• Julian Elliot, một nhiếp ảnh gia du lịch người Anh, mang theo một chiếc Macbook Pro 15 inch thuộc series dính lỗi pin nóng, bị Apple thu hồi.

    Nhiếp ảnh gia cho biết anh tới TP HCM du lịch bằng chuyến bay của Air France. Khi tới Việt nam, Elliot bay hai chuyến nội địa bằng Vietnam Airlines mà không gặp vấn đề gì. Chuyến bay đầu tiên của anh là từ TP HCM đến Hà Nội. "Ở cửa kiểm tra an ninh, họ kiểm tra số seri trên laptop của tôi. Họ kiểm tra rất kỹ và bảo tôi rằng nó ổn". Chuyến bay thứ hai của Elliot từ Hà Nội tới Đà Nẵng cũng diễn ra tương tự.

    Đến khi bay từ Việt Nam sang châu Âu, Elliot mới gặp rắc rối. Anh kể: "Ban đầu, họ nhắc tôi rằng không được bật laptop khi đang bay. Nhưng sau đó, bộ phận an ninh quyết định từ chối cho tôi lên máy bay". Người quản lý đã gợi ý Elliot để lại laptop cho một người bạn ở Việt Nam nhưng anh từ chối với lý do cần thiết bị để làm việc, đặt khách sạn và phục vụ nhiều mục đích khác.

    "Khi chuyến bay của tôi đã cất cánh, Vietnam Airlines từ chối cung cấp cho tôi nơi ăn chốn ở. Tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của một công ty du lịch Việt Nam, những người đã mời tôi đến đây, để tìm chỗ trú. Bạn buộc phải tự hỏi mình rằng nếu một hãng hàng không đánh giá một việc nào đó là quan trọng thì lẽ ra phải thông báo tới toàn khách hàng trước chuyến bay. Tuy vậy, chẳng có động thái nào tương tự đối với chuyến đi của tôi cả và cả hai lần tôi mang laptop lên máy bay thì đều được xem xét là an toàn", anh nói. Cả Julian Elliot lẫn trang Independent khẳng định họ không thấy bất cứ cảnh báo nào trên website chính thức của Vietnam Airlines.

    Elliot cho biết anh đang chờ laptop được thay pin. Tuy vậy, thời gian chờ có thể kéo dài tới hai tuần bởi linh kiện phải được chuyển từ Singapore về Việt Nam. Nhiếp ảnh gia nói thêm anh xin thị thực nhập cảnh sân bay (visa-on-arrival) khi đến Việt Nam. Visa sắp hết hiệu lực nên buộc anh phải chi 65 USD (hơn 1,5 triệu đồng) để gia hạn. Elliot phải bay tới Romania vào ngày 30/9 để làm việc nhưng cũng phải huỷ chuyến đi này.

    "Sẽ có những nơi tồi tệ hơn để bị kẹt lại nhưng giờ tôi còn không biết bảo hiểm du lịch của mình có chi trả cho những rắc rối hiện tại hay không", anh chia sẻ.

    Independent cho biết đã liên hệ với Vietnam Airlines và đang chờ câu trả lời.

    Một chiếc MacBook Pro 15 inch dính lỗi pin quá nóng. Ảnh: Petapixel

    Hồi tháng 6, Apple tuyên bố thu hồi một số model Macbook Pro 15 inch bán từ tháng 9/2015 đến 2/2017 vì lỗi pin quá nóng, có thể cháy nổ gây mất an toàn. Các mẫu máy bị thu hồi được xác định theo số serial của sản phẩm chứ không phải toàn bộ máy bán trong thời gian này. Hãng nói chỉ "số lượng hạn chế" máy cần được thu hồi vì lỗi quá nóng. Các mẫu MacBook Pro 13 inch sản xuất trong cùng khoảng thời gian không gặp vấn đề này.

    Đến tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam thông báo cấm vận chuyển laptop 15 inch của Apple dưới mọi hình thức, bao gồm đem theo lên khoang máy bay, hành lý ký gửi hay thông qua đường hàng hóa. Hành khách làm trái quy định có thể bị từ chối vận chuyển và xử phạt. Trên chuyến bay, nếu tổ bay phát hiện có máy tính trong diện bị cấm, người sở hữu phải tắt nguồn máy tính, không sạc pin và tuân thủ các yêu cầu hàng không.

    Theo VnExpress

  • Tại CH Czech và Ba Lan, những quốc gia có chính sách cứng rắn về người nhập cư, cộng đồng người Việt vẫn phát triển mạnh mẽ và được đánh giá cao.

