Lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu giảm 30% trong quý I/2025

Số lượng người di cư bất hợp pháp qua biên giới châu Âu đã giảm 30% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, Cơ quan biên giới Frontex của EU cho biết và nói thêm rằng sự sụt giảm này diễn ra trên tất cả các tuyến đường di cư chính vào châu Âu, tương đương với giảm gần 33.600 lượt người trong 3 tháng đầu năm nay.

Mức giảm lớn nhất (64%) là dọc theo các tuyến đường qua Albania, Serbia, Montenegro và Bắc Macedonia, trong khi số lượng người di cư vào Vương quốc Anh giảm 4%.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức cho rằng việc EU tập trung mạnh vào việc răn đe và đóng cửa biên giới đã thúc đẩy người di cư đi theo những tuyến đường nguy hiểm hơn để có thể vào châu Âu.

giam nnc vao chau au
Người di cư vào EU giảm gần 33.600 lượt người trong 3 tháng đầu năm nay. Ảnh: Nhandan

Châu Âu ra quy định mới về xử lý đơn xin tị nạn

Ngày 16/04, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một số đề xuất lập pháp nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý một số trường hợp trong Hiệp ước Tị nạn và Di cư, dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2026.

Trong thông báo mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã thành lập một danh sách ban đầu gồm 7 nước "an toàn" bao gồm Kosovo, Bangladesh, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Morocco và Tunisia.

Theo đó, các nước thành viên Khối 27 sẽ buộc phải xử lý nhanh chóng các đơn xin tị nạn của các công dân thuộc 7 nước này, rút xuống tối đa là 3 tháng thay vì 6 như trước đây. Đồng thời, các hồ sơ này cũng có thể được giải quyết trực tiếp tại biên giới EU.

EC cho biết thêm danh sách các nước "an toàn" sẽ được mở rộng. Các quốc gia đang là ứng cử viên cho việc gia nhập EU như Albania, Serbia, Montenegro, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng trong "tầm ngắm" bởi họ đều đáp ứng đủ "tiêu chí để được chỉ định là quốc gia xuất xứ an toàn" với số lượng đơn xin tị nạn vào châu Âu cao và tỷ lệ phản hồi thuận lợi thấp, cụ thể là dưới 5%. Các quốc gia đang có "tình hình đặc biệt" như Ukraine, hoặc chịu lệnh trừng phạt của EU sẽ được coi là ngoại lệ.

Theo EC, mục đích của việc thành lập danh sách "an toàn" là để giảm thiểu gánh nặng hành chính cho một số nước thành viên Khối 27 đang phải đối mặt với số lượng đơn xin tị nạn khổng lồ như Italia, Pháp hay Đức.

EC cũng nhấn mạnh đối với một số nước đã thiết lập danh sách "an toàn" trước đó như trường hợp của Pháp với khoảng 10 quốc gia, trong đó có Serbia và Mông Cổ, số lượng thành viên trong danh sách sẽ bao gồm cả những thành viên cũ. Tuy nhiên, các nước khác thuộc Khối 27 sẽ không bắt buộc phải áp dụng theo danh sách bổ sung của Pháp mà có thể tự do cập nhật danh sách theo khuyến nghị của EU.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu còn khuyến khích các quốc gia thành viên có mong muốn áp dụng Hiệp ước tị nạn và di cư đẩy nhanh quá trình thiết lập chế độ "hồi hương". Thay vì đợi một thỏa thuận của EC, các thành viên EU có thể tự liên hệ với một nước thứ ba và đàm phán với họ để thành lập một trung tâm "tị nạn". Trung tâm này sẽ là nơi tạm cư trú của các công dân bị từ chối quyền tị nạn. Điều này sẽ giúp Liên minh giảm thiểu các chi phí liên quan đến người nhập cư và đẩy nhanh quá trình hồi hương của họ.

Ngay sau khi được công bố, các biện pháp mới của EU đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Phía Rome cho rằng đây là một thành công của Chính phủ Italia. Trong khi đó các nghị sĩ Đảng Xanh châu Âu coi quyết định này là sự "mù quáng" khi không tôn trọng quyền được xin tị nạn của công dân thuộc các quốc gia nằm trong danh sách "an toàn".

Về phía các quốc gia mới được nêu tên, một số ý kiến nhấn mạnh đây là sự vi phạm trắng trợn về quyền cơ bản của con người.

Theo VOV Paris