Toàn cảnh vụ Tòa án Tối cao bác kế hoạch Rwanda, chính quyền Anh còn có thể làm gì?

Sau khi Tòa án Tối cao (Supreme Court) đưa ra phán quyết bác bỏ kế hoạch Rwanda vào ngày 15/11, Thủ tướng Rishi Sunak đã thề rằng ông sẽ tìm mọi cách để thực thi kế hoạch. 

Kế hoạch Rwanda lần đầu tiên được đệ trình vào tháng 4/2022 dưới thời ông Boris Johnson, lúc này chính phủ đang chịu nhiều sức ép phải giải quyết vấn đề xuồng nhỏ lũ lượt vượt qua eo biển Anh. Ông Johnson lúc đó vạch ra kế hoạch rằng, bất cứ ai đến Anh quốc bất hợp pháp sẽ bị trục xuất đến quốc gia đông Phi.

Tại đó, họ sẽ nộp hồ sơ xin tị nạn và nếu hồ sơ được duyệt, sẽ được cấp quyền ở lại Rwanda, chứ không phải quay trở lại Anh. Còn những người bị từ chối hồ sơ tị nạn, thì họ sẽ bị trục xuất về quốc gia nguyên quán của họ.

Kế hoạch này được Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ là bà Priti Patel ký tên đồng ý. 120 triệu bảng đã được chính phủ Anh chi cho Rwanda để tiến hành kế hoạch này. 

Tuy nhiên, các đảng đối thủ và các tổ chức từ thiện cho rằng kế hoạch là "tàn nhẫn và kinh tởm". Họ cho rằng kế hoạch này có thể vi phạm các luật nhân quyền quốc tế. Có báo cáo cho rằng Vua Charles III (tức Thái tử Charles lúc bấy giờ) đã phê phán nó.

Nhưng chính phủ vẫn cương quyết tiến hành, và chuyến bay đầu tiên đến thủ đô Kigali của Rwanda đã được hoạch định vào tháng 6/2022. Chỉ có 7 người xin tị nạn bị đưa lên máy bay, trong đó có 1 người Việt Nam

Bài liên quan: Cảm giác của người tị nạn khi suýt bị đưa tới Rwanda

toa an toi cao rwanda

Nhưng các tổ chức từ thiện đã thưa chuyến bay này ra tòa. Những người phản đối cũng tìm cách chặn chuyến bay, họ dùng các ống kim loại để chặn các lối ra của Trung tâm Giam giữ Nhập cư Colnbrook tại Heathrow, nơi 7 người này đang bị giam giữ chờ đưa lên máy bay.

Tuy nhiên, các thẩm phán phán quyết rằng 7 người này đủ điều kiện bị trục xuất, bởi vì chính phủ đã "trấn an" rằng nếu sau này kế hoạch bị cho là phi pháp, thì chính phủ hứa sẽ đưa những người này quay trở lại Anh.

Dù vậy, các tổ chức từ thiện vẫn kiên trì kháng cáo. Và vào những phút nghẹt thở cuối cùng, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã ra lệnh cấm trục xuất cả 7 người, khiến chiếc máy bay phải chôn chân trên đường băng của Sân bay Quốc phòng.

Chính phủ nói sẽ kháng cáo. Các nghị sĩ Bảo thủ tức giận khi thấy một tòa án châu Âu có thẩm quyền bác phán quyết của các tòa án Anh. 

Những tháng tiếp theo, nội các có nhiều thay đổi. Bà Liz Truss lên làm Thủ tướng và Suella Braverman làm Bộ trưởng Nội vụ. Hai người phụ nữ này vẫn ủng hộ kế hoạch Rwanda. Dù bà Truss bị bay chức vài tuần sau đó, thì người kế nhiệm là ông Rishi Sunak cũng vẫn giữ nguyên lập trường của kế hoạch. 

Một số ít các nghị sĩ Bảo Thủ đã kêu gọi Vương quốc Anh rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu, tuy nhiên thông tin mới nhất cho thấy ông Rishi Sunak sẽ không làm vậy vì không muốn gây bất hòa với các đồng minh Mỹ và châu Âu.

Kế hoạch Rwanda lại bị các tổ chức từ thiện thưa ra tòa, cho rằng Rwanda không phải là quốc gia thứ 3 an toàn như Bộ Nội Vụ nói. 

Tại một hội nghị của Đảng Bảo Thủ, bà Braverman nói rằng giấc mơ của bà là nhìn thấy chuyến bay cất cánh. Và giấc mơ ấy đã suýt chút nữa thành hiện thực vào tháng 12/2022, khi Tòa Thượng Thẩm (High Court) phán quyết nghiêng về các bộ trưởng. Tòa này tuyên bố rằng kế hoạch Rwanda không vi phạm Công ước Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, cũng không vi phạm bất cứ luật nhân quyền nào, và Rwanda là quốc gia thứ 3 an toàn cho người nhập cư. 

Tuy nhiên cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Các tổ chức từ thiện đã kháng cáo lên Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeal). Và 3 vị thẩm phán đã đảo ngược phán quyết của Tòa Thượng Thẩm. 

Tòa Phúc Thẩm kết luận rằng Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người xin tị nạn, do đó việc trục xuất họ tới đó là vi phạm pháp luật.

Chính phủ lại nổi giận, Thủ tướng Anh nói rằng ông không đồng ý với phán quyết của Tòa Phúc Thẩm, và sẽ làm mọi việc cần thiết để chuyến bay trục xuất được tiến hành. 

Sự giận dữ của bà Braverman và những người ủng hộ cánh hữu cũng leo thang. Ngày càng nhiều yêu cầu đòi Anh quốc rời ECHR, một số khác đòi chính phủ sửa luật nhân quyền.

Chính phủ Anh đã gởi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao (Supreme Court). Và vào ngày hôm qua 15/11, Thẩm phán Lord Rees của Tòa án Tối cao đã tuyên bố tán đồng phán quyết của Tòa Phúc Thẩm. Ông nói rằng những người bị đưa đến Rwanda sẽ có nguy cơ cao bị trục xuất trở về quốc gia nguyên quán, nơi họ có nguy cơ bị áp bức và tra tấn. Ông cho rằng kế hoạch Rwanda không chỉ vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu, mà còn vi phạm rất nhiều hiệp ước quốc tế khác.

Ngay cả trước khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, Thủ tướng Rishi Sunak đã khẳng định vào hôm 14/11 rằng ông sẽ đưa ra "luật khẩn cấp" để đảm bảo chuyến bay không bị chặn lần nữa, và khẳng định các chuyến bay sẽ được tiến hành vào mùa xuân tới.

Thủ tướng nói ông đang thảo luận một hiệp ước quốc tế mới với Rwanda để giải quyết những vướng mắc của tòa án và đảm bảo kế hoạch này là an toàn. 

Dù chính phủ Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với các thánh thức pháp lý, nhưng ông sẽ "không cho phép một tòa án ngoại quốc" ngăn chặn chuyến bay đến Rwanda. 

Nhưng khi được hỏi liệu Anh quốc có rút khỏi Tòa án Nhân quyền châu Âu hay không, thì ông ngừng trả lời. 

Viethome (theo Sky News)