    Trung tâm thương mại Sapa nổi tiếng của người Việt tại Prague. Ảnh chụp màn hình Fin Nomads

    Vấn đề người tị nạn và nhập cư, đặc biệt là từ Syria, đang là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh và xã hội đối với châu Âu. Nhiều thành viên EU quyết liệt phản đối các chính sách của khối về tiếp nhận thêm người nhập cư và tị nạn.

    Trong đó, các chính phủ cánh hữu và trung hữu tại Ba Lan và CH Czech đưa ra một số biện pháp cứng rắn, còn cư dân sở tại cũng có cái nhìn không thiện cảm đối với người nhập cư, theo tờ The Economist. Trong bối cảnh này, riêng cộng đồng người Việt vẫn phát triển thịnh vượng, có nhiều đóng góp cho nước sở tại.

    Ba Lan và CH Czech là những quốc gia có tỷ lệ người Việt sinh sống cao nhất châu Âu. Ước tính hiện có khoảng 40.000 - 50.000 người Việt tại Ba Lan. Con số này ở CH Czech là gần 65.000 người mang quốc tịch Việt và hơn 25.000 người CH Czech gốc Việt, theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người VN tại châu Âu, đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Người VN tại CH Czech.

    Đặc biệt, từ tháng 7.2013, chính phủ CH Czech đã công nhận cộng đồng người VN là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Trả lời Thanh Niên, ông Thắng nhận định đây là sự ghi nhận về năng lực hội nhập và những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt với xã hội sở tại.

    Tại cả hai quốc gia, người Việt đều hội nhập tốt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc VN - CH Czech và VN - Ba Lan.

    Phần lớn người Việt ban đầu do gặp rào cản ngôn ngữ nên làm các công việc như buôn bán hàng thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép và hàng may mặc… Một số người năng động đã mở các trung tâm thương mại hoặc thiết lập các chuỗi bán buôn, bán lẻ.

    Không ít người đã gặt hái thành công lớn như doanh nhân Tào Ngọc Tú, đến Ba Lan từ thời sinh viên. Ông hiện là chủ một công ty chuyên nhập khẩu gia vị châu Á vào Ba Lan và có tên trong danh sách những người giàu nhất ở nước này. Doanh nhân Nguyễn Thái Ngọc là chủ Sportisimo, công ty bán đồ thể thao lớn nhất CH Czech với hơn 100 cửa hàng tại nước này và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

    Bên cạnh thế hệ người Việt nhập cư đầu tiên trong thập niên 1980, thế hệ thứ hai tại hai nước cũng hội nhập và phát triển tốt, với nhiều người trở thành luật sư, giáo sư, bác sĩ… Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt là sự xuất hiện của những ngôi chùa và trung tâm văn hóa mang đậm nét Việt. Phở và chả giò là các món ăn đang rất được ưa chuộng ở Warsaw và Prague.

    Nhờ những thành quả này, người dân địa phương cũng có thái độ cởi mở đối với cộng đồng người Việt hơn so với những người nhập cư khác, theo The Economist.

    Trong cuộc bầu cử năm ngoái, cử tri CH Czech tiếp tục bầu cho Tổng thống Milos Zeman, người có quan điểm nghi ngại đối với người nhập cư. Kết quả thăm dò dư luận của Tổ chức nghiên cứu Pew, có trụ sở tại Mỹ, cũng cho thấy gần một nửa số người được hỏi ở nước này cho rằng nên hạn chế người nhập cư. Tuy nhiên trong nhiều bài phát biểu, Tổng thống Zeman thường đánh giá cao sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Czech và cho rằng đây là mẫu mực của sự hội nhập giữa hai nền văn hóa khác nhau.

    Nhiều người Việt sống ở CH Czech và Ba Lan cũng cho biết theo thời gian, người dân hai nước này đã xem họ là nhóm người nhập cư “an toàn”. Chị Anh Tuyet Nguyen, một chủ quán cà phê ở Prague, kể chị thường nghe nhiều người dân bản địa nói rằng người Việt “chăm chỉ”, để so sánh với các nhóm nhập cư khác bị họ cho là “đang ăn bám nhà nước”.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Trung tâm Quốc gia chống tội phạm có tổ chức (NCOZ) trong hai năm đầu tồn tại của mình ghi nhận những xu hướng mới, như các đám cưới của nữ công dân Séc với người ngoại quốc, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và chính sách di trú "dễ dãi bất thường" của CH Séc trong quan hệ đối với Việt Nam.

