Yêu cầu trục xuất người xin tị nạn tới Rwanda trong vòng 24h sau khi Tòa ra phán quyết

Các nghị sĩ yêu cầu những chuyến bay chở người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda phải khởi hành trong vòng 24h sau khi có phán quyết của Tòa án Tối cao.

cai cach cong uoc nhan quyen chau au
Kế hoạch Rwanda đã liên tục gặp nhiều thách thức. Ảnh: Getty

Những lãnh đạo cấp cao của Đảng Bảo Thủ cảnh báo chính sách chống di dân quan trọng hàng đầu hiện nay là Kế hoạch Rwanda, tốt nhất không nên bị trì hoãn nữa. 

Hiện tại, chính phủ phải chờ tới ít nhất là tháng 12 này thì Tòa án Tối cao (Supreme Court) mới công bố phán quyết về tính hợp pháp của Kế hoạch. Đây được xem là cột mốc quan trọng mà ai cũng trông chờ, nhưng hiện Đảng Bảo Thủ đang yêu cầu phải có hành động dứt khoát để tiến hành chuyến bay bất chấp việc Tòa án có chống lại Kế hoạch này hay không. 

Đảng Bảo Thủ muốn Chính phủ Anh làm việc với các quốc gia Châu Âu khác về vấn nạn buôn người, để đi tới việc thay đổi Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Từ đó, các quốc gia muốn bảo vệ biên giới của họ sẽ không bị cản trở nữa. Ông Rishi Sunak hiện đang phải chịu áp lực phải thay đổi luật của Anh quốc, để UK có thể kiên quyết với Kế hoạch Rwanda. 

Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick khẳng định Kế hoạch Rwanda sẽ khuyến khích người nhập cư ở lại quốc gia an toàn là Pháp, thay vì đến Anh. 

Các nghị sĩ Bảo Thủ muốn các chuyến bay được tiến hành trước kì bầu cử năm 2024. Cựu Bộ trưởng Brexit, ông David Jones, cho biết nhập cư bất hợp pháp là "vấn đề quốc gia quan trọng duy nhất" mà khu vực cử tri của ông quan tâm. 

Ông yêu cầu chuyến bay phải cất cánh ngay lập tức sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết tán thành. "Chuyến bay phải diễn ra trong ngày hôm đó, điều này là cực kì quan trọng", ông nói, "Nếu họ biết họ sẽ không được ở lại UK và sẽ bị đưa tới một quốc gia châu Phi, vậy thì ngay từ đầu họ sẽ không lên xuồng nữa".

Một cuộc khảo sát trên trang tham mưu WeThink cho thấy mức độ ủng hộ đối với việc cấp chỗ ở cho người nhập cư đang ngày càng giảm. Chỉ 31% cho rằng nước Anh nên cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn trưởng thành, 47% cho rằng nước Anh không cần phải cấp chỗ ở cho họ.

37% tin rằng các băng đảng buôn người chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng xuồng nhỏ, 26% tin rằng trách nhiệm thuộc về Chính phủ, 7% cho rằng các luật sư nhân quyền là thủ phạm, 29% tin rằng tất cả 3 đối tượng này là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng.

1/5 người dân tin rằng nhập cư sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử sắp tới. 

Bản thân ông David Jones là một luật sư. Ông muốn UK quyết liệt vận động để đại tu Công ước châu Âu về Nhân quyền. Ông nói: "Công ước này đã 70 tuổi. Vào thời điểm kí kết vấn đề buôn người chưa nghiêm trọng như bây giờ. Công ước này không chỉ ngăn cản Anh mà còn ngăn cản các quốc gia khác - đặc biệt là Italy - quyền bảo vệ biên giới của mình. 

Thủ tướng Áo cũng đề xuất quan điểm trục xuất người nhập cư đến Rwanda, và Đan Mạch cũng đang tiến hành thương lượng với Rwanda về ý định đưa người nhập cư tới đây. Tháng này Thủ tướng Italy đã gặp ông Sunak để tăng cường hợp tác xử lý vấn đề nhập cư. 

Thị trưởng đảo Lampedusa (Italy) cho biết khoảng 7,000 người nhập cư đã đến hòn đảo này trong vòng 48 giờ, tình thế của hòn đảo có thể nói là "cùng đường". 

Hiện các nghị sĩ cho rằng UK và các nước châu Âu nên lên minh để đưa vấn đề cải cách Công ước Nhân quyền lên Hội đồng châu Âu, Tòa án châu Âu về Nhân quyền...

Viethome (theo Express.co.uk)