Sẽ hết cửa kiếm chác tại Đại sứ quán Séc ở Hà Nội?

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc vừa đưa ra đề xuất nhằm khắc phục tình trạng bất công liên quan tới thị thực ở Đại sứ quán Séc tại Hà Nội.

Bộ Ngoại giao muốn chính phủ ban hành nghị định đặc biệt đối với Việt Nam cho những người muốn nhận được thị thực lao động, và việc xử lý hồ sơ sẽ không thực hiện tại Hà Nội nữa.

Qui chế này sẽ thay thế kênh tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ lao động. "Quyết định về cấp cư trú sẽ chuyển về lãnh thổ Séc, nơi có sự giám sát kiểm soát tốt hơn," thứ trưởng Ngoại giao Martin Smolek giải thích.

Người dân rồng rắn xếp hàng chờ vào làm thị thực ở ĐSQ Séc tại Hà Nội. Nhiều người phải xếp hàng tới vài ngày, có người phải thuê nhà trọ để chầu chực cả tháng. Cảnh tượng này đã tiếp diễn hơn 15 năm nay. Theo người dân, nguyên nhân là do "cò" gây ra.

Trong qui chế đặc biệt này, người lao động nếu thỏa thuận được với công ty ở Séc có thể nhận được giấy phép. Bởi sẽ chắc chắn có chỗ đến lượt để nộp hồ sơ vào lãnh sự Séc ở Hà Nội. Theo ước tính sơ bộ của Martin Smolek, chương trình này có thể có số lượng vài trăm chỗ.

Theo bộ Ngoại giao, biện pháp này còn có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng đơn kiện nhằm vào cơ quan nhà nước vì không tuân thủ qui trình giải quyết công bằng. Nghĩa là người có nhu cầu thì không thể tự nộp hồ sơ. Và điều này một phần là do tác động bên ngoài can thiệp vào hệ thống đăng ký mà hiện nay cơ quan chức năng đang thụ lý.

Hiện tại bộ Ngoại giao đang phải đương đầu với khoảng 600 đơn kiện của người Việt Nam và các trường hợp này do một số văn phòng luật sư ở Séc làm đại diện.

"Chúng tôi tìm cách để những người này có thể nhận được thị thực mà không phải trả hàng chục nghìn Mỹ kim hối lộ," Petr Václavek từ văn phòng luật Čechovský a Václavek nói và bổ xung: "Có nhiều nhà máy đã sẵn sàng vị trí làm việc cho những người này. Họ đề nghị chúng tôi hỗ trợ để đưa được những nhân lực này sang."

Luật sư Marek Sedlák đại diện cho nhiều người thất bại trong nỗ lực nộp hồ sơ vào ĐSQ Séc, cho biết: "Tôi không phủ nhận là điều này đem lại lợi nhuận. Số tiền phải trả cho dịch vụ pháp lý ít hơn nhiều so với khoản tiền phải bỏ ra để "mua chỗ" ở Việt Nam".

Viethome (theo vietinfo)