    Trong báo cáo tình hình thường niên vừa được công bố, NCOZ cũng lưu ý tới ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như các tổ chức tội phạm nói tiếng Nga nỗ lực nắm quyền kiểm soát của mình trên lãnh thổ Séc. NCOZ cũng cảnh báo trước làn sóng nguy hiểm khi Hồi giáo thâm nhập không kiểm soát được vào Séc.

    Theo NCOZ, các đám cưới có chủ đích được các băng nhóm tội phạm tổ chức. Phụ nữ Séc làm đám cưới tại Séc hay ở nước ngoài để lấy tiền và tạo cơ hội cho "chồng" thâm nhập lãnh thổ EU và nhận quyền vĩnh trú. "Chứng minh hoạt động phạm pháp này không đơn giản, bởi phụ nữ không bị cưỡng bức đưa ra nước ngoài, mà trái lại nhờ cung cấp dịch vụ hôn thú như vậy nhận được số tiền không nhỏ," NCOZ đánh giá đồng thời bổ sung, là phụ nữ Séc ở lại nước ngoài không hiếm trường hợp hành nghề bán dâm.

    Trong lĩnh vực tội phạm có tổ chức trên lãnh thổ Séc từ lâu chủ yếu các băng đảng nói tiếng Nga, châu Á và vùng Balkan. "Tất cả có nét chung sử dụng thủ đoạn hối lộ mức độ lớn để thâm nhập vào các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương," NCOZ nhấn mạnh.

    Trong những năm gần đây theo NCOZ, mức độ tội phạm gia tăng đáng kể liên quan tới vấn đề thị thực và hợp pháp hóa cư trú của người Việt Nam. Báo cáo của NCOZ nói đến số tiền 220 nghìn đến 400 nghìn korun mà những người muốn có thị thực Séc phải bỏ ra. "Hoạt động tội phạm này được khích lệ cả bởi chính sách di trú quá mức dễ dãi của CH Séc, mà hệ quả của nó được nhân rộng sau khi tuyên bố người nói tiếng Việt là sắc tộc thiểu số, nghĩa là hành vi tội phạm dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều dưới vỏ bọc đoàn tụ gia đình," báo cáo của NCOZ khẳng định.

    Tội phạm Việt Nam, mà ở CH Séc chủ yếu trong các lĩnh vực lừa đảo thuế, buôn bán ma túy và rửa tiền, ngày càng biến hóa luồn lách để vượt qua các quy định pháp luật của CH Séc. Tội phạm Việt Nam biết cách hóa giải những biện pháp nghiệp vụ mà cảnh sát sử dụng để đối phó với họ, cùng với tiềm lực tài chính vô hạn để hối lộ quan chức, do đó gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho công tác điều tra phát giác hoạt động tội phạm.

    Viethome (theo vietinfo)

  • Cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại châu Âu với mức thu nhập thậm chí còn cao hơn so với thu nhập bình quân của người bản địa.

    Theo số liệu trong thời gian gần đây của Cục Thống kê Czech (Cộng hòa Séc), thu nhập bình quân của người Séc đạt xấp xỉ 345.000 Koruna tương đương gần 9.182 USD/năm (chưa trừ thuế thu nhập và trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt làm nghề nail tại đây dao động 2.500-3.500 USD/tháng, gấp gần 4 lần.

    Số liệu trên cho thấy, nghề làm nail của cộng đồng người Việt tại nước ngoài không chỉ phát triển và có tiềm năng ở Mỹ, Australia mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

    Ông chủ Việt sở hữu 20 tiệm nail ở Cộng hòa Séc

    Câu chuyện về ông tổ nghề nail – Đỗ Thuyên, người học và truyền nghề cho hàng nghìn lao động Việt đã từng được cộng đồng người Việt ở nước ngoài truyền tai nhau.

    Quê hương ở Vĩnh Phúc, năm 1984, ông Thuyên quyết định đặt chân đến mảnh đất xa lạ Đông Âu với công việc tại một nhà máy sản xuất ô tô. Năm 1993, khi nơi này chia tách, ông quyết định ở lại Czech (Cộng hòa Séc) và chuyển sang kinh doanh vải may mặc.

    Tuy nhiên, với kinh tế khó khăn, thị trường thay đổi chóng mặt, lượng tiêu dùng của người dân giảm kéo theo công việc kinh doanh của gia đình không được thuận lợi. Ông bắt đầu tham khảo các nghề của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó, chú ý nhất đến nghề nail khi đang rất phát triển ở Mỹ, Canada, Anh, Australia…

    Dù rất tâm huyết với nghề này, nhưng phải đến năm 2005, khi London cho phép người Việt có quốc tịch Châu Âu tự do đi lại, ông Thuyên mới có cơ hội sang Anh học nghề.

