Ký ức kinh hoàng của người tị nạn vượt biển trên chiếc xuồng cao su

"Khi nước tràn vào thuyền, mọi người đều la hét, trẻ em khóc. Tôi thấy tử thần đang tới và tất cả sắp chết đuối", một người di cư Iraq kể lại chuyến vượt biển nguy hiểm.

Viethome tre em ti nanNhiều gia đình phải rời Iraq để tới châu Âu vì cuộc chiến sắc tộc tại quê hương. (Ảnh minh họa)

Ibthal Aljryan, 26 tuổi, cùng chồng Haydar Bakli, 33 tuổi, và hai con gái là Omayma, 5 tuổi, và Amna, 3 tuổi, vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos của Hy Lạp. Họ là công dân của thủ đô Baghdad, Iraq nhưng phải chạy khỏi đất nước vì bạo lực sắc tộc giữa người Shiite và Sunni đang ngày càng tồi tệ, theo Daily Mail.

Sau khi tới thành phố Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, gia đình Aljryan gặp một nhóm buôn lậu. Những người đó nói rằng họ có thể đưa gia đình cô tới Hy Lạp. Aljryan và Bakli đồng ý. Họ đưa gia đình Aljryan tới một ngôi nhà. Nhiều người khác cũng chờ ở đó để lên thuyền tới Hy Lạp.

Vào một đêm, những kẻ vận chuyển thông báo chuyến hành trình vượt biên sắp bắt đầu. Gia đình Aljryan cùng những người cùng cảnh ngộ khời hành lúc 4h. Họ phải trốn trong thùng sau của xe tải. Nó hoàn toàn đóng kín. Dù phải ngồi trong đó khoảng 30 phút nhưng họ cảm giác quãng thời gian ấy kéo dài nhiều giờ.

Sau khi xuống xe tải, những kẻ dẫn đường yêu cầu nhóm di cư mặc áo phao và nói họ phải lội qua những con sóng để tới thuyền. "Tôi và chồng đều lo cho các con. Đó là một xuồng cao su có chiều dài khoảng 8 m và chiều rộng 2 m. Tổng cộng 48 người lên tàu", Aljryan nói.

Theo người phụ nữ, đây là lần thứ hai gia đình cô tìm cách vượt biên để tới châu Âu. Họ dự tính tới Italy trên một thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng một tuần trước. Nhưng kế hoạch bất thành. Sau khi nhóm người di cư trả tiền cho những kẻ dẫn đường, chúng đưa họ lên một thuyền lớn. Họ lênh đênh trên biển trong 28 tiếng.

"Hai con gái của tôi đều rất sợ hãi. Chúng đổ bệnh và khóc. Cảnh tượng bên trong thuyền rất khủng khiếp. Nó chật chội, bẩn và có nhiều người ốm. Chúng tôi không có nước và nhà vệ sinh", Aljryan nhớ lại.

viethome tre em ti nan 2Bất chấp nguy hiểm, hàng trăm người chen chúc trên một chiếc xuồng vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu. Ảnh: Reuters

Trong cuộc hành trình, nhóm tị nạn gặp cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ và họ yêu cầu thuyền quay lại điểm xuất phát. Mọi người đều cảm thấy suy sụp bởi họ đã trả khoảng 1.000 USD mỗi người cho chuyến đi. Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, tên buôn người nói rằng trong trường hợp gặp lực lượng bảo vệ bờ biển, anh ta sẽ đưa họ lên một thuyền khác và mọi người không phải trả thêm tiền.

Nhóm di cư lên thuyền khác, nhưng chỉ một lúc sau, động cơ hỏng. Họ lênh đênh trên biển trong hai tiếng. "Khi nước biển tràn vào thuyền, mọi người đều hét lên còn trẻ em bật khóc. Nhiều người chỉ biết cầu nguyện. Cảnh tượng thật tồi tệ. Tôi thấy tử thần đang tới gần và mọi người sắp chết đuối. Chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi", Aljryan kể.

Đột nhiên nhóm người di cư trông thấy tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển. Các nhân viên trên tàu thấy họ và sơ tán mọi người lên tàu. "Lực lượng trên tàu nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Anh và yêu cầu mọi người ngồi yên tại chỗ, không đứng lên đề phòng thuyền lật. Họ đưa trẻ em và phụ nữ lên tàu trước. Những người đó rất tốt và mọi người đều vui mừng vì được cứu, dù một số người vẫn còn lo lắng", người phụ nữ Iraq nói.

Khi nhóm người đặt chân tới Hy Lạp, cảnh sát dẫn họ tới trại. Đó vốn là một khách sạn bỏ hoang. Nó dơ bẩn với những nệm ố vàng và hoàn toàn không hợp vệ sinh. "Chúng tôi thấy rất nhiều thanh niên đi xung quanh trại. Họ tới từ các nước như Afghanistan, Pakistan. Đây rõ ràng không phải là một nơi an toàn cho các con gái tôi. Chồng tôi quyết không thể ở lại đó nên tôi đã thuê một căn phòng. Chúng tôi có khoảng 100 Euro để thuê nó trong vài đêm", Aljryan nói.

Hộ chiếu của cả 4 người hiện ở đồn cảnh sát tại đảo Kos. Gia đình Aljryan đang chờ để lấy giấy tờ và hy vọng sớm rời khỏi trại để tới Athens. Tuy nhiên, gia đình Aljryan không biết phải đi đâu sau đó bởi họ cảm thấy hoang mang. "Tôi muốn tới nơi mà các con tôi có một cuộc sống tốt đẹp. Nơi ấy phải có bệnh viện, trường học - nơi mà chúng có tương lai. Cuộc sống của tôi và chồng đã quá khổ nên chỉ muốn các con có tương lai tươi sáng. Tôi có hai người cô đang sống tại Anh hoặc có lẽ là Đức. Tôi không biết chính xác tung tích của họ", Aljryan tâm sự.

Viethome (theo Zing)