thu nhập thấp được. Cho nên, ở những vị trí như trung tâm thành phố, không nên để cho người thu nhập thấp ở. Người thu nhập thấp phải đi xa mà ở.

    Thế với những người sinh ra, lớn lên, sống trên đất thổ cư của họ từ nhiều đời trong trung tâm thành phố thì sao. Từ trước đến nay, họ vẫn sống yên ổn cho tới khi những dự án xây nhà cho người giàu xuất hiện. Chẳng lẽ họ lại phải đi ra khỏi nơi đó để người giàu đến ở?

    Theo tôi, hãy trả tiền rất cao cho họ để họ mua một khu đất khác cho dễ sống. Ví dụ trong trung tâm Thành phố không thể nào có quán cơm xã hội, quán cơm từ thiện được. Quán cơm từ thiện là phải đi xa, còn ở trung tâm Thành phố toàn nhà giàu, phải ăn 50.000đ/1 tô cơm chứ không thể mà bán 10-15.000đ/ tô cơm được. Không thể nào đòi hỏi được. Người nghèo là không thể nào đòi hỏi được.

    Tóm lại, ông vẫn cho rằng cần phải tách biệt người nghèo ra khỏi người giàu?

    Đúng, tôi nói như vậy có thể là hơn 50% người dân sẽ nói tôi là kỳ thị, phân biệt, nhưng thực tế trong cuộc sống chúng ta phải chấp nhận là người nghèo thì phải tìm một nơi nào xa một chút, đất rẻ một chút, rồi mặt bằng sinh hoạt rẻ, không thể nào ở trung tâm được.

    Các nước tiên tiến đang cố gắng xóa dần khoảng cách, tìm giải pháp để người nghèo và người giàu có thể chung sống, trẻ em giàu và trẻ em nghèo có thể cùng chơi... còn quan điểm của ông có thể tạo ra sự cách biệt. Ngoài ra, trung tâm thành phố được đầu tư rất lớn từ nguồn lực của nhà nước như vườn hoa, công viên, quảng trường...  chứ không phải chỉ là của doanh nghiệp bỏ ra. Thực tế là doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ những hạ tầng đó. Vậy nguồn lực đó không lẽ chỉ để phục vụ cho người giàu? Ông không nghĩ như vậy là bất công hay sao?

    Đúng là như vậy thì cũng có sự bất công. Nhưng phải chấp nhận sự bất công đó, bởi vì xã hội hiện nay phân hóa hết rồi, chúng ta không có cách gì để kéo những khoảng cách đó lại.

    Xin hỏi, ông thuộc tầng lớp người giàu hay người nghèo?

    Tôi là người khá, chứ tôi không giàu.

    Vậy nếu ông là người nghèo, ông có chấp nhận sự bất công đó không?

    Tôi cũng là người từ tầng lớp thấp mà lên, và tôi cũng trăn trở cái sự bất công trong xã hội đó, nhưng sự thực không có xã hội nào hoàn toàn công bằng. Người nghèo thì phải cố gắng vươn lên làm giàu và nếu không vươn lên được thì phải chấp nhận như vậy chứ không thể nào đòi hỏi bình đẳng, thụ hưởng như người giàu được. Ví dụ như nhà nước mở trường công, người nhà giàu có thể gửi con trường quốc tế, đó là quyền của người giàu. Còn mình con nhà nghèo thì không thể đòi hỏi con mình cũng phải học trường quốc tế.

    Nhưng chúng ta đang nói đến chính sách của nhà nước...

    Đối với chính sách công, tôi cho là nhà nước phải có tính thực tế, bởi vì người nghèo người giàu không thể sống chung được, tôi nói là không thể sống chung được!

    Nếu cho người nghèo mua một căn  hộ chung với người cao cấp, tôi đảm bảo 1-2 năm sau họ cũng bán họ đi, họ bán giá cao họ đi. Rất nhiều người nhà tái định cư họ cũng không sống được và phải đi ra xa.

    Chúng ta rất dễ bị một cái nhân văn quá đáng là giải tỏa thì phải cấp nhà ở cho người ta. Tôi cho rằng nếu giải tỏa chỉ đền họ một số tiền, họ đi đâu là quyền của họ. Ở đây chúng ta giải tỏa xong lại cấp cho họ một căn hộ, nhưng người nghèo ở căn hộ đó không được, bị nhiều phí quá cuối cùng họ cũng bán mà đi. Tôi khẳng định 90% nhà tái định cư đều bán  hết.  Tôi bảo đảm nếu cho người nghèo ở chung với nhà giàu thì 90% chỉ 1-2 năm sau họ bán mà đi vì không sống nổi.

    Không giải quyết được bài toán phân hóa thì chúng ta phải chấp nhận thực tế. Phân hóa về tài sản, phân hóa về đẳng cấp thì phải phân hóa về chỗ  ở, xe đi lại, ăn mặc...

    Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

    Viethome (theo VnMedia)