    Sau một tháng ở London, ông Thuyên lại tiếp tục sang Đức nâng cao trình độ. Khi có chứng chỉ học nghề, tin mình sẽ làm được, doanh nhân người Việt đã trở về Cộng hòa Séc với mong muốn phát triển nghề cho cộng đồng người Việt đang khó khăn ở đây.

    Khi ấy, nghề nail chưa được biết nhiều, tìm người theo học rất khó. Do vậy, ông quyết định về Việt Nam tuyển thợ. Dù nhiều người còn nghi hoặc, song ông thuyết phục bằng được người nhà, con cháu, hàng xóm… theo học. Cuối cùng, ông cũng tuyển được 60 người sang Séc làm việc.

    Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu tiến triển, ông Thuyên thành lập Công ty Euro Nail với chiến lược mở rộng địa bàn. Chỉ sau một năm, Euro Nail đã xuất hiện trong các trung tâm thương mại ở 4 quốc gia Slovakia, Czech, Đức, Thụy Điển.

    Sau hơn 10 năm miệt mài phát triển, ông Thuyên đã sở hữu tới 20 tiệm nail (đã cổ phần và nhượng quyền hơn 20 tiệm) với trên 250 thợ, cho mức thu nhập trung bình khoảng 2.500-3.500 USD/tháng/người – cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân người bản địa. Ông cho biết, đã rất nhiều người Việt tại Séc đã đi lên từ nghề này.

    Cạnh tranh khốc liệt nhưng nail vẫn là nghề hái ra tiền

    Nghề làm nail của cộng đồng người Việt đã phát triển ở Mỹ 40 năm, Anh hơn 30 năm, ở Cộng hòa Séc chỉ mới khoảng 10 năm, tuy nhiên, tiềm năng tại đây còn rất nhiều.

    Ông Thuyên cho biết, ước tính, Châu Âu cần khoảng ít nhất 5.000-7.000 thợ làm móng nữa vẫn đáp ứng được công ăn việc làm tốt cho người lao động. Khi thị trường càng cạnh tranh thì nghề này càng phát triển.

    Hiện chỉ tính riêng Cộng hòa Séc, khoảng 300 tiệm nail khác nhau đã mọc lên với hàng nghìn thợ. Cũng chính vì sự nở rộ của nghề này nên việc cạnh tranh là không tránh khỏi, kéo theo giá làm mail giảm hơn một nửa, từ 50 Euro (hơn 55 USD)/bộ xuống khoảng 20-30 Euro. 

    Tuy nhiên, theo ông Thuyên, giá rẻ, chất lượng nghề đi lên, nhu cầu người dân ngày càng nhiều nên doanh thu của các tiệm vẫn tăng cao.

    Có thể đánh giá một cách khách quan, hiện cộng đồng người Việt đã và đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong nghề nail tại châu Âu. Nghề này cũng đang đứng đầu danh sách những nguồn việc làm lớn nhất cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

    Tuy nhiên, để có mức thu nhập như hiện tại, thợ làm nail cũng vô cùng vất vả và chắc hẳn người bản địa khó mà làm được. Trung bình giờ làm việc của một thợ nail kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối cùng với đó là ảnh hưởng về sức khỏe khi tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.

    Song có thể khẳng định, nail là nghề đã tạo nên thương hiệu của người Việt nơi xứ người. Và với mức thu nhập như hiện tại, cuộc sống của cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới sẽ sung túc hơn rất nhiều.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc vừa đưa ra đề xuất nhằm khắc phục tình trạng bất công liên quan tới thị thực ở Đại sứ quán Séc tại Hà Nội.

    Bộ Ngoại giao muốn chính phủ ban hành nghị định đặc biệt đối với Việt Nam cho những người muốn nhận được thị thực lao động, và việc xử lý hồ sơ sẽ không thực hiện tại Hà Nội nữa.

    Qui chế này sẽ thay thế kênh tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ lao động. "Quyết định về cấp cư trú sẽ chuyển về lãnh thổ Séc, nơi có sự giám sát kiểm soát tốt hơn," thứ trưởng Ngoại giao Martin Smolek giải thích.

    Người dân rồng rắn xếp hàng chờ vào làm thị thực ở ĐSQ Séc tại Hà Nội. Nhiều người phải xếp hàng tới vài ngày, có người phải thuê nhà trọ để chầu chực cả tháng. Cảnh tượng này đã tiếp diễn hơn 15 năm nay. Theo người dân, nguyên nhân là do "cò" gây ra.

