Bộ trưởng Nhập cư từ chức giữa lo ngại kế hoạch Rwanda đổ bể

Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick đã từ bỏ luật Rwanda. Ông đã viết thư xin từ chức vì "bất đồng sâu sắc với chính phủ về chính sách nhập cư".

Bộ luật mới Safety of Rwanda (Asylum and Immigration) Bill vừa được ban hành hôm thứ Tư, đây là nỗ lực tiếp theo của chính phủ nhằm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda. 

Đảng Bảo Thủ đã nhiều lần kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak rút Anh quốc khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights - ECHR) nhưng ông không làm theo. Điều này khiến cho các thành viên đảng nghi ngờ tính khả thi của luật Rwanda.

Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick đăng trên Twitter (X): "Thật buồn khi tôi phải viết những điều này đến ngài Thủ tướng để gửi lời chia tay cương vị Bộ trưởng Nhập cư của mình. Tôi không thể tiếp tục công việc vì bất đồng sâu sắc với đường hướng của chính phủ về vấn đề nhập cư". 

bo truong nhap cu tu chuc
Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick viết đơn xin từ chức trên X (Twitter).

Thủ tướng Rishi Sunak cũng đã phản hồi: "Cảm ơn những cống hiến của ông cho chính phủ. Sự tận tụy của ông đã giúp chúng ta cắt giảm hơn 1/3 số xuồng vượt biển đến Anh. Ông đã cố gắng cắt giảm số hồ sơ tị nạn tồn đọng và đưa người nhập cư rời khỏi chỗ ở tạm bợ trong khách sạn. Thật thất vọng khi ông quyết định từ chức vì chúng ta đã đi đến rất nhiều thống nhất quan trọng. Chúng ta đều cố gắng làm mọi cách để các chuyến bay có thể cất cánh đến Rwanda. Tôi e rằng việc từ chức của ông là do có hiểu lầm. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta chắc chắn sẽ thành công".

Ông Jenrick đã vắng mặt trong cuộc họp ở Hạ Viện khi Bộ trưởng Nội vụ vạch ra những chi tiết của bộ luật mới được ban hành. Đây là một bộ luật khẩn cấp, trong đó nói rằng Rwanda là một quốc gia an toàn. Điều này sẽ giúp các tòa án không phải "phán đoán" về ý muốn của Quốc hội. 

Tuy nhiên, ông Jenrick không tin rằng luật mới sẽ thành công, bởi vì trước đó Tòa án Tối cao đã bác bỏ kế hoạch Rwanda, nên những tòa án khác chưa chắc sẽ coi trọng luật này. 

Thay vì rút khỏi tất cả các hiệp ước nhân quyền, ông Sunak chỉ cho phép các bộ trưởng quyền bỏ qua những điều khoản trong Bộ luật Nhân quyền (Human Rights Act). Nhưng như vậy thì nó cũng không có tác dụng chi phối Công ước Nhân quyền châu Âu, vốn là luật cứng rắn nhất. Ông Jenrick và bà Braveman đều đã nhiều lần yêu cầu ông Sunak phải rút khỏi công ước này.

Bởi vì ông Sunak không chịu rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu, nên ông Jenrick đã quyết định từ chức vì ông không tin rằng luật Safety of Rwanda (Asylum and Immigration) Bill sẽ giúp các chuyến bay cất cánh. "Tôi không muốn lại là một chính trị gia nói được mà không làm được", ông Jenrick viết trong tuyên bố từ chức. 

Bà Braveman từng cảnh báo ông Sunak có thể mất ghế trong cuộc bầu cử sắp tới nếu luật Rwanda không làm nên trò trống gì. "Thủ tướng vẫn cho phép mọi người nhập cư bất hợp pháp được quyền viện dẫn lý do nhân quyền để chống lại lệnh trục xuất, và họ có thể không ngừng kháng cáo từ ngày này qua tháng nọ. Như vậy thì các thuyền vượt biên vẫn sẽ kiên trì tới Anh. Những gì ông Sunak làm là sự phản bội những thành viên Đảng Bảo Thủ đã bầu cho ông ấy, là sự phản bội những công dân yêu nước muốn chuyện này phải kết thúc", bà Braverman nói.

Nhưng chính phủ lại khẳng định rằng quyết định của ông Sunak là đúng vì nếu Anh phớt lờ luật quốc tế, thì chính phủ Rwanda cũng sẽ không đồng ý hợp tác với chính quyền Anh.

Viethome (theo ITV News)