Có 1 người Việt nằm trong số 7 người suýt bị đưa tới Rwanda

Abu Ali là một người Sudan. Anh từng bị bỏ tù, bị đánh đập ở Sudan vì tội tham gia vào cuộc biểu tình khiến chế độ cầm quyền Omar al-Bashir sụp đổ vào năm 2019. Anh tin rằng Anh quốc có thể cho anh một nơi trú ngụ an toàn. 

''Khi rời bỏ Sudan, ước mơ của tôi là không bao giờ bị giam giữ vô cớ nữa. Tôi nghĩ chuyện bắt người vô cớ sẽ không xảy ra ở UK'', chàng trai 22 tuổi nói qua điện thoại từ trại giam giữ Colnbrook ở Heathrow. 

Abu Ali (không phải tên thật) là 1 trong hơn 130 người xin tị nạn bị bắt giữ ở Kent hồi tháng 5 và bị tạm giam chờ trục xuất tới châu Phi. 

Theo Ủy ban Người tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, những người đi xuồng nhỏ tới Anh không phải vì mục đích kinh tế, điều này trái ngược với quan điểm của Bộ Nội Vụ. Giống như Abu Ali, họ có lý do chính đáng để xin tị nạn. Tuy nhiên chính phủ Anh chỉ ưu tiên cho người Ukraine và Afghanistan, những đối tượng khác rất khó được bảo vệ ở UK.

Một người đại diện phát ngôn của UNHCR nói: ''Bạn thấy đấy, không có con đường hợp pháp và an toàn nào dành cho những người xin tị nạn này. Chúng tôi cho rằng chính phủ Anh đang đẩy trách nhiệm của mình cho một nước khác, và trừng phạt người xin tị nạn chỉ vì họ đi theo một lộ trình vốn không bị Công ước Người tị nạn (Refugee Convention) cấm đoán''. 

nguoi viet truc xuat toi rwanda
Trong số 7 người bị đưa lên chuyến bay đầu tiên đến Rwanda, có 3 người Iran, 2 Iraq, 1 người Việt Nam và 1 người Albani. Ảnh: Henry Nicholls/Reuters

Abu Ali hoảng sợ với ý nghĩ bị đưa đến Rwanda. Anh sẽ chẳng bao giờ trốn khỏi Sudan nếu biết mình sẽ rơi vào tình cảnh này. Rwanda cũng đàn áp chẳng kém gì Sudan. Lịch sử cho thấy chính quyền Rwanda từng nhiều lần vi phạm luật nhân quyền, gần đây là áp chế quyền tự do ngôn luận. 

Các tổ chức tị nạn và nhân quyền đang lo lắng cho sức khỏe tinh thần của những người giống như Abu Ali. Vào hôm thứ Ba vừa rồi, khi chuyến bay đến Rwanda bị hủy, 2 trong số 7 người đã giàn giụa nước mắt kể lại nỗi sợ của họ khi chuyến bay suýt thì cất cánh. Họ bị tịch thu điện thoại, bị cách ly khỏi nhau, và bị tách ra để đưa tới một căn cứ quân sự.

Trong chiếc xe van, mỗi người tị nạn bị 3-4 người đàn ông kèm chặt. Người tị nạn bị cột tay vào thắt lưng bằng khóa dán Velcro. Tại khu căn cứ, họ bị bỏ mặc suốt nhiều giờ đồng hồ. Cuối cùng, khi bị đưa lên máy bay, một người tị nạn đã hoảng loạn và khóc lớn. ''Tôi không thể kiểm soát được mình'', người đàn ông nói. 

Trong khoang máy bay, có một người Việt Nam. Anh này đang cắn lưỡi để ngăn bản thân không la hét. Một người Iran khác thì đang khóc. Cuối cùng, khi một quan chức tới thông báo rằng anh sẽ không bị đưa tới Rwanda vào ngày hôm đó, anh cũng òa khóc. 

Trước khi chuyến bay bị hủy, có 3 người Iran, 2 Iraq, 1 người Việt Nam và 1 người Albani được đưa lên máy bay. Nhưng một số tổ chức tị nạn đang cảm thấy khó hiểu về số lượng người Sudan đông đảo trong số 130 người đang bị tạm giam chờ đưa đến Rwanda. Có tới 1/3 trong số này là người Sudan. 

Bà Clare Moseley, đại diện của tổ chức từ thiện Care4Calais, thắc mắc: ''Người Sudan chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số những người vượt Pháp đến UK. Vậy tại sao họ lại chiếm phần đông trong số những người sắp bị trục xuất đến Rwanda?''.

Bộ Nội Vụ không trả lời. 

Một người Sudan khác ở Colnbrook cho biết mình mới 17 tuổi, nhưng lại không được nhân viên nào hỗ trợ trong suốt 10 ngày bị giam ở đây. Cậu trốn khỏi Sudan do bị bỏ tù và ngược đãi lúc 13 tuổi. Sau đó cậu phải làm nô lệ suốt 2 năm trong trại dân quân ở Lybia. Sau đó cậu đã can đảm băng qua Địa Trung Hải trên một chiếc xuồng, vượt qua dãy núi Alps (bằng chân). ''Em không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Em chỉ muốn một nơi an toàn'', cậu thiếu niên nói. 

Viethome (theo Financial Times)