Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh dự kiến kế hoạch mới giải quyết vấn đề người tị nạn tại nước này. Theo đó, công dân một số nước, trong đó có Việt Nam, nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh có thể sẽ bị trục xuất về nước.
Hình ảnh người tị nạn bị bắt giữ chờ trục xuất
Theo kế hoạch trước đây, khoảng 90.000 người nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh dự kiến được đưa sang Rwanda. Kế hoạch mới - dự kiến được Chính phủ Anh công bố trong vài ngày tới - sẽ xem xét việc cấp quy chế tị nạn tại Anh đối với số người này.
Hội đồng Người tị nạn Anh ước tính khoảng 60.000 trong số 90.000 người nói trên sẽ được cấp quy chế tị nạn dựa trên đánh giá cụ thể tình hình tại quốc gia xuất phát. Tuy nhiên, cũng theo tổ chức từ thiện có trụ sở tại Anh, khoảng 30% đơn xin tị nạn của những người đến từ các quốc gia được đánh giá là “an toàn” như Việt Nam, Albania, Ai Cập và Ấn Độ có thể sẽ bị từ chối và nhanh chóng bị trục xuất về nước.
Hiện tại, Chính phủ Anh chi khoảng 2,9 triệu bảng (3,75 triệu USD) mỗi ngày để đảm bảo nơi ăn ở và sinh hoạt cho gần 36.000 người xin tị nạn tạm trú trong các khách sạn. Bộ trưởng Nội vụ của nước này, Yvette Cooper, đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng này trong vòng một năm.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ Anh, các hành vi quảng cáo cho hoạt động buôn người hoặc đưa người vượt biên trái phép vào Anh có thể bị phạt tù tới 5 năm. Ngoài ra, các hành vi như cung cấp thuyền và thiết bị để hỗ trợ các đường dây buôn người đưa người di cư trái phép đến Anh cũng sẽ bị phạt.
Bài liên quan: Hậu quả sau 2 tháng bị nhốt trong trại di dân: nhiều người mất chỗ ở, phải học lại từ đầu
Những người bị tạm giam theo chính sách Rwanda, sau khi được thả ra đã phải đối mặt với việc phải di chuyển nơi cư trú và gián đoạn việc học.
Một người nhập cư Syria nằm trong số 220 người bị giam giữ chờ trục xuất. Sau khi được thả, anh cho biết mình đã mất hết mọi thứ. Các nhà phê bình đã chỉ trích chiến dịch bố ráp trước bầu cử của ông Sunak là một màn phô diễn không cần thiết, khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Keir Starmer tuyên bố chính sách Rwanda "đã chết và đã đem chôn" nhưng trong một phiên tòa tối cao tuần này, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper cho biết bà sẽ trình bày rõ quan điểm của mình về Luật Rwanda và các hướng dẫn liên quan vào ngày 1 tháng 10 tới.
Mohammed (bí danh) 27 tuổi, từ Syria đến Anh vào tháng 7/2022. Tháng 5/2024, anh bị tạm giam chờ trục xuất. Tới tháng 6 thì anh được thả.
"Tôi bị bắt và bị giam giữ trong nỗ lực cuối cùng của chính phủ nhằm giành được nhiều phiếu bầu. Tôi chưa từng phạm tội. Sau khi được thả, tôi mất chỗ ở và tất cả đồ đạc. Tôi đã mất tất cả", anh nói.
Giống như Mohammed, hàng trăm người đã bị bắt một cách vội vàng. Dù một số người được quay về nơi ở cũ, nhưng một số khác lại bị đưa tới những vùng xa xôi hơn, khiến họ mất đi những sự hỗ trợ đã thiết lập trước đó.
"Tôi từng sống chung với những người xin tị nạn khác trong một ngôi nhà ở Hull. Chúng tôi đều ăn thực phẩm halal và không hút thuốc hay uống rượu trong nhà. Chúng tôi giữ gìn không gian chung sạch sẽ. Nhưng giờ tôi đã mất hết mọi thứ", Mohammed nói, "Bộ Nội Vụ đã cho một người khác vào ở phòng tôi".
"Một tổ chức từ thiện đã sắp xếp cho tôi ở nhà một phụ nữ Anh tại một ngôi làng cách nơi ở cũ 2 chuyến xe buýt. Bà ấy rất tốt nhưng tôi nhớ những người bạn cũ và hệ thống hỗ trợ mà tôi nhận được ở Hull", anh nói.
Một thanh niên khác đang học đại học ở Newcastle và chuẩn bị có kì thi. Nhưng bây giờ anh lại bị dời tới Sheffield, vậy là anh buộc phải đi học lại từ đầu.
Từ đầu năm đến nay, kỷ lục đã có hơn 13,000 người vượt eo biển đến Anh. Vào những ngày đầu tiên khi đảng Lao Động lên nắm quyền, không có vụ vượt biển nào diễn ra do thời tiết xấu. Nhưng hôm thứ Hai đã có 65 người trên 1 chiếc xuồng nhỏ tới Anh. Hôm thứ Ba có tới 419 người trên 6 chiếc thuyền cập bến Anh.
Hữu Tiến (theo TTXVN)