    Trong qui chế đặc biệt này, người lao động nếu thỏa thuận được với công ty ở Séc có thể nhận được giấy phép. Bởi sẽ chắc chắn có chỗ đến lượt để nộp hồ sơ vào lãnh sự Séc ở Hà Nội. Theo ước tính sơ bộ của Martin Smolek, chương trình này có thể có số lượng vài trăm chỗ.

    Theo bộ Ngoại giao, biện pháp này còn có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng đơn kiện nhằm vào cơ quan nhà nước vì không tuân thủ qui trình giải quyết công bằng. Nghĩa là người có nhu cầu thì không thể tự nộp hồ sơ. Và điều này một phần là do tác động bên ngoài can thiệp vào hệ thống đăng ký mà hiện nay cơ quan chức năng đang thụ lý.

    Hiện tại bộ Ngoại giao đang phải đương đầu với khoảng 600 đơn kiện của người Việt Nam và các trường hợp này do một số văn phòng luật sư ở Séc làm đại diện.

    "Chúng tôi tìm cách để những người này có thể nhận được thị thực mà không phải trả hàng chục nghìn Mỹ kim hối lộ," Petr Václavek từ văn phòng luật Čechovský a Václavek nói và bổ xung: "Có nhiều nhà máy đã sẵn sàng vị trí làm việc cho những người này. Họ đề nghị chúng tôi hỗ trợ để đưa được những nhân lực này sang."

    Luật sư Marek Sedlák đại diện cho nhiều người thất bại trong nỗ lực nộp hồ sơ vào ĐSQ Séc, cho biết: "Tôi không phủ nhận là điều này đem lại lợi nhuận. Số tiền phải trả cho dịch vụ pháp lý ít hơn nhiều so với khoản tiền phải bỏ ra để "mua chỗ" ở Việt Nam".

    Viethome (theo vietinfo)

  • Theo BBC, từ ngày 18/7, chính phủ Cộng hòa Séc đã tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn theo mục đích lao động hoặc kinh doanh đối với người Việt Nam. Một trong những lý do là lo ngại rủi ro “nhập khẩu tội phạm người Việt”. Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek ngày 19/7 nói rằng Việt Nam đã tồn tại rủi ro “an ninh trong việc xuất khẩu tội phạm có tổ chức”.

    Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek (Ảnh: Getty)

    Ông Hamacek nói sắp tới Séc chỉ ưu tiên cho việc tiếp nhận hồ sơ giấy phép cư trú theo mục đích đoàn tụ gia đình từ Việt Nam. Người Việt được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Séc từ năm 2013 và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở nước này, sau Ukraine và Slovakia.

    Ngày 24/7, trang Radio Praha của Séc dẫn lời cựu Ngoại trưởng Séc Lubomir hoan nghênh quyết định ngừng visa cho người Việt. Ông Zaoralek nói diễn biến xảy ra sau khi Séc đã cố gắng tìm giải pháp song phương. “Chúng tôi từng cố gắng giải quyết thông qua hợp tác. Ví dụ, chúng tôi muốn hợp tác để kiểm soát tốt hơn những ai đến từ Việt Nam.” “Chúng tôi cũng muốn có thể loại bỏ những người dính líu tội phạm có tổ chức.”

    Hồi tháng 6/2017, Việt Nam lên án ông Lubomir Zaoralek khi đó là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Czech, vì phát ngôn về người Việt. Cựu Ngoại trưởng Zaoralek nói: “Người Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” của nước này. Ông nói rằng sản xuất ma túy là vấn đề lớn nhất liên quan đến tội phạm người Việt.

    Khi đó trang web của Đài tiếng nói Việt Nam vov.vn có bài phản ứng chỉ trích phát ngôn của ông Zaoralek “là không thiện chí đối với Việt Nam, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước”.

    Trang web của Đại Sứ quán Séc ở Hà Nội thông báo tổng đài điện thoại phục vụ việc đăng ký lịch hẹn phỏng vấn vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ dành cho người xin giấy phép cư trú theo mục đích đoàn tụ gia đình, học tập và các mục đích khác ngoại trừ xin cấp thẻ Lao động.

    “Lý do Cộng hòa Séc đưa ra biện pháp này vì hiện nay Đại sứ quán Séc tại Hà Nội đang quá tải về số lượng đơn xin cấp thẻ Lao động và thị thực dài hạn theo mục đích kinh doanh, đồng thời Hội đồng Anh ninh Quốc gia Cộng hòa Séc đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác”, Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek phát biểu.

    Viethome (theo BBC)